Theo Điều 65 Dự thảo quy định Kiểm sát viên gồm 04 ngạch, gồm có: Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên.
Lý giải về việc sửa đổi này, Ban soạn thảo cho biết: Việc tổ chức các ngạch Kiểm sát viên như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho VKSND trong việc bố trí nhiều ngạch Kiểm sát viên ở mỗi cấp kiểm sát và trong công tác điều động, luân chuyển Kiểm sát viên giữa các cấp kiểm sát. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định về ngạch Kiểm sát viên cho thấy còn tồn tại nhiều bất cập.
Để khắc phục, cần thiết phải tổ chức một ngạch Kiểm sát viên mới là Kiểm sát viên cao cấp. Việc bổ sung ngạch Kiểm sát viên này cũng phù hợp với tinh thần sửa đổi các ngạch Kiểm sát viên khi xây dựng Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2011. Việc sửa đổi các ngạch Kiểm sát viên thành Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên VKSND tối cao là bước chuẩn bị cho việc bổ sung ngạch Kiểm sát viên cao cấp khi VKSND được tổ chức thành 4 cấp.
Việc phân ngạch Kiểm sát viên theo thứ bậc như trên cũng rất phù hợp với tính chất nhiệm vụ của từng cấp Viện kiểm sát. Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính hiện hành thì Viện kiểm sát cấp trên luôn phải thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn Viện kiểm sát cấp dưới hoặc kiểm tra, hướng dẫn công việc của Viện kiểm sát cấp dưới.
Vì vậy, việc phân định các ngạch Kiểm sát viên như trên sẽ bảo đảm phân hóa đội ngũ Kiểm sát viên về năng lực, trình độ chuyên môn, có thể bố trí đội ngũ Kiểm sát viên ở Viện kiểm sát cấp trên có trình độ, kinh nghiệm cao hơn đội ngũ Kiểm sát viên ở Viện kiểm sát cấp dưới, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát cấp mình, vừa bảo đảm khả năng hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát cấp dưới.
Việc chia 04 ngạch Kiểm sát viên sẽ bảo đảm cho việc điều động, luân chuyển Kiểm sát viên giữa các cấp kiểm sát được thông suốt; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, bảo đảm tính liên tục trong việc giải quyết án của Kiểm sát viên ngay từ đầu đến khi kết thúc. Kiểm sát viên cao cấp ở VKSND tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án do Cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra sẽ trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực nơi vụ án được chuyển đến để xét xử sơ thẩm, khắc phục tình trạng không hợp lý hiện nay là phải ủy quyền công tố cho Kiểm sát viên cấp tỉnh, cấp huyện, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án.
Việc chia 04 ngạch Kiểm sát viên còn đáp ứng được yêu cầu xây dựng, tăng cường, phát triển đội ngũ Kiểm sát viên ngành Kiểm sát (mở rộng nguồn tuyển chọn, bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa), tạo động lực mạnh mẽ để từng Kiểm sát viên phấn đấu, nâng cao chất lượng Kiểm sát viên các cấp.
Bên cạnh việc bổ sung ngạch Kiểm sát viên cao cấp, dự thảo Luật đã đổi tên ngạch “Kiểm sát viên sơ cấp” thành “Kiểm sát viên” để tránh gây hiểu lầm giữa tên ngạch và trình độ của Kiểm sát viên. Như vậy, trong mỗi cấp kiểm sát đều có Kiểm sát viên thuộc các ngạch khác nhau, như: VKSND tối cao và VKSND cấp cao có thể bố trí đủ 4 ngạch Kiểm sát viên; VKSND cấp tỉnh và VKSND khu vực (hoặc cấp huyện) có thể bố trí 3 ngạch Kiểm sát viên: cao cấp, trung cấp và Kiểm sát viên.
Về tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSND tối cao (Điều 55- Dự thảo Luật bổ sung 01 điều theo hướng: quy định “Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao được làm việc đến 60 tuổi đối với nữ, 65 tuổi đối với nam”.
Theo ban soạn thảo Kiểm sát viên VKSND tối cao là đội ngũ cán bộ “tinh túy” của ngành Kiểm sát, vì vậy, nếu áp dụng chế độ nghỉ hưu theo quy định chung sẽ là sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực có chất lượng cao
Chiều nay, trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu sẽ cho ý kiến về dự thảo luật này và Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)../.