Sáng nay, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ công an và quân đội tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích sau vụ sạt lở đất. Ngoài 4 máy xúc, lực lượng chức năng đưa thêm 1 máy khoan cắt đá vào hiện trường.
Có mặt tại hiện trường, Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình chỉ đạo, động viên anh em cố gắng hết sức, nỗ lực tìm kiếm dù chỉ còn 1% hy vọng cũng phải tìm bằng được các thi thể còn lại.
Trong ngày 14/10, lực lượng chức năng không tìm thấy thêm nạn nhân nào. Công tác tìm kiếm các nạn nhân gặp nhiều khó khăn vì lượng đất đá rất nhiều.
9h sáng, lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm thấy thi thể cháu Bùi Thị Soan (SN 2008). Khoảng 10h, lực lượng cứu nạn cứu hộ tiếp tục phát hiện thi thể 2 mẹ con chị Bùi Thị Sinh (SN 1981) và cháu Đinh Công Thắng hơn 3 tháng tuổi. Được biết, đây là 3 mẹ con (cháu Soan là con riêng của chị Sinh).
Trước đó, khoảng hơn 1h sáng ngày 12/10, mưa lớn tại khu vực xóm Khanh, đã xảy ra vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng, hàng nghìn mét khối đất đá ập xuống từ thác Khanh, vượt qua lòng suối vùi lấp 6/8 căn nhà và cướp đi sinh mạng của 18 người xấu số. Đến sáng 13/10 đã tìm được 10 thi thể nạn nhân.
68 người chết, 34 người mất tích
Thông tin mới nhất (ngày 15/10) từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến 21h00 ngày 14/10 trận lũ lịch sử đã làm 68 người chết, tăng 8 người so với báo cáo ngày 13/10 (Sơn La: 6 người; Yên Bái: 14 người, tăng 7 người; Hòa Bình: 20 người; Thanh Hóa: 16 người, tăng 01 người; Nghệ An: 9 người, Hà Nội: 2 người; Quảng Trị: 1 người).
Người mất tích: 34 người, giảm 3 người so với báo cáo ngày 13/10 (Sơn La: 2 người; Yên Bái: 14 người, giảm 3 người; Hòa Bình: 13 người, Thanh Hóa: 5 người).
Người bị thương: 32 người (Sơn La: 4 người; Yên Bái: 08 người; Thái Bình: 6 người; Hòa Bình: 8 người; Thanh Hóa: 5 người; Hà Tĩnh: 1 người).
Nhà bị sập đổ hư hỏng: 221 nhà; nhà bị ngập: 46.177 nhà; nhà di dời khẩn cấp: 2.298 nhà;
Về chăn nuôi: 7.547 con gia súc và 243.227 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Về giao thông, tại Yên Bái hiện đã khắc phục tạm thời tuyến đường quốc lộ 32, đường tỉnh lộ 164 và đang nỗ lực khắc phục tuyến đường tỉnh lộ 174.
Tại Hòa Bình: Tuyến quốc lộ 6 đoạn từ km131+050 đến km 131+250 và 7 tuyến đường tỉnh (432, 433, 435B, 438, 438B, 448, 450) hiện vẫn đang tắc do sạt lở và ngập úng.
Tại Sơn La: Các tuyến Quốc lộ có khoảng 945 vị trí sụt lún, bồi lấp gây ách tắc giao thông 98 vị trí ( QL.37 có 34 vị trí, QL43 có 64 vị trí), hiện nay đã thông tuyến; một số tuyến đường tỉnh vẫn còn bị ách tắc giao thông. Đường giao thông đến xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; xã Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè huyện Vân Hồ hiện vẫn bị cô lập (cầu Bản Đông xã Tường Phù, cầu gỗ xã Mường Cơi, cầu tại QL37, cầu Bản Kháng bị cuốn trôi; cầu Gia Phù bị trôi 02 mố.
Tại Thanh Hóa: Các tuyến QL đã cơ bản khắc phục thông tuyến, hiện còn các tuyến QL (16, 47, 47C) vẫn bị sạt lở, ách tắc; các tuyến tỉnh lộ đã cơ bản thông tuyến, hiện chỉ còn tỉnh lộ 519B chưa thông tuyến.
Về nông, lâm nghiệp và tiêu úng, theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, tính đến chiều ngày 14/10 diện tích ngập úng còn 126.515ha (giảm so với báo cáo nhanh ngày 13/10 là 31.485ha). Dự kiến, tình hình ngập úng nặng sẽ còn tiếp diễn trong 5-7 ngày tới ở các tỉnh Hà Nam và Nam Định, 3-5 ngày ở các tỉnh Ninh Bình và Thái Bình…
Đáng chú ý, Thanh Hóa còn 35 xã/7 huyện vẫn đang bị ngập, trong đó 3 xã bị cô lập: Trung Chính (Nông Cống), Yên Giang (Yên Định), Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc); Ninh Bình còn 6 xã tại Nho Quan và Gia Viễn bị ngập, hiện nước đang rút chậm.
Hiện nay, các tỉnh đang tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp.
Những công việc cần triển khai tiếp theo
Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện Công điện số 1560/CĐ-TTg ngày 12/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Công điện số 82/CĐ-TW ngày 13/10/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 11.
Tập trung cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết bị nạn.
Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo; tình hình xả lũ các hồ chứa tại các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ để cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp.
Tăng cường tuần tra canh gác, kiểm tra, phát hiện và khẩn trương xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng về đê điều, hồ đập, giao thông, hệ thống điện, nhất là các trọng điểm xung yếu tại các địa phương đã chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua để chuẩn bị ứng phó với bão số 11 và các đợt mưa lũ tiếp theo.
Tiến hành rà soát thống kê thiệt hại, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp giống cây trồng, vật nuôi; khẩn trương khắc phục các sự cố, ổn định đời sống nhân dân tại các khu vực bị ảnh hưởng thiệt hại do mưa lũ.
Tiếp tục rà soát, chủ động triển khai quyết liệt việc di dời dân tại các vùng thấp trũng ở bãi sông, ven biển, hạ du các hồ chứa, các trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi đảm bảo an toàn.
Khẩn trương huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân tập trung thu hoạch các diện tích lúa, hoa màu, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; tiêu úng cho các diện tích lúa và hoa màu đang bị ngập.
Các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến bão số 11, mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh.
Trực ban nghiêm túc, theo dõi nắm bắt diễn biến thiên tai, thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và tham mưu xử lý các tình huống có thể xảy ra./.