Muốn nổi tiếng, thỏa mãn sự hiếu kỳ, muốn “câu view”, họ nghĩ cách thể hiện vô cảm và tàn nhẫn.
“Canh me”, nhẫn tâm vỗ tay, reo hò trong đám tang
Chẳng biết tự bao giờ, tang lễ của nghệ sĩ, người nổi tiếng đã trở thành một “dịp vui” với rất nhiều con người thiếu văn hóa và vô cảm. Nếu cần một ví dụ rõ ràng nhất về văn hóa ứng xử của khán giả Việt đối với nghệ sĩ, hãy nhìn cách họ làm ngay trong những đám tang…
Tháng 9/2016, đông đảo nghệ sĩ và người hâm mộ đã đưa ca sĩ Minh Thuận về nơi an nghỉ. Giữa bầu không khí tang thương, xảy ra nhiều chuyện phản cảm. Khá nhiều người trèo tường, đu cột nhà tang lễ Bình Hưng Hòa để chụp ảnh, quay phim cho được. Những người khác vừa chạy theo vừa cười nói nhốn nháo.
Bị hàng rào chắn ngang, họ đưa tay vô ngoắc ngoắc các nghệ sĩ, rồi đùa giỡn và chỉ trỏ: “Chuẩn bị máy móc! Nhanh! Con nhỏ (tên ca sĩ A) sắp vào rồi.”; “Ủa, trong phim trông đẹp giai thế mà thằng… hôm nay nhìn xấu hoắc”. “Lên ti vi nhảy nhót, váy vóc thế thôi chứ ở bên ngoài con ca sĩ này béo và da mặt sần sùi quá!”. Đám đông chỉ chỏ, đàm tiếu, bình luận khiếm nhã những ca sĩ, diễn viên có mặt trong đám tang mà quên đi mình vô văn hóa tới mức nào.
Những ngày linh cữu Minh Thuận được đưa về nhà riêng cho đến suốt thời gian đám tang diễn ra, nhiều người cũng thường xuyên xuất hiện. Họ hò hét, gọi tên nghệ sĩ, thản nhiên bình luận, trao đổi về nhan sắc, tướng mạo. Họ chen vào xin chữ ký hoặc vui vẻ lấy điện thoại ra chụp ảnh các nghệ sĩ.
Dư luận từng bất bình trước hành vi của những người tới dự đám tang của người mẫu, diễn viên Duy Nhân. Thay vì đến phân ưu, tiễn biệt Duy Nhân trở về cát bụi, đám đông này kéo tới “canh me”, chỉ để chụp ảnh người nổi tiếng và chụp ảnh “tự sướng” tại đám tang. Trong khung cảnh trầm lắng, tang thương, đám đông vô cảm ấy cười nói, bàn tán, tay lăm lăm điện thoại. Thấy người nổi tiếng đến dự đám tang, họ hò reo, vỗ tay, nhao nhao lao tới chụp ảnh.
Chán chụp ảnh người sống, họ ùa tới chụp ảnh bên quan tài người chết với khuôn mặt hớn hở rồi nhanh chóng “phi” ảnh lên “phây” khoe “hàng”. Xót xa, phẫn nộ trước cảnh gai mắt ấy, nghệ sĩ Hoài Linh và các đồng nghiệp nhiều lần nhắc nhở trật tự. Nhưng các nghệ sĩ đều bất lực trước đám đông đang vui vẻ cười nói, reo hò, tạo dáng trong khi gia đình Duy Nhân khóc nghẹn, đau đớn mất người thân.
Gia đình của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh đã mỏi mệt “xin” đừng làm phiền thêm nữa, quản lý của anh cũng phải dùng uy tín của mình nhờ người quen hạn chế bớt đám đông tò mò đang kéo tới mỗi lúc một đông. Giữa những nỗi buồn không thể diễn tả hết bằng lời và những giọt nước mắt đang lặng lẽ rơi, tiếng cười đùa, sự háo hức của những con người vô cảm đứng phía ngoài cứ lạc lõng và độc ác tới mức khó tin…
Tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ, hình ảnh phản cảm của một bộ phận người dân hiếu kỳ, cười đùa, xin chụp ảnh cùng thần tượng và livestream khiến cộng đồng mạng bức xúc.
Các nghệ sĩ Hoài Linh, Quang Thắng, Minh Vượng - nghệ sĩ hài nổi tiếng đôi khi cũng rơi vào tình huống “khóc dở, mếu dở” do sự hâm mộ thái quá của khán giả khi họ đi viếng đám ma. Danh hài Hoài Linh từng ái ngại kể, khi anh tới đám tang của diễn viên Duy Nhân, không khí đám tang trở nên hỗn loạn và ồn ào.
Mặc dù danh hài đã rất nhiều lần dùng tay ra hiệu giữ im lặng nhưng đám đông vẫn không quan tâm, tiếp tục thể hiện sự hâm mộ của mình, bất chấp bên trong kia có một người đang nằm đấy và bao con người đang khóc lóc, tiếc thương cho gia chủ. Hoài Linh chỉ còn nước là bước nhanh nhanh khỏi đám tang này. NSƯT Quang Thắng chia sẻ rằng, anh rất sợ tới viếng đám ma vì chỉ cần chào thôi, những người có mặt cũng cười sằng sặc.
"Tôi sợ nhất đi viếng đám ma. Vào đó, không chào hỏi thì người ta bảo khinh người, chào một vài câu người ta lại cười sằng sặc. Cái cảm giác người nhà đám ma nhìn mình như đang làm trò gì đó nhố nhăng ở lễ tang khiến tôi cảm thấy khó chịu vô cùng. Vì vậy, trừ những mối quan hệ không thể từ chối, tôi rất ngại xuất hiện trong đám ma. Đại khái thế!”, NSƯT Quang Thắng chia sẻ.
Nghệ sĩ hài Vân Dung chia sẻ: "Biết là quý mến, tình nghĩa lắm nhưng cứ nhìn thấy em ở đám ma là mọi người buồn cười rồi. Mình thành kẻ "phá ngang" nên tránh mặt là tốt nhất" .
Ca sĩ Thanh Thảo từng chia sẻ sau khi viếng đám tang của ca sĩ trẻ Wanbi Tuấn Anh rằng, trong không khí tang thương mà nhiều fan cứ reo hò gọi tên cô, còn níu lại xin chữ ký. "Cười chào mọi người khi bị níu kéo, gọi tên thì không được lịch sự lắm, mà cười thì lỡ may lọt vào ống kính máy ảnh của ai đó thì thành quá vô duyên", ca sĩ Thanh Thào giãi bày. Rơi vào tình cảnh như vậy, Thanh Thảo chỉ còn nước là đi nhanh vào trong phúng viếng và nhanh chóng ra về.
MC Đại Nghĩa bức xúc: "Lần nào cũng như thế, đám tang một nghệ sĩ nào đó là dịp để thiên hạ kéo đến xem mặt người nổi tiếng với thái độ hiếu kỳ và phấn khích. Nhớ hồi đám tang anh Minh Thuận, tôi bước vào mà cứ tưởng mình đang đi... thảm đỏ của một sự kiện hoành tráng nào đó. Mọi người chực chờ xung quanh đông nghẹt, tôi bước đi giữa tiếng reo hò vang dội, tiếng gọi tên mình xôn xao, ánh đèn flash của điện thoại chớp loá lập loè. Thật sự cảm giác của một ngôi sao tràn ngập. Đi giữa khung cảnh đó thấy... buồn và tủi vô cùng".
Cười nói, bình phẩm, vỗ tay trong đám tang chưa đủ, có người vừa livetram vừa MC kiêm bình luận không khí đám tang: “Tôi đang có mặt tại đám tang nghệ sĩ... Tưởng gia đình nghệ sĩ này thế nào chứ hóa ra ki kiệt. Đám tang chi mà chỉ vài chục vòng hoa. Mình mà là gia đình nghệ sĩ này chắc phải đầu tư trăm vòng hoa cho hoành tráng”.
Có một điều lạ, trong số đám đông vô cảm ấy có không ít người trẻ tuổi, những người “có ăn, có học” đàng hoàng. Họ tự xưng mình là Youtuber, bàn luận, cười đùa rôm rả, chạy theo các nghệ sĩ khác đến viếng để phỏng vấn cho thoả mãn những người hiếu kỳ đang xem. Họ chạy theo lượt like, lượt view và số tiền đổ về túi họ bằng cách làm hỗn loạn đám tang của một nghệ sĩ.
Trèo lên lăng tẩm, chốn thờ tự để chụp ảnh
Chốn linh thiêng như: Tượng thờ, chùa chiền, di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ hay nơi đau buồn như đám tang đều bị một số giới trẻ xem thường, nhạo báng bằng những trò chụp ảnh tạo dáng, "tự sướng" vô cùng phản cảm.
Hành động vô văn hóa trèo lên lăng tẩm, mồ mả để chụp ảnh của một số giới trẻ. |
Mới đây, những bức ảnh một số con cháu đeo khăn tang đứng bên quan tài của người thân vừa qua đời, miệng tươi cười, vô tư hát hò, tạo dáng xì tin đăng tải lên mạng xã hội đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”.
Một cô gái trẻ, xinh xắn nhưng lại hồn nhiên ngồi trên một ngôi mộ liệt sỹ để chụp ảnh. Vì quá bức xúc, một số người tìm bằng được danh tính của nữ nhân vật chính để "ném gạch đá" và "dạy" cô gái cách làm người.
Nhiều bình luận: "Đúng là vô ý thức. Các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống, hy sinh cho đất nước hoà bình, no ấm như ngày hôm nay mà cô ta lại làm như vậy"."Người đẹp mà hành động xấu". Xuất hiện trên trang cá nhân facebook của nam thanh niên có nick name Lực Telemotail, bức ảnh ghi lại chính hình ảnh của nam thanh niên này ngồi lên Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) gây ra sự phẫn nộ, bức xúc trong cộng đồng cư dân mạng. Hơn thế, là bức ảnh lại được nam thanh niên này sử dụng làm ảnh đại diện.
Hình ảnh một nam thanh niên ngồi chễm chệ trên nóc của một ngôi mộ người thân với khuôn mặt tươi cười, chụp ảnh “tự sướng” khiến cho nhiều người cảm thấy bức xúc. Trên fanpage có hơn 800.000 thành viên cũng vừa đăng tải ảnh một thiếu nữ chụp hình tự sướng ngay bên quan tài. Cô thậm chí còn cười đùa, làm dáng với những biểu cảm chu môi, nháy mắt, cười tươi để có bức hình đẹp cùng người ông quá cố của mình.
Bức ảnh có tựa đề “Đeo khăn tang chụp ảnh tự sướng” lan truyền rộng rãi trên diễn đàn, mạng xã hội cũng đã khiến dân mạng dậy sóng. Trong ảnh, một người phụ nữ và một thanh niên mặc áo đen, đeo khăn tang nhưng khá tươi cười, làm điệu bộ dễ thương để chụp ảnh.
Theo nhà tâm lý Nguyễn Ninh (Trung tâm Tư vân tâm lý Việt), trong thời buổi của điện thoại thông minh và các phương tiện công nghệ hiện đại hiện nay, việc chụp ảnh mọi nơi, mọi lúc, sau đó chỉnh sửa rồi post lên trang mạng cá nhân lại càng trở thành thói quen khó bỏ của không ít người. Ở bất cứ đâu, cũng dễ dàng thấy hình ảnh người trẻ giơ chiếc điện thoại lên “tự sướng”.
Sự tiện lợi của mạng xã hội cùng nhu cầu khẳng định cái tôi ngày càng khiến người dùng sa đà vào cuộc sống ảo với những cách thể hiện vô cảm, quá thái. Muốn nổi tiếng, muốn “câu view”, họ nghĩ ra nhiều cách thể hiện mặc cho sự quá thái khiến cho dư luận bất bình như chụp ảnh bên quan tài, bên nấm mộ người mất với những biểu cảm tươi cười, hò reo, tạo dáng.
Khi mải mê chạy theo thú vui ảo, họ đã tự biến mình trở thành trò cười, hoặc đang trở thành hiện tượng phản cảm. Càng nhiều view, càng nhiều bình luận, họ càng thấy hả hê dù cho bị “ném đá”, chê trách.
“Nghiện” chụp ảnh tự sướng có thể là dấu hiệu cho thấy một số giới trẻ thiếu tự tin, thiếu phông văn hóa, khiến họ phụ thuộc vào sự chú ý của xã hội và trở thành nạn nhân của thói vô cảm, sống giả tạo. Đây không chỉ là sự ham muốn hư danh ảo tưởng nữa mà là một vết nhơ của giới trẻ. Theo nhà tâm lý Nguyễn Ninh, với những hành vi trèo, ngồi lên các di tích, tượng Phật, tượng đài, lăng tẩm, mồ mả cần có chế tài phạt nặng để răn đe những người khác.