Biến thành “phiền hà” vì mê thơ, tốt bụng
Ông vốn dĩ sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, với tên thật là Lại Thanh Hà. Đang học giữa chừng đại học, ông xung phong nhập ngũ. Sau này ông cùng với đồng đội đi xây dựng công trình thủy lợi Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh). Duyên phận gắn đời ông với một cô gái xứ Huế, để rồi năm 1977, ông đã “theo nàng về xứ thơ”.
Ông Hà kể rằng, trong sáu anh em ruột, ông là người được học cao nhất (hết hai năm đại học) nên với bản tính yêu đời, ông rất thích và yêu thơ. Bởi yêu thơ, yêu vợ mà ông sẵn sàng từ bỏ mảnh đất ông từng gắn bó để di chuyển về một vùng quê mới, tiếp tục đối mặt với cuộc sống vất vả.
“Có lẽ vì yêu thơ nên tôi đã lấy vợ người Huế. Về Huế rồi, làm đủ mọi nghề nhưng chẳng đủ ăn, tôi đưa vợ con chuyển về quận Liên Chiểu, Đà Nẵng sinh sống và làm việc ở Cục Vận tải số 6. Công việc không ổn định, vợ con vẫn nghèo khổ, năm 1989 tôi bán nhà, đưa vợ con lên đỉnh đèo Hải Vân sinh sống bằng việc trồng rừng, chăn bò, bán nước. Khổ thế mà suốt những năm đó, tôi vẫn làm được thơ. Vì thế tôi được bè bạn gọi là “Lại Phiền Hà”, rồi thấy đó cũng là bút danh haynên đã giữ cho đến bây giờ” - ông Hà tâm sự.
Những năm đầu lên đỉnh đèo, cuộc sống của gia đình vô cùng gian nan, vất vả. Không điện, không nước, không người thân. Tự thân ông và vợ con phải cố gắng gấp đôi, gấp ba và làm lụng, gom góp tiền để xây hồ dẫn nước về. Ông lại có sáng kiến sử dụng dòng nước để làm thủy điện nhỏ, thắp sáng cho cả xóm khi một số họ cũng tụ về địa chỉ này để sinh sống.
Hơn thế, ông Hà còn cưu mang một đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài lề đường. Có người bảo, nên chuyển em bé đến trung tâm bảo trợ. Ông lắc đầu: “Trời cho lộc con, vậy thì phải nuôi nó. Nó là con mình, là tài sản của mình rồi”.
Vì lòng thương người, nhiều phen ông bị vạ lây. Đó là ông bênh vực những hành khách đi đường bị bọn lưu manh bắt nạt, cướp của. Bởi thế, có lần ông bị bọn lưu manh trả thù, đánh hội đồng suýt chết. Nhưng ông vẫn không từ bỏ được việc giúp đỡ người khác. Đúng là vì người, ông chuốc lấy phiền hà. Người thân của ông thốt lên như vậy.
Ông Lại Phiền Hà còn rất nhiều dự định làm đẹp Hải Vân quan. |
Gieo hoa trên đèo, gieo lòng tốt cho đời
Từ năm 1990, khách thăm đèo Hải Vân khá đông đúc. Ông Hà đã nghĩ ra cách xây nhà vệ sinh để phục vụ khách du lịch. Lúc nghe chuyện ông bán nhà đến một vùng đất hoang vắng sinh sống, ai cũng can ngăn, rồi càng ngỡ ngàng khi nghe chuyện ông mang vàng bán nhà đổi nguyên vật liệu, phát cây, vỡ đất xây nhà vệ sinh. Thậm chí không ít người cười khẩy, bảo ông là “gã thơ hâm”.
Ông phân bua: “Ngay cả mụ Mắm (ông Hà gọi vợ là mụ Mắm) khi ấy còn chẳng ngờ chúng tôi có thể sống tốt từ dịch vụ vệ sinh. Lúc đó tôi nghĩ, xây dựng nhà vệ sinh đàng hoàng, mở ra dịch vụ, vừa bảo vệ cảnh quan môi trường, vừa tạo đà cho khách nước ngoài đến thăm, chứ cứ để theo kiểu tự do, nhìn nhếch nhác lắm. Tôi được khách nước ngoài rất ủng hộ”.
Nói đến thơ, đôi mắt của ông Lại Phiền Hà sáng lên. Người ta bảo, thơ của ông như thứ hương trầm trong gỗ mục. Bề ngoài ông có vẻ phong sương, thô ráp nhưng thật ra là người lãng mạn, chan chứa tình cảm. Giờ đây dường như ngày nào ông cũng dành chút ít thời gian cho thơ. Thơ ông không dành in sách tặng mà thơ ông tặng khách du lịch, khách qua đường, là “món ăn tinh thần” cho khách ghé vào quán nước của ông. Lạ lắm, lại nhiều người thuộc thơ ông nên hễ đi qua là phải dừng lại “đàm đạo” một hồi.
Suốt bao nhiêu năm với nhiều lần di chuyển nơi sinh sống, ông đã gắn bó lâu nhất nơi đỉnh đèo này. Hỏi ông đã được gì từ thơ, ông bảo thơ dạy ông cách làm người. Tình người vẫn chứa chan nơi thẳm sâu trái tim. Điều đó được chứng thực qua việc ông không ngơi làm việc thiện: nhắc nhở người đi đường cẩn thận gìn giữ tư trang cá nhân, dọn dẹp di tích Hải Vân quan, hướng dẫn du khách đi tham quan…
Ngoài ra, ông còn dày công xây dựng nên Vườn Thanh, gồm rất nhiều loài hoa, cây cảnh trên một mỏm núi, cốt để tạo cảnh quan đẹp, tạo điểm nhấn cho khách tham quan tìm đến. Ông khoe rằng, khu vườn còn phải hoàn thiện thêm, nhưng đã có rất nhiều du khách ghé thăm. Ông đang ấp ủ trồng nhiều hoa hơn nữa dọc hành lang đường bộ phía Nam đèo Hải Vân để du khách có ấn tượng tốt khi đến tham quan và tìm hiểu lịch sử di tích này.
Ông nhấn mạnh: “Tôi đã quá yêu mảnh đất đèo này rồi. Nếu có sức còn muốn trồng thật nhiều hoa cho di tích này trở nên sinh động và đặc biệt hơn”. Những cô con gái mà ông Hà đặt cho những cái tên ở nhà rất ngộ nghĩnh đã biết giao tiếp với khách nước ngoài bằng tiếng Anh khi bán quán nước. Sự trưởng thành của các con khiến ông vui sướng, an tâm hơn với những dự định tô điểm cho đèo Hải Vân của mình.