Hành trình khám phá Tết Việt qua trang giấy
Nhân dịp năm mới, nhiều đơn vị xuất bản đã giới thiệu các ấn phẩm đặc biệt về Tết. Mang đậm nét đẹp của văn, thơ, nhạc, họa, sách Tết 2025 trở thành món quà tinh thần không thể thiếu cho những ngày đầu xuân.
Nổi bật trong loạt sách Tết năm nay là “Én bay khắp miền - Tết về bình yên” của Đinh Tị Books. Cuốn sách thuộc bộ “Đọc sách ngày xuân - Quây quần đón Tết”, đưa độc giả theo chân Én nhỏ trên hành trình khám phá Tết Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc. Xuất phát từ miền Nam, Én nhỏ cùng gia đình ghé thăm miền Tây sông nước, hải đảo xa xôi, vùng biển Đà Nẵng, Thủ đô Hà Nội và kết thúc tại quê nhà miền núi yên bình. Qua từng chặng, những phong tục Tết đặc trưng của từng vùng miền hiện lên sinh động. Độc giả có thể cảm nhận Tết miền Tây với những thuyền hoa rực rỡ, Tết miền Nam ngập tràn sắc màu từ bánh tét, dưa giá. Tại hải đảo, Tết là sự ấm áp của tình người. Trong khi đó, Tết miền biển rực rỡ pháo hoa, Tết Hà Nội cổ kính mang đậm dấu ấn lịch sử với những trò chơi truyền thống như nặn tò he, tô tượng. Khi trở về miền núi, Tết lại là khung cảnh hoa mai, hoa mận khoe sắc cùng trang phục dân tộc sặc sỡ và các trò chơi dân gian đầy thú vị.
Nhiều thập kỷ về trước, sách Tết đã từng là một phần không thể thiếu của mùa xuân Việt Nam. Đó là thời kỳ các giai phẩm Tết - những ấn phẩm kết hợp giữa thơ, văn và hội họa - được xuất bản để mang lại niềm vui, sự thư giãn và cả tri thức cho người đọc. Nhưng qua thời gian, phong tục này dần bị mai một, chỉ để lại dấu vết mờ nhạt trong ký ức. Đến năm 2019, truyền thống làm sách Tết được nhiều nhà xuất bản khơi dậy, gây được sự chú ý với đông đảo độc giả hơn, điển hình là Đông A Books với ấn phẩm “Sách Tết Kỷ Hợi”. Từ đó, mỗi dịp cuối năm, sách Tết trở thành món quà đặc biệt, không chỉ để đọc mà còn để tặng, để gìn giữ giá trị văn hóa.
Dù là đọc để thưởng thức hay làm quà tặng, sách Tết mang giá trị của sự sẻ chia và kết nối. (Ảnh: Đinh Tị Books) |
Tiếp nối hành trình làm sống dậy văn hóa sách Tết, Đông A phát hành “Sách Tết Ất Tỵ 2025” - cuốn thứ bảy trong dự án Sách Tết hàng năm, bắt đầu từ 2019. Ấn phẩm này gồm năm phần: Khúc dạo đầu của mùa xuân, Văn, Thơ, Nhạc và Họa, dẫn dắt bạn đọc qua các cung bậc cảm xúc đặc sắc. Phần Khúc dạo đầu của mùa xuân mở ra những suy tư sâu lắng qua các bài viết như “Mở toang cánh cửa năm mới” của Trung Sỹ hay “Người Việt còn ăn Tết đến bao giờ” của Nguyễn Ngọc Tiến. Ký ức về Tết Quý Tỵ 1953 giữa rừng Tuyên Quang được Xuân Phượng tái hiện trong “Bánh chưng sắn và xem phim giữa rừng”. Phần Văn và Thơ mang đến những câu chuyện đậm chất xuân. Từ tình cảm nhẹ nhàng giữa chàng lính biển và em gái đồng đội trong “Quà biển” của Lê Minh Khuê đến câu chuyện cảm động về sự đồng cảm giữa các thế hệ trong “Chủ nhật mùng một xa xứ” của Thư Uyển. Những vần thơ của Trần Đức Cường, Hữu Việt hay Chế Lan Viên mang sắc thái khi dịu dàng, khi chiêm nghiệm sâu sắc, khơi gợi hương xuân tràn ngập. Phần Nhạc gợi lại ký ức qua các bài hát mùa xuân nổi tiếng như “Bài ca hy vọng” (Văn Ký), “Mùa xuân làng lúa làng hoa” (Ngọc Khuê). Phần họa giới thiệu họa sĩ tuổi Tỵ Đào Hải Phong với phong cách độc đáo. Bài viết “Những bức tranh có năng lượng sinh học chữa bệnh” của Nguyên Đăng mang đến góc nhìn mới lạ về liệu pháp điều trị bằng màu sắc.
Với thiết kế tinh xảo, nội dung sâu sắc, sách Tết không chỉ là món ăn tinh thần mà còn là món quà ý nghĩa cho gia đình, bạn bè và đối tác. Hình ảnh minh họa đẹp mắt, bìa sách trang nhã cùng thông điệp tích cực làm cho sách Tết trở thành biểu tượng mới của những ngày đầu năm. Dù là đọc để thưởng thức hay làm quà tặng, sách Tết đều mang trong mình giá trị của sự sẻ chia và kết nối. Trong không gian Tết ấm áp, lật giở từng trang sách cũng là một cách để cảm nhận trọn vẹn hơi thở của mùa xuân, của tình thân và những giá trị văn hóa bất biến qua thời gian. Tự bao giờ, sách Tết làm đầy thêm hương vị của mùa xuân hàng năm. Mở sách ra là thấy Tết, mở lòng ra là thấy yêu thương.
Gìn giữ truyền thống cho thế hệ nhỏ
Tết không chỉ là một dịp lễ mà còn là biểu tượng của sự đoàn viên, của những giá trị văn hóa truyền thống quý báu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng làm thế nào để những giá trị ấy không bị mai một trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại? Câu trả lời có thể là những điều rất giản dị: hãy bắt đầu từ trẻ nhỏ, những mầm non đang hình thành ý thức và nhận thức về thế giới xung quanh.
Dành cho thiếu nhi, cuốn sách “Tết là gì hở mẹ?” của NXB Hà Nội kể lại cuộc trò chuyện giữa mẹ và con dưới hình thức thơ song ngữ. Những góc nhìn khác biệt về Tết giữa hai thế hệ được khắc họa qua lời thơ trong trẻo và tranh minh họa sống động. Thông điệp “Chúng ta là người giữ Tết cho con” nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc gìn giữ giá trị Tết truyền thống, giúp trẻ hiểu ý nghĩa sâu sắc về gia đình và nguồn cội.
Lời nhắn nhủ ấy như một hồi chuông thức tỉnh, rằng trách nhiệm bảo tồn giá trị truyền thống không chỉ nằm ở những hành động lớn lao mà còn trong những câu chuyện nhỏ, những lời kể chân thành từ cha mẹ đến con trẻ. Tết cũng là cơ hội để cha mẹ trở thành những “người thầy đầu tiên” trong hành trình hình thành nhận thức văn hóa cho con. Những câu chuyện về bánh chưng, mâm ngũ quả, hay lễ cúng ông Táo chứa đựng giá trị tinh thần, giúp giáo dục trẻ hiểu rằng Tết không chỉ là vui chơi mà còn là dịp để gắn kết với gia đình, sẻ chia, yêu thương và tri ân nguồn cội. Chính từ sự giản dị ấy, những giá trị truyền thống được thắp sáng trong lòng trẻ nhỏ, từng chút một khắc sâu và trở thành một phần bản sắc không thể tách rời.
Sách Tết là món quà ý nghĩa mang hương sắc mùa xuân. (Ảnh: sggp.org.vn) |
Việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ sớm là một phương thức đầy ý nghĩa để khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa trong trẻ nhỏ. Những ấn phẩm về ngày Tết không chỉ mở ra thế giới phong tục truyền thống đầy màu sắc, mà còn gieo mầm tình yêu đối với bản sắc dân tộc trong tâm hồn non trẻ. Khi cha mẹ cùng con lật giở từng trang sách, cùng trao đổi về ý nghĩa sâu xa của những phong tục, hay lồng ghép những câu chuyện gia đình đong đầy kỷ niệm, đó không chỉ là sự kết nối mà còn là cách làm giàu thêm trí tưởng tượng và vốn sống của trẻ. Đồng thời, việc tạo cơ hội cho con tham gia vào các hoạt động gắn liền với Tết cổ truyền cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Những chuyến đi chợ hoa, những lần háo hức chơi trò dân gian hay việc cùng chuẩn bị mâm cơm đoàn viên không chỉ mang đến niềm vui, mà còn giúp trẻ thấu hiểu sâu sắc hơn giá trị tinh thần ẩn sau những truyền thống ấy.
Sách Tết là món quà ý nghĩa mang hương sắc mùa xuân, gợi nhắc những giá trị văn hóa đã trường tồn qua bao thế hệ. Trong nhịp sống hiện đại, sách Tết như một điểm dừng chân bình yên, giúp ta lắng lòng, tìm lại niềm tự hào dân tộc và vun đắp tình yêu với truyền thống. Đó là cách hương Tết Việt mãi lưu giữ trong trái tim mỗi người Việt.