Trước đó, một phụ nữ mang trứng vịt lộn vào Singapore đã bị phạt số tiền tương đương 150 triệu đồng, một người Việt khác mang trứng vịt lộn và ruốc khô bị phạt trên 100 triệu đồng và còn nhiều trường hợp khác.
Nhiều du học sinh đi học tại các nước, hoặc người nhà xuất cảnh đi thăm con cái vẫn thường có tâm lý sợ, ngán đồ ăn ngoại, thèm đồ ăn Việt nên thường tranh thủ mang theo càng nhiều thức ăn dự phòng càng tốt, đặc biệt là các món quen thuộc như ruốc, đồ khô, nước mắm…
Nhiều trường hợp bị phạt, có trường hợp suýt hoặc thậm chí bị cấm xuất cảnh vì lý do liên quan đến đồ ăn thức uống. Đáng ngại hơn, việc mang thức ăn không được phép nhập cảnh nước ngoài không chỉ khiến du khách đứng trước các án phạt tiền hay cấm xuất cảnh, nghiêm trong hơn, đối với một số quốc gia, một số món ăn có thể khiến du khách chịu án tù.
Thời gian qua, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã có những chỉnh sửa điều luật liên quan đến vấn đề này. Từ ngày 18/2, Đài Loan (Trung Quốc) đã tăng mức phạt đối với du khách vận chuyển trái phép thịt từ các nước có dịch vào Đài Loan với số tiền phạt cao nhất lên đến 750 triệu đồng. Ngoài thịt, một số loại hoa qua tươi cũng được quốc gia này cấm mang theo khi nhập cảnh vào.
Nhật Bản có quy định, du khách đến Nhật phải nộp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do chính phủ nước xuất khẩu cấp. Nếu không xuất trình được các loại giấy tờ này sẽ đối diện án phạt lên đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 3 năm. Singapore, Úc, Đức… cũng là những nước rất nghiêm trong xử lý các hành vi mang thực phẩm nhập cảnh.
Chỉ riêng về thực phẩm, mỗi nước có những quy định và cả “cấm kị” đối với các loại thực phẩm khác nhau. Ngoài thực phẩm, thì còn có các quy định về thứ khác như số tiền, hàng hóa… Một số nước còn cấm mang hàng nhái, hàng giả vào nước họ.
Hiện tại, với chính sách mở cửa, hội nhập, việc di chuyển giữa các nước, việc người Việt xuất cảnh, học tập hay du lịch nước ngoài không còn hiếm. Tuy nhiên, nếu không có sự trang bị kiến thức, kĩ năng khi xuất cảnh, sự tìm hiểu quy định quốc gia mình sắp tới và đặc biệt là giữ tâm lý “cố đấm”, làm liều, quan niệm về hệ thống quản lý quốc tế như một “ao làng” thì rất dễ nhận những hậu quả nghiêm trọng. Và như thế, chỉ vì những lỗi rất sơ đẳng mà bao công sức đổ sông đổ bể.