Sáng chế từ lòng nhân ái
Không thể phủ nhận, người Việt có tinh thần lạc quan, vượt khó và nhân ái. Ngay trong thời điểm “tâm dịch” những tháng đầu năm, mặc dù dịch bệnh hoành hành gây bao khó khăn cho đời sống sinh hoạt, cho kinh tế, thì người dân vẫn có nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Có những sáng tạo ra đời từ tấm lòng dành cho nhau ấy.
Nếu nói đến những sáng tạo nổi bật nhất của mùa Covid, phải kể đến chiếc máy ATM gạo. Đầu tháng 4, giữa mùa dịch, những người dân lao động nghèo đang rơi vào cảnh khổ của sự thiếu thốn miếng cơm manh áo thì chiếc ATM gạo đầu tiên xuất hiện tại quận Tân Phú, TP.HCM.
Trước đó, trên trang cá nhân của mình, anh Hoàng Tuấn Anh, chủ doanh nghiệp khóa điện tử PHG bày tỏ mong muốn phát 100 tấn gạo đến người nghèo, mong nhiều người cùng chung tay góp, nhưng anh cũng trăn trở làm sao để quy trình phát gạo được vận hành tốt nhất, giảm thiểu những rủi ro về lây lan bệnh tật và các tiêu cực khác.
Từ đó, ngày đêm suy nghĩ, vận dụng chuyên môn về kĩ thuật của một kĩ sư từng kinh doanh thiết bị công nghệ nhiều năm tại Úc, anh Tuấn Anh nghĩ ra một loại máy đơn giản nhưng hiệu quả, có thể truyền gạo đến người dân bảo đảm tránh được các điểm yếu nói trên.
Với ATM gạo, gạo được đổ vào phía bên trong máy, dẫn ra ngoài qua một đường ống. Bên ngoài, lắp đặt nhiều máy “rút gạo” cách xa nhau khoảng cách an toàn. Thiết bị chính của AMT gạo là chuông thông minh và van tự động. Khi có người đến nhận, ấn nút thì cảm biến chuyển động kích hoạt hệ thống trên điện thoại và gạo sẽ chạy ra từ bồn chứa phía trên.
Người đến nhận gạo được được yêu cầu đứng vào các vị trí đánh dấu để xếp hàng cách nhau 2m, được nhân viên công ty hướng dẫn rửa tay sạch sẽ và nhận gạo. Mỗi lần nhấn nút, người dân được nhận 1,5 kg gạo và không lấy quá 2 lần/ ngày.
Mô hình làm từ thiện đầy sáng tạo và mới mẻ này đã nhận sự ủng hộ nhiệt thành của người dân cả nước. Không chỉ truyền thông trong nước “dậy sóng”, hình ảnh ATM gạo cũng đã vượt khỏi biên giới Việt Nam, được quốc tế biết đến. Hàng loạt hãng thông tấn nổi tiếng hàng đầu thế giới đã đưa tin, hình ảnh về ATM gạo.
"Một chiếc máy có thể phát gạo miễn phí, điều này quá khó tin nhưng lại là sự thật. Chiếc máy ATM gạo này đã được lắp đặt tại nhiều địa điểm trên khắp Việt Nam để giúp những người đang cần được hỗ trợ nhất trong dịch Covid-19", CNN đã đưa tin ngay vài ngày sau khi ATM xuất hiện. Nhiều bạn đọc quốc tế cũng đã gọi Việt Nam là “một quốc gia không giàu có nhưng giàu tình người”.
Máy ATM gạo, sáng chế từ lòng nhân ái của người Việt. |
Ngày đầu tiên vận hành ATM gạo, có 1 tấn gạo đã được đến tay hơn 500 người nghèo. Đến nay, ATM gạo đã có mặt tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP: Tân Phú, Tân Bình, quận 1, quận 2, Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức với hàng ngàn tấn gạo tuôn chảy. Đồng thời, ATM gạo được chuyển giao cho nhiều đơn vị, địa phương máy, gạo, nhân lực… để mô hình này lan tỏa rộng khắp.
Tại TP.HCM, trung bình có 4.000 -6000 lượt người /ngày đến nhận gạo. Sau đó mô hình đã có mặt tại rất nhiều tỉnh, thành trên khắp 3 miền cả nước như Hà Nội, Bình Thuận, Bình Dương, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre… Cho đến nay, ATM gạo đã bắt đầu hành trình đến với một số quốc gia khác như Ấn Độ, Campuchia… để tham gia hỗ trợ hoạt động cứu giúp người nghèo.
Phát minh vang danh năm châu
Nếu như máy ATM gạo là “phát minh của tình người”, thì các bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 lại là sáng chế minh chứng cho khả năng sáng tạo, năng lực của các nhà khoa học Việt trước cộng đồng quốc tế. Tháng 3/2020, Viện Công nghệ sinh học đã thử nghiệm thành công bộ kit đạt tiêu chuẩn của WHO, giúp Việt Nam chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bộ Kit chẩn đoán SARS-CoV-2 của Viện Công nghệ sinh học được Viện Y học dự phòng quân đội kiểm nghiệm đạt kết quả có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với bộ Kit realtime RT-PCR của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với độ đặc hiệu 100%, độ nhạy là 5 copies/phản ứng.
Kết quả nghiên cứu này khẳng định Việt Nam đã làm chủ công nghệ hiện đại và hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất bộ Kit realtime RT-PCR dùng để chẩn đoán SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Từ sau khi phát minh bộ kit, Việt Nam đã hoàn toàn chủ động trong xét nghiệm cho người nghi nhiễm, không phụ thuộc vào việc nhập ngoại đang trong tình trạng khan hiếm.
Ngay sau khi Việt Nam sản xuất thành công bộ kit real-time RT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện, Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Khoa học - Công nghệ đã thông báo đến Bộ Khoa học - Công nghệ các nước ASEAN. Sau đó, nhiều quốc gia, doanh nghiệp đã đặt vấn đề mua bộ kit do Việt Nam sản xuất. Từ sự xuất hiện của bộ kit, Việt Nam đã nhận được nhiều chú ý, tán thành từ cộng đồng quốc tế. Nhiều người dân quốc tế đã đánh giá cao Việt Nam, quốc gia bé nhỏ nhưng “có võ” trong công tác phòng chống dịch.
Những điều nhỏ nhoi mà vĩ đại
Mùa dịch còn chứng kiến rất nhiều những sáng chế khác, tuy có vẻ giản dị, nhưng góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch bệnh của đất nước, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân thời gian qua. Đó là những máy rửa tay tự động, máy trợ thở tự động, máy sát khuẩn tự động, nhiệt kế thông minh… được ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
Máy rửa tay tự động là một sáng chế “cây nhà lá vườn”, xuất hiện từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước bởi người dân ở nhiều thành phần, lứa tuổi. Tiến sĩ Hàn Huy Dũng, Phó Bộ môn Điện tử và Kỹ thuật máy tính, Viện Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng là một trong những bệnh nhân Covid-19 cùng những người bạn của mình sáng chế thành công sản phẩm máy rửa tay tự động, đưa ra sản xuất trên diện rộng.
Cũng trong tháng 5, chiếc máy rửa tay sát khuẩn hình chú mèo máy Doraemon của em Phạm Thị Hoài An, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, xã Đăk R’La, huyện Đăk Mil (Đăk Nông) được đặt tại cổng trường phục vụ thầy và trò trước khi vào trường. Với thiết kế cảm biến, các bạn chỉ cần đưa tay ra, chú mèo Doremon sẽ tự phun dung dịch sát khuẩn.
Theo chia sẻ của em An, một lần đến TP HCM chơi, thấy các điểm rửa tay ở nhà hàng đều gắn thiết bị rửa tay tự động mà không cần phải bật tắt, rất tiện dụng, em về nói với bố ý tưởng của mình và nhờ bố, một giáo viên tiểu học giúp đỡ những phần phức tạp, còn em tự làm những phần đơn giản. Sau đó, hai bố con cùng nhau thực hiện chú mèo sát khuẩn ngay tại nhà và đưa đến trường phục vụ học sinh, giáo viên.
Là sáng chế của một em học sinh, máy sát khuẩn Doraemon có thể nghe nhạc. Thông qua một thẻ nhớ, nhạc từ các chương trình thiếu nhi, các nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sẽ được chú mèo máy phát ra, tạo sự thích thú cho học sinh. Trước đó, vào tháng 4, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Tánh Linh, Bình Thuận) đã gắn hai máy rửa tay tự động do một học sinh lớp 11 chế tạo chỉ với chi phí hơn 300 ngàn đồng.
Trong tháng 4/2020, nhóm sinh viên Trường đại học Lạc Hồng đã tổ chức chuyển giao nhiệt kế thông minh cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Đây là 1 trong 2 sáng chế hữu ích của thầy cô và sinh viên trường trong công tác phòng chống dịch. Sáng chế thứ 2 là máy trợ thở tự động, do các sinh viên Khoa Cơ điện - điện tử thực hiện, cải tiến dựa trên mã nguồn mở của Trường đại học MIT (Hoa Kỳ).
Theo công bố của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây, số bằng độc quyền sáng chế tăng 56,7% trong dịp dịch bệnh. Con số ấy bao gồm rất nhiều sáng chế trong công tác phòng chống dịch, như ATM gạo, bộ kit, máy rửa tay, máy diệt khuẩn, máy thở tự động… nói trên.
Những sáng chế giản dị nhưng vô cùng hữu ích ấy đã minh chứng cho tinh thần vượt khó, nỗ lực và sáng tạo của người Việt, không kể lứa tuổi, học vấn. Tin rằng, với tinh thần mạnh mẽ ấy, Việt Nam sẽ tiếp tục hành trình chống dịch hiệu quả trong thời gian tới.