Nhóm phóng viên PLVN chúng tôi chấp nhận lời cảnh báo trên, bí mật chia ra nhiều hướng theo những người dẫn đường để thâm nhập vào vùng rừng Trường Sơn thuộc địa phận biên giới Việt - Lào, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình để ghi nhận nạn lâm tặc tung hoành, tàn sát gỗ quý ở gần như hầu hết các khu vực thuộc vùng rừng này.
Cách thức tinh vi
Từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, ngay bên nách của trụ sở Trạm Bảo vệ rừng số 8 thuộc Lâm trường Trường Sơn (đơn vị được giao quản lý và bảo vệ vùng rừng này), hiện ra trước mắt chúng tôi là con đường mòn khá rộng dẫn vào các khu vực rừng mà lâm tặc đang tung hoành.
Bãi khai thác gỗ lim như một “công trường” ở khu vực rừng Phạ Thả. |
“Đó là con đường độc đạo để lâm tặc vào các khu vực rừng Phạ Thả và Xà Ngọt (thuộc Đội 7, Đội 8 của lâm phận Lâm trường Trường Sơn - PV), Đội 9, Đội 10, Xà Biên (thuộc Đội 11) để cưa xẻ gỗ và vận chuyển bằng máy móc, xe cộ ra ngoài” - người dẫn đường chỉ tay giới thiệu nhưng quyết không đi đường này mà dẫn chúng tôi luồn rừng rậm đi vòng để đảm bảo bí mật.
Theo khẳng định của nhóm dẫn đường, chúng tôi có đi đường ấy cũng khó mà ghi nhận được dấu vết lâm tặc. Chỉ có những người “siêu” trong nghề rừng mới nhận ra được. “Lâm tặc có cách thức vận chuyển rất tinh vi, không để lại dấu vết và cách làm này có thể nói là “sạch sẽ” nhất đối với các vùng rừng đang bị phá ở Quảng Bình hiện nay” – một người nói thêm.
Từ phía ngoài đi vào sâu trong rừng biên giới đến giáp các khu vực Xà Biên, Phạ Thả là những khu vực rừng trồng keo tràm và cho phép khai thác trong thời gian qua. Con đường độc đạo dẫn vào những khu vực này có nhiều dấu vết của vệt bánh xe chằng chịt qua lại để vận chuyển keo tràm. Nắm được tình hình, lâm tặc lợi dụng chính con đường đó để “tát nước theo mưa”, dùng xe tải, máy móc ùn ùn vào các vùng rừng gỗ quý phía bên trong để khai thác và vận chuyển ra ngoài.
Một cây gỗ lớn bị đốn hạ để lộ ra cả khoảng rừng trống. |
Còn từ sâu trong rừng rậm ra con đường chính độc đạo, cách thức cưa xẻ và vận chuyển lại theo một cách khác tinh vi hơn. Khi đạp cội (đi tìm cây gỗ) và phát hiện được, lâm tặc sẽ mở một lối mòn nhỏ rất bí mật chỉ đủ để từng người lần lượt đi vào. Nếu không phải người chuyên nghiệp đi rừng, sẽ không bao giờ phát hiện ra được hàng trăm con đường kín đáo giữa rừng rậm này.
Lợi dụng địa hình khu vực rừng Xà Biên, Phạ Thả với những đồi cao như hình nón úp và nhiều khe suối đổ từ trên cao xuống chân núi, lâm tặc sẽ “bo” kéo những hộp gỗ đã được cưa xẻ men theo các khe suối để về nơi tập kết. Cách thức này vừa đỡ mất sức, vừa hạn chế việc để lại dấu vết trong rừng.
Gốc gỗ gõ vừa bị đốn hạ còn rỉ nhựa trộn lẫn vệt dầu lam cưa máy. |
Theo lý giải của nhóm dẫn đường, các “sếp” (cách gọi đối với những đối tượng đứng ra tổ chức đưa người, máy móc khai thác gỗ trái phép - PV) ở vùng rừng Trường Sơn tuyển chọn những thợ sơn tràng có trình độ khai thác gỗ lành nghề và giỏi nắm bắt về rừng nhất. Đó là những người ở các vùng như: Troóc (xã Phúc Trạch), thị trấn Nông trường Việt Trung, cùng thuộc huyện Bố Trạch; Trung Nghĩa (xã Nghĩa Ninh), Zét (phường Đồng Sơn) cùng thuộc TP Đồng Hới và nhiều vùng khác ở Quảng Bình.
Đặc biệt, những người này sẵn sàng manh động trong rừng khi có lệnh của “sếp” lúc gặp người lạ có biểu hiện bất thường…
Rừng gỗ quý bị tàn sát tràn lan
Sau hơn nửa ngày bí mật băng rừng, vượt những con dốc cao dựng đứng, những lèn đá cheo leo qua những vùng rừng rậm, các nhóm thâm nhập theo nhiều hướng của PLVN đã tiếp cận được những “công trường” gỗ lậu đầu tiên trong vùng rừng Trường Sơn.
Tại khu vực Phạ Thả, chúng tôi phát hiện 3 gốc gỗ lim đường kính từ 0,7 – 1,2m bị lâm tặc ngang nhiên triệt hạ. Thân, cành và ngọn cây khi bị cưa đổ đè xuống quần nát cả một vạt rừng rộng cả trăm m2.
Ngổn ngang dấu vết lâm tặc giữa rừng. |
Gỗ lõi đã bị khai thác và vận chuyển ra ngoài. Cành, ngọn, mạt cưa, bìa (phần vỏ bên ngoài)… mà lâm tặc bỏ lại nằm ngổn ngang giữa rừng. Cách điểm này khoảng hơn 100m, 2 gốc gỗ gõ khác với đường kính trên dưới 1m cũng chung số phận với 3 gốc lim nói trên. Đi vào sâu hơn nữa trong khu vực rừng Phạ Thả, hàng trăm gốc gỗ mà chủ yếu là lim và gõ cũng trong tình cảnh tương tự.
“Thông thường khi đốn hạ rồi cưa xẻ xong một cây gỗ, lâm tặc sẽ gom bìa lại và dùng cưa xăng để băm vụn ra rồi đốt cháy cùng với gốc để phi tang. Những nơi lộ bìa và gốc mà chúng ta thấy, chắc là do có “động” nên bọn chúng vội, chưa kịp xử lý” – người dẫn đường vừa giải thích vừa chỉ vào một bãi khai thác của 3 gốc gỗ gõ bị khai thác, cưa xẻ ngọn chụm lại gần nhau giữa rừng và còn ngổn ngang bìa, cành... Ở một gốc cây gõ đường kính khoảng 0,7m vừa bị triệt hạ còn ứa nhựa trộn lẫn vệt dầu lam cưa máy, lâm tặc bỏ sót lại một chiếc khoan thăm dò roòng gỗ nằm chỏng chơ giữa rừng.
Một hộp gỗ gõ còn sót lại giữa rừng mà lâm tặc chưa kịp mang đi. |
Một nhóm khác của chúng tôi ghi nhận từ khu vực rừng Xà Biên – một trong những khu vực rừng “giàu” gỗ nhất ở vùng Trường Sơn - là cảnh tượng về những “công trường” gỗ lậu do lâm tặc bỏ lại với mức độ dày đặc hơn khu vực Phạ Thả. Ở Xà Biên, ngoài các gốc gỗ lim, thì loại gỗ bị lâm tặc triệt hạ chủ yếu là gõ. Đây là loại gỗ có giá trị kinh tế rất cao, đắt hơn nhiều lần gỗ lim.
Tại rừng này, hàng trăm gốc gỗ gõ đã bị lâm tặc ngang nhiên đốn hạ không thương tiếc, cưa xẻ trái phép, tạo ra những khoảng rừng trống huơ trống hoác. Gõ bị khai thác ở đây đều là những cây lâu năm, đường kính gốc dao động từ 0,7 – 1,2m nằm tràn lan khắp rừng.
“Công trường” gỗ lậu ở khu vực rừng Xà Biên. |
Dù với mức độ bị tàn sát có ít hơn ở Xà Biên và Phạ Thả, nhưng nhiều khu vực khác của vùng rừng Trường Sơn – lâm phận do Lâm trường Trường Sơn quản lý – như: Xà Ngọt, Đội 9, Đội 10… cũng bị lâm tặc ngang nhiên khai thác trái phép như chốn vô chủ.
Người dẫn đường lắc đầu ngao ngán nói: “Rừng Trường Sơn này gần như không khu vực nào không có bóng dáng lâm tặc, chúng đã tràn đến khu vực rừng Um và Nam Giàn. Đó là những mét đất rừng cuối cùng ở vùng biên giới này để tiếp giáp với đất Lào”.
Gốc lim có đường kính hơn 1m bị lâm tặc “đốt cội” để phi tang sau khi lấy hết gỗ. |
Cũng theo những người dẫn đường này, vấn nạn rừng Trường Sơn bị lâm tặc ồ ạt đưa máy móc, xe cộ vào khai thác khắp nơi trên diện rộng rơi vào khoảng 1 năm trở lại đây, tình hình đang trở nên rất phức tạp. Và nếu không có sự tiếp tay, chống lưng của các lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ rừng nơi đây, thì nạn lâm tặc không thể ngang nhiên tung hoành như vậy được…
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.