Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD & ĐT Lê Thị Kim Dung - đại diện Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cho biết, đối với nội dung chính sách đối với người học, học phí, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần tập trung đầu tư cho giáo dục phổ thông; có lộ trình để thực hiện miễn học phí cho các cấp học này, trước hết là mầm non 5 tuổi, tiểu học và THCS. Bảo đảm công bằng cho đối tượng được thụ hưởng chính sách. Tiếp tục nghiên cứu các vấn đề: đào tạo sư phạm, chính sách tuyển dụng và đãi ngộ đối với nhà giáo. Đề nghị nghiên cứu trường hợp người học sư phạm mà không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường làm cho ngành sư phạm.
Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ GD & ĐT cũng nêu rõ, các đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung dự thảo được sửa đổi theo hướng thay thế quy định về phân công công tác đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển bằng chính sách ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức là hợp lý. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về chính sách ưu tiên, có biện pháp đảm đảm bảo chất lượng cử tuyển.
Bên cạnh đó, đề nghị quy định trách nhiệm về tài chính của nhà nước, hỗ trợ học phí cho từng cấp học, cho học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; bổ sung trường hợp được miễn giảm học phí để làm căn cứ thực hiện. Đề nghị giữ tên gọi là học phí, và làm rõ khái niệm học phí và dịch vụ giáo dục.
Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung quy định miễn học phí học sinh THCS trường công lập; quy định chính sách tín dụng đối với sinh viên sư phạm. Nghiên cứu để bổ sung tại các văn bản dưới Luật các vấn đề sau đây: chính sách tuyển dụng đối với nhà giáo, trường hợp người học sư phạm không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường làm trong ngành sư phạm, công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, công tác tuyển sinh, đào tạo sư phạm đủ theo nhu cầu sử dụng giáo viên.
Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung 01 khoản quy định biện pháp hỗ trợ cho người đi học theo chế độ cử tuyển để đảm bảo chất lượng đầu ra.
Dự thảo Luật quy định học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đào tạo: Hiện nay, cơ chế thu học phí thuộc phạm vi điều chỉnh bởi Luật Giá, và được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá, theo đó về nguyên tắc học phí phải tính đủ chi phí đào tạo. Tuy nhiên, do giá dịch vụ giáo dục hiện nay (học phí) ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, nên mức học phí này sẽ thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị thống nhất sử dụng từ học phí (Không dùng cụm từ Giá dịch vụ giáo dục đào tạo) đồng thời quy định mức thu học phí thực hiện lộ trình tính đủ chi phí giáo dục đào tạo như quy định tại Nghị định 16/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao.