Hiện nay, tại các KCN, KCX, số lượng lao động nữ chiếm từ 60-70%. Thực tế cho thấy, lao động nữ thường làm việc từ 8-10 tiếng/ngày, thậm chí là tăng ca sau giờ làm nên thời gian còn lại trong ngày họ thường ngủ để lấy lại sức. Họ không có thời gian và điều kiện để vui chơi giải trí, giao lưu kết bạn khác giới, cải thiện đời sống tinh thần vốn đang thiếu thốn của mình.
Bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ) cho biết: “Tình trạng công nhân nữ vì làm việc không có thời gian vui chơi, không có thời gian yêu và thậm chí không dám yêu vẫn còn xảy ra.
Trước tình hình này, công đoàn đã tiến hành tổ chức các hoạt động về giao lưu tập thể, tổ chức đám cưới tập thể, tạo ra sân chơi bổ ích sau giờ làm. Bên cạnh đó, cũng khuyến nghị lên cơ quan nhà nước kiểm tra, giám sát chế độ chính sách, nhất là trong vấn đề quản lý thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi ở các KCN, KCX, tránh làm việc quá tải dẫn đến tình trạng mệt mỏi không muốn tham gia các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, mỗi công nhân cũng cần ý thức, tự vận động bản thân vượt qua khó khăn, mặc cảm, từ đó mới giải quyết triệt để được tình trạng này”.
Vấn đề nữa, hiện nay ở các KCN, KCX tập trung nhiều công nhân, nhu cầu gửi con nhỏ rất lớn. Theo khảo sát năm 2017, có khoảng 52,6% công nhân nữ tại các KCN, KCX có con nhỏ dưới 6 tuổi và có nhu cầu gửi trẻ, còn lại công nhân thường gửi con về quê cho gia đình hoặc gửi nhà trẻ tư thục. Mặc dù đã có nhiều cố gắng từ phía trẻ doanh nghiệp và tổ chức công đoàn nhưng việc đảm bảo nơi giữ trẻ, trông con cho công nhân yên tâm làm việc vẫn còn nhiều nan giải.
Trước đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX”, trong đó trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động như: nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, thể thao, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế…
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt đề án này theo quyết định 655/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cũng đang phối hợp và tích cực thực hiện Đề án 404/QĐ-TTg về “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020” và Chỉ thị 09/CT-TTg về “Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Một vấn đề được công nhân nữ quan tâm đó là tình trạng xâm hại tình dục tại nơi làm việc. Một biện pháp đang được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai, đó là trong khoảng thời gian từ 2018-2021, xây dựng mô hình điểm mẫu đào tạo và tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn nòng cốt về phòng chống quấy rối tình dục. Hiện mô hình này đã được thí điểm tại 3 nhà máy may thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, phía Tổng LĐLĐ đang cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bên liên quan đưa khái niệm về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc một cách rõ ràng trong Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đồng thời, kiến nghị đưa ra một nghị định hướng dẫn chi tiết về các giải pháp, cách xử lý cụ thể đối với các trường hợp quấy rối tình dục.