Nhìn lại “thương vụ” Hòa Phát lấy 6 triệu m2 đất nông trường tại Thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), sẽ phần nào trả lời được câu hỏi nêu trên của Thủ tướng.
Mỗi con bò được cấp… 300m2 đất
Nằm cách thành phố Đồng Hới 13km về phía Tây, bản thân cái tên Thị trấn Nông trường Việt Trung đã gợi lên những khung cảnh nông nghiệp nông thôn. Thị trấn nằm giữa trập trùng núi đồi, rừng cây trải dài từ Tây sang Đông, chất đất cực phù hợp trồng cây trồng cỏ, từng là “thủ phủ” nuôi bò vùng Quảng Bình.
Thị trấn được hình thành năm 1960 từ ba nông trường quốc doanh, vốn có đặc điểm nổi bật đất đai mênh mông. Nhưng những ngày tươi đẹp ấy đã qua, khi Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình (trụ sở tại tiểu khu Hữu Nghị) ra đời, lấy được 6 triệu m2 đất nông trường để nuôi 20 ngàn con bò, nghĩa là trung bình mỗi con bò được cấp… 300m2 đất.
Nông trường Việt Trung thành lập ngày 1/1/1961 trên cơ sở hợp nhất 3 nông trường quốc doanh. Sau khi đổi tên Công ty Cao su Việt Trung, năm 2010 Quảng Bình chuyển đổi đơn vị này thành Công ty TNHH MTV Việt Trung. Bảy năm sau, Quảng Bình phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển công ty thành Công ty Cổ phần Việt Trung. Tuy nhiên, dù có tên gọi nào thì đất do đơn vị này quản lý cũng là đất Nhà nước.
Quá trình Hòa Phát “thôn tính” 6 triệu m2 nông trường diễn ra từ cuối năm 2015 đầu năm 2016, khi nông trường (lúc đó còn là Công ty TNHH MTV Việt Trung), ký hợp đồng góp vốn với Hòa Phát để lập Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình. Hai bên thỏa thuận Hòa Phát góp 218 tỷ tiền mặt; Nông trường Việt Trung góp đất, cụ thể “giá trị góp vốn bằng tài sản trên đất là 81,84 tỷ”.
Nông trường mênh mông khi xưa nay đã bị Hòa Phát Quảng Bình thôn tính 6 triệu m2 đất |
Ngày 20/1/2016, Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình ra đời. Chỉ hai tuần sau, dự án “chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao” của Hòa Phát Quảng Bình được tỉnh quyết định chủ trương đầu tư với công suất thiết kế 20 ngàn con/năm; 2 lứa/năm. Diện tích đất sử dụng dự kiến hơn 614ha, phần chuồng trại 56ha, đồng cỏ 564ha, thời gian hoạt động 50 năm.
Hơn một năm sau đó, sau khi Quảng Bình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2017 huyện Bố Trạch, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất của Nông trường Việt Trung, chuyển mục đích sử dụng, cho Hòa Phát Quảng Bình thuê thực hiện dự án nuôi bò.
Ngày 30/5/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng với Hòa Phát Quảng Bình, cho thuê hơn 5,9 triệu m2 đất tại xã Hòa Trạch và Thị trấn Nông trường Việt Trung (tại xã Hòa Trạch gần 33 ngàn m2; tại các tiểu khu Hữu Nghị, Truyền Thống, Dũng Cảm, Sao Vàng thuộc Thị trấn Nông trường Việt Trung hơn 5,9 triệu m2). Có điều bất thường khác, là trước đó 11 ngày, ngày 19/5/2017, dù chưa ký hợp đồng thuê, gần 6 triệu m2 đất này đã được UBND tỉnh cấp sổ đỏ cho Hòa Phát Quảng Bình.
Theo hồ sơ, để sử dụng 6 triệu m2 đất trong 50 năm (tính đến ngày 15/10/2043), Hòa Phát chỉ phải trả số tiền thuê hơn 16 tỷ. Tính chi ly, mỗi m2 đất Hòa Phát thuê chỉ tốn tiền thuê khoảng 53,3 đồng/năm. Và Quảng Bình áp dụng Điều 6 Nghị định 210/2013/NĐ-CP, cho rằng dự án này thuộc danh mục dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư. Sau đó Quảng Bình quyết định miễn toàn bộ tiền thuê đất với Hòa Phát.
Nói tóm lại, để lấy được 6 triệu m2 đất nông trường dự kiến nuôi 20 ngàn con bò (và sau khi gây ô nhiễm nghiêm trọng, Hòa Phát hiện bị tỉnh khống chế không nuôi quá 10 ngàn con/lứa, nghĩa là mỗi con bò được 600m2 đất – NV), Hòa Phát đã gần như không mất một đồng nào.
Hòa Phát đã đánh trúng khoảng “tranh tối tranh sáng” trong quản lý đất nông trường để lấy những diện tích khổng lồ với chi phí gần như bằng không |
Có hay không việc cấu kết chiếm đoạt tài sản Nhà nước?
Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) đánh giá, Hòa Phát đã đánh trúng khoảng “tranh tối, tranh sáng” trong quản lý đất nông, lâm trường, để lấy được diện tích khổng lồ với chi phí gần như bằng không.
Có thể thấy những khuất tất bắt đầu từ việc Nông trường Việt Trung góp vốn với “giá trị góp vốn bằng tài sản trên đất là 81,84 tỷ đồng” để lập Hòa Phát Quảng Bình. ““Tài sản trên đất” đó có thể là cây cối, nhà xưởng của các nông trường viên và Nhà nước. Lấy tư cách gì mà Nông trường Việt Trung lấy tài sản đó để góp vốn với Hòa Phát? Trước khi góp vốn có họp lấy ý kiến tập thể, xin ý kiến cơ quan quản lý hay không?”, LS Hiệp nêu câu hỏi.
Việc định giá số “tài sản trên đất” cũng khiến dư luận hoài nghi, vì nếu tính trung bình, giá trị tài sản trên đất trong thương vụ chỉ 13,6 ngàn đồng/m2. Căn cứ nào để hai bên xác định “giá trị tài sản trên đất” như trên?
Vì sao trong quy trình lấy đất này, dường như Hòa Phát lại “đi đường vòng” khi trước tiên thỏa thuận với Nông trường “góp vốn”, sau đó tỉnh thu hồi đất rồi mới giao Hòa Phát? LS Hiệp nhận định: “Tưởng là “đường vòng” nhưng lại là phương án “ngon, bổ, rẻ nhất”. Thứ nhất, thương lượng với Nông trường để định giá tài sản trên đất rẻ mạt rồi thỏa thuận “góp vốn”, tránh các khâu bồi thường, kiện tụng; Thứ hai, Quảng Bình thu hồi đất đó giao Hòa Phát, doanh nghiệp này vừa “né” được khoản thuế chuyển quyền sử dụng đất, đồng thời “xuê xoa” được những sai sót trong khâu thứ nhất”.
Sơ đồ thể hiện trang trại nuôi bò Hòa Phát Quảng Bình |
Theo LS Hiệp: “Theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 118/2014/NĐ-CP, khi thu hồi bàn giao đất do Nông trường quản lý về địa phương (và sau đó chuyển mục đích, cho Hòa Phát Quảng Bình thuê – NV), buộc phải thẩm định giá, xác định tài sản trên đất theo giá thị trường tại thời điểm nhận giao, thuê; để thu hồi phần vốn của Nhà nước hoặc người đã đầu tư. Nếu không thực hiện khâu này, nghĩa là các đối tượng đã cấu kết chiếm đoạt tài sản nhà nước”.
LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) nhìn nhận: “Tại thời điểm góp vốn, Công ty TNHH MTV Việt Trung có 100% vốn nhà nước. Vì thế việc góp vốn với Hòa Phát phải tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư công 2014; Nghị định 91/2015/NĐ – CP “về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”. Việc góp vốn của Việt Trung áp dụng Điều 29 và Điều 38 Nghị định 91”.
“Khoản 1 Điều 38 Nghị định 91 nêu rất rõ nguyên tắc khi chuyển nhượng: 1. Phải có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng. 2. Bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất. 3. Phải được thẩm định giá theo pháp luật”.
“Tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 91, thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn nhà nước của Công ty TNHH MTV Việt Trung vào Hòa Phát thuộc về UBND tỉnh Quảng Bình. Trong trường hợp đơn vị này chỉ được giao quyền quản lý thì trước khi ra quyết định phải có ý kiến đồng ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính”.
“Nếu khi góp vốn thành lập Hòa Phát Quảng Bình, Nông trường không thực hiện những quy định trên, là vi phạm pháp luật. Cần phải thanh, kiểm tra làm rõ quá trình chuyển giao này”, LS Nghĩa nói.
Được biết, năm 2018, từ số “vốn góp” trên, Việt Trung được Hòa Phát chia số tiền lãi 5 tỷ.
Hòa Phát không tốn 1 xu thuê đất, nhưng sau đó lại cho nông dân trồng dưa thuê lại rồi “thu tô”, thu hàng trăm triệu mỗi năm. Hàng trăm ngàn m2 đất khác Hòa Phát chặt cao su rồi bỏ hoang, hoặc sử dụng sai mục đích, không trồng cỏ mà “giữ nguyên trạng cây cao su điều hòa không khí cho khu chăn nuôi”. Chỉ được phép xây 350 ngàn m2 khu chuồng trại, nhưng thực tế Hòa Phát đã xây khu chuồng trại gần 400 ngàn m2, nghĩa là xây lố diện tích 50 ngàn m2 làm… nhà chứa phân.
Mời độc giả xem tiếp kỳ sau.