Mang thai trong vô thức
Hàng xóm gọi chị Đặng Thị Hà (thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) là “Hà khùng”. Đó là cách gọi thân mật, nhưng cũng là để phân biệt chị với những người tên Hà khác trong thôn. Chị “Hà khùng” đến độ ai hỏi bao nhiêu tuổi, chị cũng không biết mà chỉ đưa sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế để người ta xem. Năm nay chị 39 tuổi, sống với mẹ là bà Trà Thị Xê (68 tuổi).
Từ nhỏ, thần kinh đã có những biểu hiện không bình thường, người lại ốm yếu, nên chị Hà là gánh nặng cho người mẹ già bị tai biến. Hằng ngày, ai mướn gì chị làm nấy, có khi người ta đưa dăm ba chục ngàn, có khi là vài ba ký gạo. Ngày nào không ai kêu, không có tiền, không có gạo thì chị lên núi hái lá giang, ra ruộng hái rau má, lượm lặt những thứ có thể ăn được.
Năm 2001, không biết gã đàn ông nào đã làm chị có thai. Người nghèo có thai đã khổ, nuôi con khó, hoàn cảnh như chị mà bụng mang, dạ chửa, sinh con khiến không ít người ái ngại. Đứa con gái Đặng Thị Lan ra đời, gia đình 3 mẹ con, bà cháu sống được là nhờ sự cưu mang của bà con hàng xóm. Vậy mà, đến năm 2007, lại lần nữa chị mang thai và có đứa con thứ hai tên Đặng Thị Vệ.
Cùng thôn với chị “Hà khùng”, hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hữu Duyên (37 tuổi) cũng không kém phần bi đát. Năm 2007, chị Duyên hạ sinh cháu Nguyễn Thị Kiều. Chị sống nhờ những bó lá giang hái trên núi đem xuống chợ bán. Thu nhập ba cọc ba đồng không thể nuôi nổi con, đành nhờ em gái Nguyễn Thị Hiệp nuôi hộ.
Chị Hiệp tâm sự: “Mấy chị em trong gia đình ai cũng ngờ nghệch, chỉ riêng tôi là có thể đi học nghề, làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chị Duyên thì lúc nhớ lúc quên, không ý thức hết việc mình làm, trót lỡ có con với người ta mà người ta không nhận.
Thương cháu, tôi có gắng làm để nuôi, mong sao nó lớn lên không như má nó, không bị người ta xâm hại. Điều tôi lo nhất bây giờ là Duyên có bị người ta lợi dụng nữa hay không, chứ khổ như thế nào miễn là để nuôi cháu, lo cho gia đình tôi cũng chịu được”.
Cảnh đời của chị Nguyễn Thị Quế (27 tuổi, ở thôn Gia Đức, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) cũng muôn phần éo le. Chị Quế sống cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Chức (54 tuổi) bị liệt nửa người, gần mười năm nay không đi lại được. Cuộc sống gia đình dựa vào tiền trợ cấp vài trăm ngàn hằng tháng và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
Bà Xê cùng với đứa con gái dại và hai đứa cháu không biết cha là ai. |
Bà Chức thở dài ngao ngán: “Con Quế dờ dệt, những lúc lên cơn, ngay cả tôi cũng đánh, cũng mắng. Vậy mà có người ác đến mức làm cho nó có chửa. Thấy nó có thai tôi muốn chết cho xong, chứ làm sao chứng kiến cảnh đấy được. Nhưng nghĩ thương con, thương cháu nên đành cố gắng. Hằng ngày, tôi ngồi trước nhà ăn xin, gom góp được bao nhiêu để dành lo cho nó. Giờ thì thằng nhỏ chưa có biểu hiện gì, cứ lo sau này nó khờ như mẹ nó thì khổ cả nhà”.
Chị Huỳnh Thị Thanh (40 tuổi, ở phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bị chậm phát triển tâm thần, lớn lên chỉ biết mỗi việc chăn bò. Từ tháng 1 đến tháng 7/2006, ông Trương Văn Bình (60 tuổi, có 1 vợ và 6 con) ở cùng xóm đã hiếp dâm chị Thanh nhiều lần.
Thấy chị bụng ngày càng to ra, gia đình chở đi siêu âm thì mới té ngửa. Hỏi ai, chị Thanh cứ chỉ bừa, cho đến khi gia đình bắt được thủ phạm tại trận là ông Bình. Tháng 11/2006, chị Thanh sinh một bé gái. Gia đình chị Thanh đòi ông Bình bồi thường chi phí thuốc men và có trách nhiệm với đứa bé nhưng ông chối không nhận.
Vụ việc được chuyển lên các cơ quan chức năng xem xét. Kết quả giám định ADN cho thấy đứa bé chính là con của ông Bình. TAND TP.Quy Nhơn đã xử ông Bình 7 năm tù giam về tội Hiếp dâm; đồng thời buộc bị cáo bồi thường cho chị Thanh tiền chi phí sinh nở, nuôi con trên 8,5 triệu đồng và phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu bé mỗi tháng 500 ngàn đồng cho đến khi cháu tròn 18 tuổi.
Theo một cán bộ tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), có những nữ bệnh nhân dù nhếch nhác lại có vẻ ngoài ưa nhìn, khiến những kẻ xấu nổi dã tâm. Ba năm trước, nơi này tiếp nhận một trường hợp ở huyện Hoài Ân.
Gia đình làm đơn xin gửi bệnh nhân. Khi tiến hành kiểm tra sức khỏe, các y tá phát hiện bệnh nhân có thai nên Trung tâm gọi gia đình đến nhận về, động viên nuôi đến ngày bệnh nhân sinh nở rồi tiếp tục gửi vào. Đến nay, bệnh nhân đã trở về địa phương.
Mẹ ngơ ngác nào biết nuôi con
Hôm chúng tôi đến nhà, nhìn hai đứa cháu ngoại và đứa con gái khờ khạo, bà Xê tâm sự: “Tôi cho đến ngày sắp xuống lỗ vẫn chưa hết khổ vì nó. Đẻ con mà có biết gì đâu, cho bú mớm, chăm sóc con bé đều một tay tôi. Tập lần hồi nó cũng biết cách tắm rửa cho mấy đứa bé, đút ăn nhưng con đau nó không biết, đói cũng không hay. Mình cho thì mẹ con nó ăn, không cho thì nhịn”.
Nói đến chuyện con cái, dường như chị “Hà khùng” không ý thức hết thiên chức làm mẹ, mà chỉ đơn thuần là bản năng của con người. Chị khờ khạo nói: “Hai đứa có hai người ba, nhưng mình sinh con là chuyện của mình. Từ ngày sinh, ba của hai đứa không nhận, không nuôi, mình nuôi được đến đâu thì nuôi, không nuôi thì bà ngoại nuôi”.
Nghe mẹ nói đến đây, con gái đầu bất ngờ hỏi: “Con có hai ba ne má”. Câu nói ngây thơ của cô bé nghe đến xót lòng.
Trường hợp của chị Quế, khi hỏi về việc nuôi con, chị hồn nhiên: “Lúc đó tôi có biết gì đâu. Ông ta làm mình, mình có chửa thì mình đẻ. Đẻ con rồi nuôi được thì nuôi, không nuôi được thì má nuôi, má nuôi không được nữa thì cho người ta nuôi. Mà lâu nay má nuôi tốt lắm, không sao đâu”. Chúng tôi hỏi, chị có muốn thêm đứa nữa không? Chị cười ngượng, rồi đáp gọn lỏn: “Thôi, mệt lắm. Một đứa là đuối rồi”.
Hôm thực hiện đề tài này, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị An (62 tuổi, ở xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) ẵm cháu bé khoảng vài tháng tuổi đến bệnh viện để khám cháu đi tiêu không được, bụng cứ trướng lên. Đứa bé này là con của người con gái út của bà đang bị bệnh tâm thần.
Khi gia đình phát hiện con gái bà có mang cũng là lúc mọi sự đã quá muộn màng. Từ lúc sinh con, người mẹ tâm thần chưa một lần bồng, ẵm. Đứa bé sinh thiếu tháng, lại bú sữa ngoài ngay từ lúc lọt mẹ nên mới ốm đau liên tục.
Hàng ngày, con gái chị Duyên phụ chị Hiệp hái lá giang để kiếm cái mưu sinh. |
“Đời mẹ nó coi như xong. Chỉ sợ đứa bé này giống như mẹ của nó thì khổ”, bà An buồn rầu. Người đàn bà này một đời khốn khổ vì nuôi con tâm thần, nay lại tiếp tục nuôi cháu. Khi tiếp xúc với chúng tôi, bà không kìm nổi dòng lệ khi nghĩ đến tương lai của đứa bé.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, lại thêm người mẹ nửa mê nửa tỉnh, con đường tương lai của những đứa trẻ kia sao mịt mù quá. Cám cảnh trước những mảnh đời éo le, chợt nghĩ, làm sao để những người phụ nữ tâm thần không phải mang nỗi đau mang thai, sinh con một mình vẫn là một câu hỏi nhức nhối đối với cộng đồng, xã hội.
Và, cùng vì bức xúc nữ bệnh nhân tâm thần bị hãm hiếp, lạm dụng tình dục đến có thai, một cán bộ ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần huyện Hoài Nhơn nói: “Có lẽ phải đặt vòng tránh thai cho họ thì mới có thể tránh được chuyện thương tâm này”. Nghe thì buồn cười, nhưng liệu có cách nào hữu hiệu hơn để ngăn được những chuyện đau lòng này?