Sao kê tài khoản có phải là kênh hữu hiệu để minh bạch hoạt động từ thiện?

Hoạt động thiện nguyện diễn ra ở nhiều vùng miền
Hoạt động thiện nguyện diễn ra ở nhiều vùng miền
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, các nghệ sĩ đã liên tục thực hiện việc sao kê từ thiện theo yêu cầu của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, sao kê tài khoản có phải là biện pháp hữu hiệu để minh bạch việc kêu gọi từ thiện. PLVN đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Có nhiều cách để minh bạch số tiền làm thiện nguyện

Luật sư đánh giá như thế nào về việc các nghệ sĩ kêu gọi từ thiện hiện đang bị cộng đồng mạng yêu cầu minh bạch số tiền kêu gọi từ thiện? Các nghệ sĩ nói riêng, cá nhân kêu gọi từ thiện nói chung có nghĩa vụ phải minh bạch hay không?

- Hiện tại chưa có hành lang pháp lý quy định về vấn đề kêu gọi từ thiện của cá nhân nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 64/2008/NĐ-CP quy định về công khai tiền, hàng cứu trợ (Nghị định 64) Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân tổ chức vận động đóng góp từ thiện.

Theo quy định khoản 1 Điều 14 Nghị định này thì mới chỉ quy định trách nhiệm công khai các khoản huy động đóng góp của Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Uỷ ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; Các Quỹ xã hội, quỹ từ thiện...

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc các nghệ sỹ đứng ra kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân, sử dụng số tiền ủng hộ của các mạnh thường quân thì các nghệ sỹ nên công khai minh bạch các khoản ủng hộ, sử dụng đúng mục đích kêu gọi ủng hộ.

Theo Luật sư, để minh bạch những khoản kêu gọi từ thiện, những cá nhân kêu gọi đóng góp làm từ thiện nên làm những việc gì?

- Hoạt động từ thiện là hoạt động mang nhiều ý nghĩa góp phần hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên đây cũng là một hoạt động khá nhạy cảm nên có nhiều kẽ hở khiến cho kẻ xấu lợi dụng để trục lợi từ hoạt động này và cũng sẽ dễ gây hiểu nhầm nếu như không tiến hành một cách khách quan và rõ ràng.

Theo quan điểm của tôi, để minh bạch hoạt động từ thiện của mình, các cá nhân kêu gọi từ thiện cần nêu rõ mục đích kêu gọi ủng hộ, đối tượng được ủng hộ, thời gian bắt đầu nhận ủng hộ và thời điểm kết thúc việc nhận ủng hộ; Các cá nhân nên lập một tài khoản riêng để nhận tiền ủng hộ để tránh nhầm lẫn trong quá trình thực hiện; Quan trọng nhất, các khoản chi phí liên quan đến số tiền nhận ủng hộ cần có chứng từ chi mua, ghi rõ nội dung các khoản chi phí phát sinh.

Bên cạnh đó, các cá nhân cần liên hệ với cơ quan chính quyền, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chính quyền trong suốt quá trình thực hiện chương trình từ thiện, lấy xác nhận của cơ quan chính quyền về các hạng mục từ thiện; ngay sau khi kết thúc chương trình từ thiện, cá nhân cần công khai các khoản thu - chi, thông báo dừng tiếp nhận ủng hộ, mục đích sử dụng số tiền còn thừa của chương trình (nếu có).

Cần sớm ban hành hành lang pháp lý về hoạt động từ thiện của cá nhân

Luật sư Phan Thị Lam Hồng

Luật sư Phan Thị Lam Hồng

Để không xảy ra hiện tượng “yêu cầu sao kê” hiện đang rất mạnh trên cộng đồng mạng, những người có tấm lòng thiện nguyện có nên chuyển hướng gửi đóng góp của mình đến các quỹ, các tổ chức chính thức hay không, thưa Luật sư?

- Thứ nhất, theo quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là Quỹ) thì ở Việt Nam hiện nay, pháp luật công nhận 02 hình thức Quỹ.

Quỹ là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức thành lập; có mục đích tổ chức, hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.

Trong quá trình hoạt động, quỹ chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân tài trợ và cộng đồng. Mặt khác, hàng năm quỹ có trách nhiệm báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động và báo cáo tài chính, công khai các khoản đóng góp trên phương tiện thông tin đại chúng.

Do đó, những người có tấm lòng thiện nguyện nên chuyển hướng gửi đóng góp của mình đến các Quỹ để có thể dễ dàng kiểm soát, giám sát việc sử dụng các khoản tài trợ của Quỹ.

Những người có tấm lòng thiện nguyện nên gửi đóng góp của mình đến các Quỹ

Những người có tấm lòng thiện nguyện nên gửi đóng góp của mình đến các Quỹ

Thứ hai, bên cạnh hoạt động của các Quỹ từ thiện, trên thực tế trong những năm qua hoạt động từ thiện của cá nhân diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là những nghệ sỹ - người có sức ảnh hưởng trong xã hội đã nhận được nguồn ủng hộ rất lớn từ người hâm mộ, đồng nghiệp và cộng đồng các cá nhân trong và ngoài nước.

Nhiều nghệ sĩ, cá nhân đã vận động, quyên góp được hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, giúp đỡ được nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn, thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, góp phần giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước từ đó góp phần ổn định đời sống, trật tự xã hội.

Tuy nhiên, do pháp luật hiện hành chưa có các quy định điều chỉnh cụ thể, hướng dẫn thống nhất về vấn đề này nên đã xảy ra tình trạng hoạt động từ thiện của các cá nhân diễn ra tự phát, dẫn đến việc một số kẻ xấu đã lợi dụng việc kêu gọi từ thiện để vụ lợi cá nhân.

Ngoài ra, cũng do “vàng thau lẫn lộn” nên nhiều nghệ sĩ, cá nhân có tâm, có tầm, làm từ thiện bằng cái tâm của mình, muốn phần nào giúp đỡ các cảnh đời éo le, khó khăn trong xã hội phải chịu vạ lây và bị đánh đồng với các trường hợp lừa đảo, ăn chặn tiền từ thiện.

Trên thực tế, ngày 26/5/2021, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 92/TTr-BTC trình Chính phủ ban hành nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (thay thế Nghị định số 64) và văn bản số 8919/BTC-NSNN ngày 10/8/2021 giải trình về đối tượng áp dụng của dự thảo nghị định, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Tại Thông báo số 222/TB-VPCP ngày 23/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện; cần có quy định cụ thể để triển khai thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, đáp ứng mục đích, ý nghĩa và yêu cầu quản lý nhà nước.

Do đó, theo quan điểm của cá nhân tôi, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm xây dựng ban hành quy định hướng dẫn về hoạt động kêu gọi từ thiện của các cá nhân, trong đó quy định rõ trách nhiệm công khai, minh bạch việc sử dụng tiền từ thiện và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm.

Đây là cách duy nhất để có thể phát huy được sức mạnh của cộng đồng (qua hình thức đóng góp của cá nhân). Đồng thời để ngăn ngừa trường hợp một số cá nhân lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân.

Các quỹ từ thiện phải báo cáo tài chính hàng năm

Thực tế hiện người dân đang có tâm lý không tin tưởng các quỹ, tổ chức... Vậy pháp luật có những quy định gì nếu các tổ chức, quỹ này sử dụng không đúng số tiền đã quyên góp được, thưa Luật sư?

- Tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm, trường hợp các tổ chức, quỹ từ thiện sử dụng không đúng số tiền nhận quyên góp, các tổ chức, quỹ từ thiện, cá nhân có liên quan có thể bị xử lý như bị đình chỉ hoạt động 6 tháng (theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 93/2019/NĐ-CP) nếu sử dụng sai các khoản tài trợ hoặc không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động và báo cáo tài chính hàng năm; Hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản đôn đốc nhưng quá thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đôn đốc quỹ vẫn không khắc phục…

Quỹ sẽ bị giải thể nếu không báo cáo về tổ chức, hoạt động và tài chính theo quy định hoặc không công khai báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán quỹ và kết luận của kiểm toán (nếu có) trong 02 năm liên tục; Tư lợi, gian dối về tài chính trong quá trình thành lập quỹ và quỹ hoạt động…

Ngoài ra, trường hợp các cá nhân của quỹ từ thiện có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền quyên góp từ thiện của các mạnh thường quân thì tùy tính chất, mức độ mà các cá nhân này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội như tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sảnquy định Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015; Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Như vậy, có thể thấy pháp luật đã quy định về các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật, sử dụng sai mục đích tiền từ thiện của các tổ chức, Qũy từ thiện. Việc này sẽ phần nào tạo niềm tin để các mạnh thường quân tiến hành ủng hộ qua các tổ chức, Quỹ từ thiện.

Cảm ơn Luật sư!

Đọc thêm

Hà Nội: Thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID từ ngày mai - 22/4

Hà Nội: Thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID từ ngày mai - 22/4
(PLVN) - Từ ngày mai - 22/4, UBND TP Hà Nội sẽ triển khai thí điểm thủ tục cấp Phiếu lý lịch Tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) cho các trường hợp công dân Việt Nam trên địa bàn TP Hà Nội có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Một vụ kiện tranh chấp về thừa kế tài sản tại TP Hồ Chí Minh: Công an huyện Bình Chánh xác định một số nội dung kê khai là giả mạo

Một vụ kiện tranh chấp về thừa kế tài sản tại TP Hồ Chí Minh: Công an huyện Bình Chánh xác định một số nội dung kê khai là giả mạo
(PLVN) - Từ 4 năm nay, một số cơ quan chức năng và tổ chức tại TP HCM như TAND quận 8, Sở KH&ĐT, Công an huyện Bình Chánh, Bệnh viện Chợ Rẫy… đã giải quyết và có ý kiến tham gia về một vụ kiện tranh chấp thừa kế tài sản có nhiều tình tiết pháp lý thú vị; nhưng đến nay sự việc vẫn chưa đi tới hồi kết.

Vợ có được sử dụng thiết bị định vị để theo dõi chồng?

Vợ có được sử dụng thiết bị định vị để theo dõi chồng?
(PLVN) - Bạn Văn Ngọc (Hà Nội) hỏi: Tôi thường xuyên phải đi công tác, vợ tôi cứ hay nghi ngờ tôi có người tình ở ngoài. Do vậy, vợ tôi bảo là sẽ gắn chíp định vị trên ô tô để tiện theo dõi và giám sát chồng khi đi công tác xa. Xin hỏi, vợ tôi mà làm như vậy thì có được không? Nếu không được thì có thể sẽ đối diện với chế tài xử lý nào theo quy định của pháp luật?

Động thái tích cực sau bài viết về một số khu tái định cư tại Huế 'khát nước'

Người dân khu Hương Sơ 9 dự kiến sẽ được cung cấp nước sạch trong tháng 4/2024. (Ảnh trong bài: Tám Bảy)
(PLVN) - Mới đây, báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) đã có bài phản ánh việc người dân tại khu tái định cư (TĐC) Hương Sơ 9 và 10 (tổ dân phố 6 và 5, phường Hương Sơ, TP Huế), tới đây ở từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng phải sống trong cảnh chưa có nước sạch. Sau khi Báo đăng, chủ đầu tư, đơn vị thi công và Cty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế đã có những động thái tích cực.

Đừng xem nhẹ khâu lấy ý kiến

Ảnh minh họa - Ảnh TTXVN.
(PLVN) - Mới đây, UBND một TP phía Nam ban hành Quy chế tổ chức họp báo, quy định tổ chức họp báo định kỳ mỗi quý một lần và đột xuất khi có chuyên đề, sự việc quan trọng. Bản quy chế này đặc biệt được các cơ quan báo chí truyền thông quan tâm, khi có một số yêu cầu như phóng viên phải gửi câu hỏi trước họp báo 3 ngày, đặt câu hỏi bổ sung tại cuộc họp phải phù hợp “tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác”.

Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển

Hình ảnh minh họa.
(PLVN) - Chính phủ mới ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển. Theo đó, khu vực biển được xác định để lấn biển phải được xác định cụ thể vị trí, diện tích, ranh giới, tọa độ theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ.