Dù Vincent vẫn có thể sử dụng tay của mình, việc trải nghiệm cuộc sống của một người khuyết tật đã giúp ông nhận ra rằng nhiều người khác thì không. Và điều này đồng nghĩa với việc họ cũng không có khả năng đáp ứng các nhu cầu tối thiểu về thể chất và tinh thần của bản thân.
“Những tổ chức khác, hầu hết do các nhóm tôn giáo hoặc các nhóm phụ huynh sáng lập, họ sẽ nghĩ làm thế nào để giúp người khuyết tật làm việc hoặc sống tự lập, nhưng quyền được có đời sống tình dục thì chưa ai để ý. Và đó là những gì chúng tôi đang làm” - một nữ tình nguyện viên của nhóm chia sẻ.
Hand Angels đã mất 6 tháng để lập kế hoạch và làm công tác tư tưởng với người dùng dịch vụ. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhóm cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích, cho rằng họ thực chất chỉ là ổ mại dâm trá hình. Dù vậy, các thành viên của Hand Angels luôn tin rằng họ đang cung cấp một dịch vụ cần thiết và hữu ích cho một bộ phận dân số bị hoàn toàn tước bỏ mất cuộc sống tình dục, cho dù những người này cũng có nhu cầu và mong muốn như bất cứ người bình thường nào khác.
Thực ra việc làm của Hand Angels có thể mới ở Đài Loan và bị phản ứng nhưng với một số quốc gia, vấn đề tình dục cho người khuyết tật không có gì mới và nó là một phần của cuộc đấu tranh cho sự công bằng về tình dục. Chia sẻ tại một cuộc hội thảo, bác sĩ Hoàng Tú Anh – Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số CCIHP cho biết ở Hà Lan có trường hợp hai người bị mắc chứng bệnh thoái hóa cơ yêu và lấy nhau, nhưng vì chứng bệnh nên họ không thể quan hệ tình dục.
Hai vợ chồng đã đệ đơn và sau đó được một nhóm nhân viên xã hội giúp đỡ, hướng dẫn để họ thực hiện được ý nguyện. Sự ra tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội ở Hà Lan cho thấy tình dục và quyền tình dục (bao gồm quyền lựa chọn bạn tình, quyền được quyết định về thân thể, quyền quyết định có quan hệ tình dục hay không…) cũng mang tính phổ quát như quyền con người, theo bác sĩ Hoàng Tú Anh. Nhưng không phải nơi nào cũng có tư duy “thoáng” như vậy và hiện nay vẫn còn nhiều người không biết đến và không được thụ hưởng quyền về công bằng tình dục này.
“Ở Việt Nam, không hiếm khi gặp những nhân viên ở cửa hàng thuốc kể lại chuyện các cụ ông cụ bà đi mua bao cao su, dầu bôi trơn với giọng đầy châm biếm, bởi theo họ lứa tuổi đó là để chăm con cháu chứ không phải để tận hưởng nữa. Tôi cũng đã từng chứng kiến một nhóm bạn trẻ trong một cuộc thử nghiệm đi ra hiệu thuốc mua bao cao su đã rất xấu hổ dù việc làm của họ không có gì sai”, theo bác sĩ Hoàng Tú Anh.
Nói về sự công bằng tình dục, thoạt nghe có vẻ nhạy cảm, nhưng thực ra nó là nguyên nhân gốc rễ để hạn chế của các vụ xâm hại tình dục. Không ít những bà vợ trở thành “nạn nhân tình dục” của chính chồng mình vì họ không biết đến quyền, đến sự công bằng của mình, mà chỉ nghĩ là vợ phải chịu đựng, phải “hầu” chồng. Rồi những vụ xâm hại quấy rối nơi công sở, cơ quan cũng vậy khi sự công bằng tình dục không được tôn trọng, không được hiểu biết…
Cũng theo bác sĩ Hoàng Tú Anh, vai trò truyền thông rất quan trọng trong việc tuyên truyền về quyền tình dục và sự công bằng tình dục. Những cách truyền thông đại ý như: không cần thiết phải bênh vực gái mại dâm khi họ bị bạo lực tình dục vì họ là gái mại dâm, chế diễu lên án người già có nhu cầu tình dục, vì người vợ không “chiều” nên bị chồng bạo lực… là những cách truyền thông vô cùng sai lầm và gây hậu quả lớn. Chính vì thế mới nói, tại sao lại tranh cãi, lên án thay vì nghĩ đến sự công bằng, vì đó cũng chính là một khía cạnh của quyền con người thiêng liêng và bất khả xâm phạm.