Họ là những hộ dân nghèo ở các tỉnh miền Tây và miền Trung tụ hội về đây để hình thành nên làng chài này trên cao nguyên.
Niềm vui có nhà trên bờ
Gần chục năm qua, hàng chục hộ dân từ các vùng miền đã đổ về dòng Sê San thuộc xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) và xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) để mưu sinh bằng nghề chài lưới. Để có chỗ tá túc, họ đã làm những ngôi nhà nổi tạm bợ trên mặt sông Sê San thuộc xã Ia O.
Đến khi đông quá, một số nhà lại qua bên bờ xã Ia Tơi để đánh bắt cá mưu sinh. Cứ chạy qua, chạy lại đã khiến cho cuộc đời của hàng chục hộ dân làng chài đều sống lênh đênh trên mặt hồ.
Từ xa nhìn lại, ngôi làng chài bị cô lập giữa dòng sông, những căn nhà được làm rất đơn sơ bằng thân cây nứa ghép lại, tiện cho việc di chuyển qua lại trên sông.
Làng chài có 26 hộ với gần 75 nhân khẩu, chủ yếu là những người miền Tây như Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang và các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thừa Thiên - Huế di cư lên cao nguyên này để đánh bắt và nuôi cá lồng bè.
Thấu hiểu được nỗi khó khăn của các hộ dân nơi đây, tháng 2/2018 vừa qua, chính quyền địa phương đã thông báo cấp đất, hỗ trợ tiền để các hộ dân được lên bờ ổn định cuộc sống.
“Mỗi hộ dân làng chài sẽ được cấp 400m2 đất ở và hỗ trợ 50 triệu đồng chi phí dựng nhà. Hộ nào có nhu cầu thì có thể khai khẩn gần đó để canh tác, làm ăn. Trước đó, UBND huyện Ia H’Drai cũng đã cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum hỗ trợ giống cá, thức ăn cho bà con nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Sê San”, ông Chế Hồng Quyền - Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết.
Ông Nguyễn Văn Triều (quê ở tỉnh An Giang, cư dân đầu tiên của làng chài) phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi đã mong mỏi được lên bờ bao nhiêu năm rồi. Giờ được hỗ trợ đất và tiền xây nhà trên bờ, hy vọng cuộc sống sẽ không còn lênh đênh. Lên bờ rồi vẫn tập trung vào nuôi cá lồng và phát triển thêm các cây trồng trên bờ để phát triển kinh tế”.
Cùng chung tâm trạng, ông Đinh Văn Thân (quê ở An Giang) trải lòng: “Có nhà ở trên bờ, tôi sẽ không phải chèo thuyền để chở con đến trường, các con cũng không gặp nguy hiểm mỗi khi trời mưa bão. Không phải co ro vào những đêm lạnh khi ngủ trên lòng hồ nữa. Việc có nhà, có đất trên bờ làm tất cả bà con đều rất vui sướng, bởi đó là mơ ước của bà con từ nhiều năm nay. Khi xây xong nhà, tôi sẽ chuyển hết đồ lên bờ, còn nhà lồng bè thì để lại rồi thỉnh thoảng ra canh cá lồng”.
“Vì tương lai của mấy đứa con nên chúng tôi mới bỏ quê lên đây. Mặc dù bị gọi là xứ khỉ ho cò gáy nhưng được cái dễ kiếm tiền hơn. Chính quyền xã Ia Tơi cũng cho chúng tôi nhập khẩu. Dù còn nhiều khó khăn nhưng con tôi và các đứa trẻ ở đây đều được đến trường. Đời bố mẹ chúng khổ quá nhiều rồi nên phải tha hương, chỉ mong con cháu sau này ổn định nơi miền đất mới”, chị Trần Thị Tý (cư dân làng chài) tâm sự.
Lặng lẽ những phận đời
Trò chuyện với chúng tôi, ông Triều tâm sự, quê ông ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), gia đình thuộc hộ nghèo trong xóm, từ đời cha ông đã gắn bó với con thuyền, dòng sông và những lòng hồ mênh mông. Rồi cách đây gần 10 năm, nghe tin ở đây có sông Sê San nên tìm đến để mưu sinh.
“Điểm chung của các hộ dân ở đây là nghèo khó, không nghề nghiệp, không việc làm, bám theo lòng hồ thủy điện để tìm cá, tôm. Bất kể là trời nắng hay mưa, người dân làng chài đều phải lặn lội mưu sinh. Tài sản của chúng tôi, ngoài căn nhà tạm là chiếc thuyền, mấy tấm lưới, gần như không còn gì khác”, ông Triều tâm sự.
Mưu sinh trên lòng hồ thủy điện Sê San |
Ít ai biết được rằng, cách đây chừng 5 năm, những ngôi nhà nổi kia chỉ là những chiếc thuyền di động vật vã trong cuộc mưu sinh, đôi lúc còn phải chạy lòng vòng né các đoàn kiểm tra. Nhưng rồi cũng đỡ vất vả, bởi chính quyền huyện Ia H’Drai đã về xóm chài, thống kê dân số, vận động con em đến trường và nay đã cấp đất ở cho người dân.
Rời quê theo con, ông Nguyễn Văn Tùng gần 70 tuổi là người lớn tuổi nhất ở xóm làng chài này. Với kinh nghiệm, ông cho rằng lòng hồ này có những khu vực rất nhiều cá như “zom ba lỗ”. Ông giải thích “zom ba lỗ” là nơi có ba con suối đổ về lòng hồ nằm ở phía Tây Nam vùng rừng Sê San phía tỉnh Kon Tum, rất rộng đường giăng lưới.
Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Tùng cũng sắm được 20 tấm lưới, mỗi tấm khoảng 400.000 đồng. Mỗi ngày ông kiếm được từ 200.000 đến 400.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống.
“Xa quê, không ai muốn hết. Tại cuộc sống quá nghèo nên mới tha hương. Ở đây không dư giả gì nhưng vẫn hơn ở quê. Ai chứ gia đình tôi thì định cư ở đây là chắc rồi”, ông Tùng tâm sự.
Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống hàng ngày cho gia đình, mà nghề đánh bắt thủy sản ở đây đang làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân vốn khó khăn. Ở đây, hầu hết các hộ đều có lồng nuôi cá, nuôi vịt. Có nhà trồng được cả rau xanh. Đặc biệt, nhà nào cũng dùng điện pin mặt trời, có nhà sắm được ti vi.
Ông Nguyễn Quang Thọ - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia H’Drai kể, trước đây quá trình vận động các em còn trong độ tuổi đến trường học tập của làng chài này rất khó khăn. Ngày ấy ít thuyền máy như bây giờ, phụ huynh ngại đưa con đến trường. Có người còn quen nếp nghĩ, nhiều đời tổ tiên làm nghề chài lưới trên sông, lấy vợ cũng trên dòng sông và con thuyền, đời cha đã vậy, đời con có gì sáng sủa hơn.
“Với sự kiên trì, đến nay, chúng tôi đã vận động được 17/19 em đến lớp. Trong số này có đến 30% em đạt khá giỏi và 90% là chuyên cần. Bây giờ, với việc chính quyền địa phương cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà, các hộ dân làng chài sẽ “an cư, lạc nghiệp”, hàng chục đứa trẻ ở đây cũng được ổn định, thuận lợi hơn trong việc học hành”, ông Thọ cho biết.