Trưa hôm nay 8/9, di tích lịch sử Thành cổ Lạng Sơn, phía cổng Nam xảy ra tình trạng sạt lở. Ngoài ra, một thanh chắn hạn chế chiều cao phương tiện đi lại qua thành cổ cũng bị đổ.
Vị trí thành cổ bị sạt lở hình tam giác. Chiều dài nhất đoạn bị sạt lở dài khoảng 4 mét. Ngay sau khi thành cổ bị sạt lở, lực lượng chức năng đã có mặt, chặt các phương tiện giao thông không cho qua cổng thành, tránh gây nguy hiểm. Đến buổi chiều, vị trí bị sạt lở được che bởi một tấm bạt lớn.
Lực lượng chức năng che lại phần bị sạt lở. |
Theo tìm hiểu, Thành cổ Lạng Sơn hiện chưa xác định được cụ thể thời điểm xây dựng, chỉ biết rằng đến năm Hồng Đức thứ 26 nhà Lê (1495) được tu bổ. Những lần sửa chữa tiếp theo là vào năm 1756-1758 triều Cảnh Hưng, năm 1837 nhà Nguyễn, năm 2001 cổng vòm phía Nam được tu bổ và cắm bia biển bảo vệ, tới năm 2005-2006 lại được tu sửa lớn.
Thành cổ hình chữ nhật, có 4 cửa các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và 19 điểm canh, nay chỉ còn lại 2 cổng thành khá nguyên vẹn là phía Nam và Tây cùng một số đoạn thành. Chu vi của thành khoảng một km, xung quanh bốn mặt đều rộng thoáng, bằng phẳng rất thuận tiện cho việc triển khai tấn công và ứng cứu khi cần thiết. Đây là vị trí quân sự đắc địa có ưu thế cả công lẫn phòng thủ.
Thành cổ sẽ được tu sửa lại. |
Thành cổ Lạng Sơn đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1999. Đây là di tích lịch sử có vai trò quan trọng trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm ở Lạng Sơn, là công trình kiến trúc quân sự kiên cố, quy mô của các vương triều phong kiến Việt Nam.
Trao đổi nhanh với phóng viên Pháp luật Việt Nam, ông Lưu Bá Mạc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc Thành cổ Lạng Sơn bị sạt lở là điều đáng tiếc. “Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, tu sửa lại phần cổng thành bị sạt lở”, ông Lưu Bá Mạc chia sẻ.