Đám cưới ma có niên đại 3000 năm
Thực trạng này đang được diễn ra tại một số tỉnh thành của Trung Quốc như: Chiết Giang, Quảng Tây, Giang Tô, Quảng Đông… Theo quan niệm của người dân nơi đây nếu người đàn ông chết đi mà chưa kịp kết hôn, họ sẽ cô đơn và căm thù người thân trong gia đình, sẽ biến thành linh hồn quỷ dữ, nguyền rủa và mang lại bất hạnh cho gia đình, vì thế cha mẹ sẽ của họ sẽ làm cho một “đám cưới ma”.
Tức là cha mẹ của những người đàn ông chưa lấy vợ không may qua đời sẽ kiếm cho con trai mình một đối tượng kết hôn hoàn hảo, đó phải là cơ thể người phụ nữ chưa lập gia đình. Hai bộ xương của cặp đôi sẽ được chôn cùng nhau, được xem xét kết hôn trong thế giới âm. Mối quan hệ giữa thông gia hai bên đơn giản là mối quan hệ giữa người mua và người bán.
Thi thể của người phụ nữ đã chết sẽ được coi là một dạng hàng hóa, không chỉ giá cao, cầu cao mà còn thành một hệ thống "người mua - kẻ bán". Về phía những người phụ nữ đã chết chưa lập gia đình sẽ không được chôn trong các ngôi mộ của gia tộc, vì điều này có thể chọc giận tổ tiên , do đó họ chỉ được chôn ở các sườn núi. Với đám cưới ma, cùng với "chồng" của mình, người phụ nữ được chôn trong ngôi mộ gia đình, tức là cô ta sớm được yên nghỉ.
Ảnh minh họa |
Theo phong tục bất thành văn ở địa phương, đám cưới ma dành cho nam giới và phụ nữ tính ở độ tuổi họ qua đời, chẳng hạn người đàn ông dù đã chết được 10 năm nhưng lúc chết anh ta mới 18 tuổi thì vẫn đang ở độ tuổi "mai mối", khi chưa có điều kiện mua hoặc chưa thể tìm ra thi thể người nữ phù hợp, các gia đình có thể tiếp tục chờ đợi.
Con trai của ông A Pao đã chết cách đây 2 năm mà chưa làm đám cưới ma, thời gian đó gia đình ông thường xuyên gặp xui xẻo trong chuyện làm ăn, đến năm nay ông đã tìm được một thi thể người phụ nữ trẻ có giá tới 15 vạn tệ (khoảng 550 triệu VNĐ) nhưng gia đình ông Pao vẫn hài lòng.
Ông Pao cho biết: “Chỉ cần tìm được vợ cho con trai tôi là được, giá cả bao nhiêu không quan trọng, tôi đã nhìn ảnh con bé, nó kém con trai tôi 1 tuổi nên rất hợp nhau”.
Ngày tổ chức “đám cưới ma” diễn ra rất nhộn nhịp, không khác gì đám cưới của người sống, xương của người con trai một lần nữa được đào lên, xếp ngay ngắn với bộ xương của vợ. Sau đó, hai bộ xương được chôn chung trong một ngôi mộ gia đình.
Sở dĩ “xác cô dâu” có giá cao là bởi ở đây tỉ lệ đàn ông chết cao hơn phụ nữ và bị mất cân bằng nam-nữ. Thế nhưng giá của các thi thể còn phụ thuộc vào yếu tố thời gian, nếu như thi thể người phụ nữ mới chết sẽ có giá cao hơn thi thể đã chết nhiều năm, tuổi càng trẻ, thi thể còn vẹn nguyên sẽ có giá rất cao.
Những thi thể phụ nữ bị đánh cắp
Nhu cầu “đám cưới ma” là rất cao, trong khi “xác cô dâu” lại khá ít mà không phải ai cũng đồng ý bán thi thể người thân của mình. Vì vậy ở nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng đánh cắp thi thể người phụ nữ, thậm chí bây giờ họ còn đánh cắp cả thi thể phụ nữ đã có chồng, vì “xác cô dâu” trẻ chưa chồng rất khan hiếm.
Đây là một thực trạng đáng báo động đã xảy ra với nhiều gia đình nông thôn ở Chiết Giang, Sơn Tây, người ta kinh hoàng khi thường xuyên phát hiện ra cơ thể của những người thân bị mất tích. Hành động này được thực hiện bởi những kẻ hám lợi, sẵn sàng bán rẻ lương tâm để đạt được mục đích.
Hình minh họa. |
Cũng dễ hiểu khi bán mỗi “xác cô dâu” họ nhận được 20.000 Đôla (khoảng 400 triệu VNĐ). Đồng bào dân tộc ở tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc đã báo cáo có 15 vụ đánh cắp xác chết kể từ năm 2013, trong khi đó 15 vụ khác đã biến mất được đưa tin trên các phương tiện truyền thông. Nhưng nhiều người cho rằng số lượng thực tế lớn hơn rất nhiều.
Li Fucai nói trên báo rằng mẹ của anh ta nằm trong số những người bị đánh cắp bởi những tên trộm và gia đình anh ta suy sụp khi không biết chúng ở đâu. “Ai mà biết được họ mang mẹ tôi đi đâu. Bà ấy hiện là nguồn lợi bất chính cho chúng, không biết lương tâm của chúng vất đi đâu mà làm chuyện xấu xa đó”. Anh Li Fucai bức xúc nói.
Một người đàn ông khác cũng chia sẻ về bà cô tuyệt vời của mình và xác của bà đã bị đánh cắp trong những tháng gần đây. “Bà cô tôi bây giờ phải lang thang ở ở những làng khác, không còn ở với tổ tiên nữa, bà ấy đã sang thế giới bên kia một cách đau đớn và tủi nhục, tất cả cũng chỉ bởi những kẻ mất hết nhân tính”. Ông buồn rầu nói.
Mặc dù cơ thể bị bắt cóc là hiếm gặp, nhưng nó không phải là chưa từng có ở các khu vực khác trên toàn Trung Quốc. Tháng mười năm ngoái, cảnh sát đã bắt giữ ba người dân ở miền bắc Trung Quốc vì bị nghi ngờ là ăn cắp xác chết của một người phụ nữ để bán như một cô dâu trong một đám cưới ma.
Nghi phạm chính đã nghe thấy thông tin một người phụ nữ đã chết trong một ngôi làng gần đó ở tỉnh Sơn Tây và giả vờ là người thân của cô gái rồi thương lượng giá bán 4000 đôla cho xác chết đó, nhưng may mắn mọi người đã thấy khả nghi và bắt chúng lại giao cho công an.
Hủ tục này khiến mọi người hoang mang và lo sợ đến nỗi, khi con gái của họ nguy kịch trong bệnh viện, họ sẽ canh giữ 24/24 để đảm bảo nếu con gái họ chết sẽ không tự nhiên mất tích. Họ lo lắng về điều này là có nguyên do, ở một số bệnh viện các nhân viên bệnh viện đã cung cấp thông tin cho những người cần “xác cô dâu” biết có phụ nữ mới qua đời.
Mô tả ảnh |
Với thông tin đưa ra ngoài họ sẽ nhận được 2000-3000 nhân dân tệ (khoảng 7-10,5 triệu VND). Cho dù phi vụ không được thành công họ vẫn nhận được 500-1000 tệ ( khoảng 1,7-3,4 triệu VNĐ).
Ngoài ra ở Hồng Đồng còn có một hiện tượng quái gở hơn gọi là “mua xương khô”. Khi không mua được “xác cô dâu” còn nguyên vẹn họ đành chấp nhận mua những bộ xương của phụ nữ, coi như phương án chữa cháy. Biết được nhu cầu này một số người đã đi đào những bộ xương phụ nữ rồi đem bán.
Chỉ cần đảm bảo được rằng bộ xương đó đầy đủ và là xương phụ nữ họ sẽ nhận được 5 vạn tệ (khoảng 175 triệu VNĐ). Chính vì thế nạn trộm cắp thi thể phụ nữ đang diễn ra hết sức phức tạp và khó có thể kiểm soát.
Người Việt sống ở nơi có hủ tục đám cưới ma
Ngoài những tư liệu có được từ truyền thông, chúng tôi còn có dịp trò chuyện với một số Việt Kiều Trung Quốc đang sinh sống ở nơi diễn ra hủ tục “đám cưới ma” kì quái này. Bà Vũ Thị Minh (68 tuổi) sinh sống ở Sơn Tây Trung Quốc đến nay được gần 30 năm, bà cho biết ngay trong gia đình bên chồng nhà bà cũng có trường hợp “đám cưới ma”.
Theo bà Minh kể lại em chồng bà mất lúc 30 tuổi chưa lập gia đình, bố mẹ đã mất vì thế vợ chồng bà phải đi mua “xác cô dâu” để tổ chức “đám cưới ma” cho người em này. “Lúc đầu khi nghe đến tục lệ này tôi thấy rất sợ, không ngờ nó lại diễn ra ở gia đình tôi, nhưng vì họ cho đây là phong tục lâu đời nên tôi chẳng thể ngăn cản” bà Minh sợ hãi nói.
Bà cho biết thêm mỗi khi có một “đám cưới ma” diễn ra mọi người trong làng đều đến tham dự, họ ăn uống , nhảy múa rất vui vẻ, riêng đối với tục lệ này chính quyền không cấm chính vì thế đến giờ nó vẫn diễn ra.
Ngoài bà minh còn có một số Việt Kiều khác cũng gặp phải tục lệ này trong nhà mình, khác với bà Minh, lần này nhà bà Hồng lại là nạn nhân của “đám cưới ma”. Thi thể của cô con gái bà hồng bị đánh cắp khi mới chôn cất được 3 ngày, gia đình bà Hồng cảm thấy đau đớn và tức giận khi con gái bà mất cũng không được yên nghỉ cẩn thận.
“Tôi sẽ cho hắn ta một bài học nếu tôi bắt được hắn, những kẻ bán rẻ lương tâm như vậy sẽ bị báo ứng”. Bà Hồng tức giận nói.
Hủ tục này thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống của người dân nơi đây, từ việc đào bới xác chết gây ô nhiễm cảnh quan cũng như nguồn nước sinh hoạt, cho đến việc đánh cắp những xác chết đã dấy lên lòng căm phẫn của người dân, họ luôn sống trong cảnh bất an nếu không may người thân là phụ nữ qua đời.
Dù là quan niệm văn hóa, nhưng nói gì thì nói, đây là một hủ tục ghê rợn. Chừng nào còn có những con người quá mê tín vào những thứ tâm linh quái dị này thì tiếp tục còn tình trạng xâm hại mồ mả, đánh cắp, môi giới và buôn bán xác chết. Mà đây là thứ nhân loại tiến bộ kiêng kỵ và tránh xa…/.