Báo PLVN vừa có bài viết phản ánh về tình trạng gỗ quý (chủ yếu là gõ và lim) hầu hết các khu vực rừng: Phạ Thả, Xà Ngọt (thuộc Đội 7, Đội 8 - của lâm phận Lâm trường Trường Sơn – PV), Đội 9, Đội 10, Xà Biên (thuộc Đội 11) của vùng rừng Trường Sơn rộng hàng chục nghìn hecta bị lâm tặc ngang nhiên tàn sát không thương tiếc.
Một “công trường” gỗ gõ khác của lâm tặc để lại trong khu vực rừng Xà Biên |
Nhóm phóng viên chúng tôi đã chia theo nhiều hướng khác nhau, nhiều ngày bí mật thâm nhập vào các khu vực của vùng rừng này để ghi nhận nạn khai thác gỗ lậu ồ ạt, nóng bỏng lộng hành chính giữa vùng rừng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hàng ngàn m3 gỗ quý đã mất
Với đội quân sơn tràng thuộc hàng lành nghề nhất trong giới bám rừng đạp cội (đi tìm cây gỗ và khai thác trong rừng sâu) ở Quảng Bình được tuyển chọn kỹ càng từ nhiều vùng, các “sếp” (cách gọi đối với những đối tượng đứng ra tổ chức đưa người, máy móc khai thác gỗ trái phép ở Trường Sơn) tổ chức khai thác gỗ lậu ở vùng rừng Trường Sơn theo kiểu tàn sát ồ ạt và rất triệt để.
Những đoàn lâm tặc này đi đến đâu, những rừng lim, gõ cổ thụ đường kính gốc từ 0,7 – 1,2m bị triệt hạ, cưa xẻ gần như sạch bóng đến đó. Hàng trăm bãi khai thác như “công trường” gỗ lậu san sát nhau, nằm ngổn ngang giữa hàng ngàn hecta rừng.
Bãi khai thác gỗ như chiến trường |
Các “sếp” gỗ lậu ở vùng Trường Sơn tổ chức cho sơn tràng chỉ phá rừng vào ban đêm. Ban ngày đội quân này rút ra phía bên ngoài (vùng rừng được khai thác keo tràm) để “án binh bất động” và mặc nhiên “khoác áo” người làm keo tràm.
Người am hiểu gần như “tất tần tật” nhất về nạn lâm tặc ở rừng này trong nhóm dẫn đường cho chúng tôi lý giải thêm: “Tinh vi ở chỗ là chúng cắt gỗ vào ban đêm. Ngày thì người dân địa phương hoặc ai khác cũng có thể chui vào rừng. Tiếng máy móc, xe cộ, cưa xăng rất dễ bị nghe thấy. Chỉ vài hình ảnh chụp bằng điện thoại đưa ra ngoài thì sẽ có “biến” ngay. Còn đêm ở rừng vắng lắm, tiếng máy móc tàn sát gỗ rừng chỉ có chúng và cán bộ (có nhiệm vụ bảo vệ rừng - PV) nghe thấy”.
Khi chúng tôi vờ hỏi lực lượng bảo vệ rừng nghe tiếng ấy họ sẽ làm gì, người này chỉ ngoái nhìn lại chúng tôi, lắc đầu cười vẻ ngao ngán, rồi tiếp tục đi…
Một bãi gỗ gõ khác với mặt bìa lớn ngổn ngang giữa rừng Xà Biên |
Một người khác khẳng định, khoảng 1 năm trở lại đây, các “sếp” tổ chức đóng gùi (nhu yếu phẩm dùng trong rừng) với số lượng quân vài chục sơn tràng/sếp ồ ạt đổ vào bám rừng đạp cội. “Lúc cao điểm người vào rừng làm gỗ đến hàng trăm, đông như đi hội.” – người này nói.
Về bình quân lượng gỗ bị cưa xẻ rồi đưa ra khỏi vùng khỏi rừng Trường Sơn, tất cả những người dẫn đường đều khẳng định, với số lượng “sếp”, cách thức khai thác như vậy, phải tầm trên dưới 20m3/ngày. Theo họ lý giải, mỗi tháng sơn tràng sẽ làm cật lực trong rừng khoảng 15 ngày, thời gian còn lại dành cho việc nghỉ ngơi lấy lại sức.
Tính tương đối lượng gỗ đã mất trong 1 năm cao cao điểm nóng bỏng nạn lâm tặc hoành hành ở Trường Sơn trở lại đây, một phóng viên trong nhóm chúng tôi đã phải thốt lên: “Kinh khủng!” khi nhẩm ra con số lên đến hàng nghìn m3. Người dẫn đường cười hỏi lại: “Tưởng ít à?”.
Chủ rừng tiếp tay?
Theo tìm hiểu của PLVN, vùng rừng Trường Sơn với diện tích rộng hơn 30.000ha nổi tiếng với những rừng gỗ cổ thụ quý hiếm và Lâm trường Trường Sơn (đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại) là đơn vị chủ rừng. Đơn vị này được tổ chức với đầy đủ các phòng, ban, trạm với chức năng được giao quản lý, để bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng rồi rừng gỗ quý vẫn liên tục bị phá và “máu rừng” vẫn chảy mãi.
Những gì còn sót lại bên gốc gỗ gõ còn ứa nhựa đường kính khoảng 1,2m |
Để ghi nhận được nạn lâm tặc tung hoành nhức nhối, nhóm phóng viên chúng tôi đã chia tách ra bí mật băng rừng rậm theo nhiều hướng và mất tổng số “ngày công” đến hơn nửa tháng. Hiện trạng hàng trăm gốc gỗ gõ, lim cổ thụ bị triệt hạ không thương tiếc, nhựa ứa ra còn rõ màu pha lẫn vệt dầu lam cưa máy khiến ai trong chúng tôi thấy cũng phải xót xa…
Chúng tôi thắc mắc rằng, đã thâm nhập bí mật, trốn tránh để ghi nhận mà còn nhìn ra cả trăm gốc gỗ thì lực lượng chủ rừng chẳng lẽ không biết? Người dẫn đường khẳng định chắc nịch: “Lâm trường quản lý nên họ biết hết, biết kỹ nữa là khác. Nhưng họ không dám đi kiểm tra. Mà có đi, có thấy cũng mặc nhiên im lặng với nhau. Báo cáo sự thật thì “vỡ trận” à? Khi có “động” thì đi kiểm tra, truy vài gốc lẻ tẻ ngoài bìa rừng và thu vài phách gỗ nhỏ cho có lệ”.
Càng vào sâu thì lâm tặc càng ưu tiên khai thác gỗ gõ vì giá trị kinh tế cao. |
Sau thời gian dài xác minh, “nhập vai” tiếp xúc từ lực lượng chức trách giữ rừng cho đến người dân bản địa và cả giới “gỗ lạt”, thì các câu trả lời mà chúng tôi nhận được đều bắt đầu lộ ra về nghi vấn Lâm trường Trường Sơn đã tiếp tay, để các đối tượng đứng ra tổ chức sơn tràng vào rừng tàn sát gỗ quý.
Còn nhớ vào tháng 3/2019, vụ phá rừng lim gây xôn xao dư luận với khối lượng gần 100m3 gỗ đã bị phát giác tại tiểu khu 329 của Lâm trường Trường Sơn này. Theo đó, 4 đối tượng phá rừng đã bị khởi tố, tạm giam; 1 Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng đã bị cách chức và điều chuyển công tác cùng với 3 nhân viên khác của Trạm. Đã hơn 1 năm, vụ án này vẫn đang trong quá trình điều tra. Ông Châu Ngọc Dương – Giám đốc Lâm trường này không bị kỷ luật, chỉ rút kinh nghiệm.
Một cây gõ cổ thụ bị triệt hạ nhưng chưa kịp cưa xẻ gỗ |
Thay vì lấy vụ việc trên làm bài học để tăng cường công tác bảo vệ, thì nay chúng tôi tiếp tục nhìn thấy sự “bỏ quên” trách nhiệm giữ rừng và dấu hiệu tiếp tay cho phá rừng của Lâm trường Trường Sơn. “Cả năm qua tình hình chẳng khá lên mà còn phức tạp hơn khi rừng càng bị phá tràn lan. Thực tế thì các anh đã thấy, chẳng qua chưa lộ ra thôi.” – người dẫn đường kết luận.
Cũng theo các nguồn tin chúng tôi tiếp cận và nhóm dẫn đường, việc “quên” giữ rừng và lộ nhiều dấu hiệu tiếp tay, trách nhiệm trước hết thuộc về Giám đốc Châu Ngọc Dương. Nhưng để nạn lâm tặc hoành hành như thế, thì còn có “tội” của lực lượng thuộc Phòng Bảo vệ rừng của Lâm trường này và các trạm như: số 8, U Bò, Khe Đen… có trách nhiệm bảo vệ chính nơi địa bàn rừng mình bị phá. “Tùy theo vai trò, thì tất cả đều có sự ăn chia lợi ích một cách khá rõ ràng…” - một nguồn tin lý giải.
Thêm một gốc gõ khác cũng không thoát khỏi lưỡi cưa lâm tặc |
Chưa dừng lại ở đó, lời một người khi tiếp xúc với PV còn khẳng định: “Chẳng ai dại mất tiền thuê quân làm gỗ rồi thả giữa rừng, nằm chờ thời cơ cả. Để mất rừng Trường Sơn, “quyền quyết” chỉ thuộc về Lâm trường 1 phần. Quyết định sâu hơn nữa là những lực lượng có trách nhiệm bảo vệ rừng từ bên ngoài, nhất là kiểm lâm với những nhân vật “đặc biệt” mà ai trong giới gỗ lậu cũng có thể nhắc tên và kể vanh vách…”
Rừng Trường Sơn đang “chảy máu” |
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.