Tấm chân tình của người sáng chế “ATM gạo”

Tại một điểm phát gạo tự động.
Tại một điểm phát gạo tự động.
(PLVN) - Phía sau “ATM gạo” không chỉ đơn thuần là câu chuyện phát gạo cho người nghèo, đó còn là tấm chân tình của một người đàn ông trẻ tuổi đồng cảm với người nghèo, mong muốn cống hiến cho xã hội, đất nước.

Mô hình làm từ thiện sáng tạo mới mẻ 

Những ngày đầu tháng 4/2020, giữa mùa dịch, khi mà người dân, nhất là người lao động nghèo bắt đầu thấm thía sự khó khăn về miếng cơm, manh áo thì ATM gạo đầu tiên xuất hiện tại quận Tân Phú, TP HCM. 

Trước đó, trên trang cá nhân của mình, anh Hoàng Tuấn Anh, chủ doanh nghiệp khóa điện tử PHG đã bày tỏ mong muốn phát 100 tấn gạo đến người nghèo, mong nhiều người cùng chung tay góp. Đồng thời, anh Tuấn Anh cũng trăn trở làm sao để việc phát gạo có một quy trình ổn định, hiệu quả. 

“Tôi thấy rằng, trong những hoạt động từ thiện, mà cụ thể là phát gạo, phát thực phẩm vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Thứ nhất là, khó quản lý việc người dân đến nhận thực phẩm, nhiều nơi vẫn còn diễn ra tình trạng tranh giành nhau, hỗn loạn. Thứ hai là, đôi khi nhà hảo tâm cũng đối mặt với những rủi ro khi nhiều sự cố bị đẩy lên cao trào, thậm chí có trường hợp bị tai nạn. Thứ ba, trong mùa dịch này, bảo đảm khoảng cách an toàn rất quan trọng.

Ba nguyên nhân đó, cùng với suy nghĩ làm sao để người nghèo đến nhận gạo mà không phải mang nặng cảm giác bị thấy mặt, phải hàm ơn người đối diện; khiến tôi ngày đêm suy nghĩ, vận dụng chuyên môn về kĩ thuật của mình để nghĩ ra một loại máy đơn giản nhưng hiệu quả, có thể chuyển gạo đến người có nhu cầu mà bảo đảm tránh được các điểm yếu nói trên. Thế là ATM gạo ra đời”.

Với ATM gạo, gạo được đổ vào phía bên trong máy, dẫn ra ngoài qua một đường ống. Bên ngoài, lắp đặt nhiều máy “rút gạo” cách xa nhau, đảm bảo khoảng cách an toàn. 

Thiết bị chính của ATM gạo là chuông thông minh và van tự động. Khi có người đến nhận, nhấn nút thì cảm biến chuyển động kích hoạt hệ thống và gạo sẽ chạy ra từ bồn chứa phía trên. Người đến nhận gạo được yêu cầu đứng vào các vị trí đánh dấu để xếp hàng cách nhau 2m, được tình nguyện viên hướng dẫn rửa tay sạch sẽ và nhận gạo. Mỗi lần nhấn nút, người dân được nhận 1,5kg gạo và không lấy quá 2 lần/ngày.

Theo anh Hoàng Tuấn Anh, điều làm anh lo lắng trong mùa dịch chính là người dân lâm vào cảnh túng bấn, thiếu thốn, từ đó sinh ra những ý nghĩ tiêu cực, làm liều. Sáng tạo ra ATM gạo, anh Tuấn Anh cũng đem theo một ước mơ thật đẹp gửi gắm vào đây: “Không có ai vì đói mà làm bậy”. “Tôi gọi chiếc máy này là cây ATM gạo vì mọi người có thể lấy gạo từ đó và mong họ hiểu rằng, ngoài kia vẫn có những người tốt muốn trao cho họ cơ hội thứ hai”, anh chia sẻ.

Kết nối tình người

Mô hình làm từ thiện đầy sáng tạo và mới mẻ này đã nhận sự ủng hộ nhiệt thành của người dân cả nước. Không chỉ truyền thông trong nước “dậy sóng”, hình ảnh ATM gạo cũng đã vượt khỏi biên giới Việt Nam, được quốc tế biết đến. Hàng loạt hãng thông tấn nổi tiếng thế giới đã đưa tin, hình ảnh về ATM gạo.

“Một chiếc máy có thể phát gạo miễn phí, điều này quá khó tin nhưng lại là sự thật. Chiếc máy ATM gạo này đã được lắp đặt tại nhiều địa điểm trên khắp Việt Nam để giúp những người đang cần được hỗ trợ nhất trong dịch Covid-19”, CNN đã đưa tin ngay vài ngày sau khi ATM xuất hiện. Nhiều bạn đọc quốc tế cũng đã gọi Việt Nam là “một quốc gia chưa giàu có nhưng giàu tình người”.

Trong ngày đầu tiên vận hành ATM gạo, có 1 tấn gạo đã được đến tay hơn 500 người nghèo. Đến nay, ATM gạo đã có mặt tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP HCM: Tân Phú, Tân Bình, quận 1, quận 2, Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức… với hàng ngàn tấn gạo tuôn chảy. Tại TP HCM, trung bình có 4.000-6.000 lượt người/ngày đến nhận gạo.

Anh Hoàng Tuấn Anh, người sáng chế ra ATM gạo.
 Anh Hoàng Tuấn Anh, người sáng chế ra ATM gạo.

Đồng thời, người sáng chế ATM gạo cũng không muốn giữ chiếc máy cho riêng mình. Anh đã dần dà chuyển giao công nghệ cho nhiều đơn vị, địa phương… để mô hình này lan tỏa rộng khắp. Hiện mô hình đã có mặt tại rất nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước như: Hà Nội, Bình Thuận, Bình Dương, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre…

Cái hay của ATM gạo không chỉ ở chuyện có thể trao gạo cho người nghèo dễ dàng, hiệu quả, mà nó còn giúp kết nối các mạnh thường quân lại với nhau. Thay vì “mỗi người một phách”, các nhà hảo tâm đã tìm được “đầu mối” để cùng chung tay giúp người gặp khó khăn. 

Cho đến nay, ATM gạo trên khắp mọi miền đất nước đã nhận được sự chung sức của hơn 10 ngàn mạnh thường quân, kết nối về đầu mối của anh Hoàng Tuấn Anh. Có mạnh thường quân là chủ những tập đoàn nghìn tỉ, cũng có người chỉ là người dân đủ ăn, đủ mặc.

Có người góp hàng trăm tấn gạo, cũng có người dân âm thầm chở đến một, vài bao. Hoàn cảnh, địa vị có khác nhau, nhưng tất cả họ gặp nhau ở cùng một điểm, đó là tấm chân tình dành cho những phận đời khốn khó hơn mình. Cứ như thế, chiếc ATM gạo không chỉ “nhả gạo”, nó còn kết nối tình người.

Sống để cống hiến

Không chỉ dừng lại ở chuyện phát gạo, chung tay giúp người khó khăn, người phát minh ra ATM gạo còn có những ước mơ, khát khao vượt xa những câu chuyện nhỏ nhoi hàng ngày. 

Hoàng Tuấn Anh là doanh nhân ngành khóa điện tử, sinh năm 1982, vốn là một Việt Kiều, sinh sống ở Úc đã nhiều năm, đồng thời cũng từng là một triệu phú trẻ tuổi của Úc, kinh doanh liên quan đến các lĩnh vực kĩ thuật. Tuy nhiên, kể cả những năm tháng thành đạt, giàu có ở xứ người, doanh nhân trẻ này vẫn đau đáu giấc mơ về Việt Nam, vừa kinh doanh vừa góp phần xây dựng quê hương. Rồi anh quyết định trở về. 

Về nước, vừa phát triển mảng khóa điện tử ở thời ngành này còn sơ khai, vừa xây dựng thành công thương hiệu Rubik Zoo, công viên giải trí nổi tiếng tại TP HCM. Cho đến nay, PHG là thương hiệu khóa điện tử hàng đầu Việt Nam nhưng Tuấn Anh vẫn chưa bao giờ nguôi ước mơ cống hiến cho xã hội, đất nước. 

Song song hoạt động kinh doanh, anh tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội. Đầu mùa dịch, anh xông xáo đi tặng khẩu trang, nước sát khuẩn, chuông thông minh cho các bệnh viện, trạm y tế địa phương. Với ATM gạo, không chỉ mày mò sáng chế, đóng góp gạo, góp nhân lực, anh còn tận dụng mặt bằng kinh doanh rộng rãi của mình để làm ATM, chấp nhận thiệt hại doanh thu.

Giờ đây, sau khi ATM gạo đã đi vào hoạt động hiệu quả và chuyển giao cho các địa phương, Tuấn Anh lại nuôi một giấc mơ xa hơn. Anh muốn đem ATM gạo đi rộng khắp nơi, để Việt Nam được biết đến như nước đầu tiên phát minh ra chiếc máy ATM gạo.

Khởi điểm, anh đã đề xuất với Chính phủ trao tặng 10 chiếc ATM gạo cho các nước Đông Nam Á, rồi dần dà đến các nước châu Á khác. Anh kể, vừa rồi đại sứ quán Ấn Độ có liên lạc với anh, mong muốn tặng ATM cho phía Ấn Độ. Hiện Ấn Độ cũng là quốc gia có nhiều người dân gặp khó khăn, đói kém do dịch, nên chiếc máy chắc chắn hữu ích. 

Và một ước mơ xa hơn chiếc ATM gạo, đó là ước mơ tạo dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam. “Việt Nam là nước nông nghiệp, xuất khẩu gạo là một ngành chủ đạo. Thông qua chiếc ATM gạo xuất khẩu đi các nước, tôi cũng mong muốn đi kèm với đó là sản phẩm gạo Việt Nam. Đây cũng là một kênh quảng bá gạo Việt ra thị trường quốc tế”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Những ngày này, nỗi vất vả, những rủi ro, có khi là thị phi, khiến Tuấn Anh đôi lúc cảm thấy mệt mỏi. Mỗi ngày ngủ vài tiếng, túc trực tại các ATM gạo, việc kinh doanh ảnh hưởng, gương mặt doanh nhân trẻ này như già đi ít nhiều.

Nhưng anh nói, anh vẫn sẽ đi tiếp, xa hơn chiếc ATM trong hoạt động hỗ trợ người nghèo. Vì sau lưng anh là hàng chục ngàn người có tấm lòng đang chung sức, vì trước mặt anh là những người dân khó khăn cần đến. Và hơn thế nữa, là vì một giấc mơ Việt Nam giàu mạnh, nghĩa tình, bởi sự chung tay của những cá nhân nhỏ bé như anh. 

Chị Lê Thị Lan Anh, 41 tuổi, làm nghề bán hàng rong, quê Quảng Ngãi, ngụ ở Tân Phú, TP HCM có mặt tại ATM gạo khu vực Tân Phú vào ngày 23/4 để nhận gạo. Chị Lan Anh cho biết, những ngày qua chị đã 3 lần đến đây nhận gạo.
Gia đình chị có 5 người: Hai vợ chồng, hai đứa con và mẹ già. Chồng chị làm thợ hồ nhưng đợt này không có việc, hai đứa con một đứa đi học, một đứa bán vé số, mẹ già ốm yếu. Cả gia đình lâm vào cảnh túng quẫn trong mùa dịch. “Rất may là gia đình tôi còn được nương nhờ vào những lòng tốt của địa phương, của những nhà hảo tâm như thế này mới có thể trụ được”, chị Lan Anh tâm sự.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.