Thống kê cho thấy sản lượng thủy sản khai thác của Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm giảm 16.000 tấn (giảm 6%); Quảng Bình giảm 23,6 nghìn tấn (giảm 8,7%); Quảng Trị giảm 16 nghìn tấn (giảm 14,3%); Thừa Thiên Huế giảm 13,3 nghìn tấn (giảm 30%).
Bộ NN&PTNT cho biết, trước hoạt động khai thác hải sản của ngư dân gặp khó khăn, Bộ đã xây dựng chính sách để hỗ trợ cho ngư dân 4 tỉnh Bắc Trung bộ là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế do bị ảnh hưởng của tình trạng cá chết bất thường.
Theo đó, lần này Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu cho Chính phủ để ban hành chính sách chuyển đổi nghề cũng như chính sách về khôi phục môi trường và các chính sách về tạo việc làm cho bà con ngư dân để làm sao có đời sống ổn định trước mắt cũng như lâu dài.
“Bộ đang hoàn tất các văn bản và xin ý kiến các bộ, ngành cũng như các địa phương rồi. Trong tuần tới, Bộ sẽ trình Chính phủ để ban hành chính sách này. Hy vọng, với chính sách chuyển đổi nghề cũng như giải quyết cho bà con ngư dân giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống sẽ đáp ứng được mong đợi của bà con ngư dân 4 tỉnh Bắc Trung bộ”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết.
Theo tìm hiểu của PLVN, đề xuất của Bộ NN&PTNT có một số nội dung đáng chú ý. Thứ nhất, sẽ tạo điều kiện để cho ngư dân các tỉnh Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng sự cố vừa rồi đánh bắt vùng lộng và vùng ven bờ, tức là đối với tàu công suất dưới 90CV sẽ được hưởng chính sách như trong Nghị định 67 và Nghị định 89 để đóng tàu khai thác vùng xa bờ.
Hướng thứ hai là Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất phối hợp với Bộ LĐTB&XH để có chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân. Nếu ngư dân không đi khai thác thì sẽ lên bờ để làm những nghề phù hợp với điều kiện và có thể tăng thu nhập, trong đó Bộ đề xuất cố gắng mỗi hộ gia đình có được một người đi xuất khẩu lao động. Đây là một hướng giúp cho những gia đình này có điều kiện để ổn định cuộc sống tốt hơn.
Ngoài ra, tới đây Bộ NN&PTNT cũng sẽ đề xuất một dự án khôi phục, tái tạo lại các rạn san hô cũng như các hệ sinh thái. Dự án này cần một lực lượng lao động rất lớn, cũng sẽ đề xuất đưa các lao động của các hộ gia đình này tham gia dự án khôi phục môi trường ở các tỉnh.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chủ động và tham mưu chính sách hỗ trợ cho ngư dân các tỉnh bị thiệt hại theo Quyết định 772. Sau khi Quyết định 772 về hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị thiệt triển khại khoảng 1 tháng hết hiệu lực thì Bộ tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chính sách bổ sung hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh này về gạo là 6 tháng, về đối tượng thì mở rộng thêm cả diêm dân. Đồng thời chính sách thu mua tạm trữ hải sản thì được kéo dài thêm 1 tháng nữa, tức là 2 tháng từ 5/5-5/7.