Tại Điều 5 Nghị định 110/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, quy định, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy nội địa phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải đường thủy nội địa;
2. Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; phù hợp với hình thức và phương án kinh doanh;
3. Thuyền viên phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên phải đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế;
4. Thuyền viên, nhân viên phục vụ có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, vợ, chồng, con của chủ hộ kinh doanh);
5. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba.
Trong quá trình lấy ý kiến rà soát Danh mục rà soát điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất bỏ các điều kiện: “Thuyền viên phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định”; “thuyền viên phải đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế”, “Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”; “Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện với hành khách và người thứ ba” vì lý do “đã được quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa”.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, mà đại diện là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây không phải là lý do phù hợp để bãi bỏ điều kiện kinh doanh, hơn nữa với lý do này thì điều kiện này không được bãi bỏ vì vẫn có trong Luật. “Đề nghị đánh giá lại hai điều kiện này dưới góc độ là tính chất của một điều kiện kinh doanh, theo quy định của Luật Đầu tư 2014 để xem xét bãi bỏ/sửa đổi điều kiện áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, kể cả kiến nghị sửa đổi Luật Giao thông đường thủy nội địa” – văn bản của VCCI gửi Bộ GTVT nêu rõ.
Trong khi đó, xét bản chất, yêu cầu về “Phương tiện phải đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định”; “Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba” là trách nhiệm của doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình hoạt động, không phải là các điều kiện ban đầu khi gia nhập thị trường. Do đó, đề nghị điều chỉnh lại lý do bãi bỏ hai điều kiện này.
VCCI cũng đề nghị bỏ điều kiện “phương tiện phải phù hợp với hình thức và phương án kinh doanh” vì quy định này chưa rõ ràng (như thế nào được cho là “phù hợp”) và không cần thiết (doanh nghiệp sẽ tự chủ trong vấn đề này).
Liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định tại Điều 6 Nghị định 110/2014/NĐ-CP, Danh mục đề xuất bỏ điều kiện “Nhân viên phục vụ trên phương tiện phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải”. Tuy nhiên, lý do bỏ mà Bộ GTVT đưa ra là “chuyển nội dung này sang hoạt động quản lý (vì lúc này doanh nghiệp chưa hình thành nên chưa xem xét đến việc nhân viên phục vụ phải được tập huấn nghiệp vụ)”. VCCI cho rằng, lý do này là chưa phù hợp, bởi vì, nghĩa vụ này sẽ chuyển từ dạng quy định này sang dạng quy định khác, trong khi xét về bản chất thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện.
“Xét tính hợp lý của quy định thì việc yêu cầu nhân viên phục vụ phải được tập huấn là chưa phù hợp, bởi vì mục tiêu hướng đến của quy định là bảo đảm chất lượng phục vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ sẽ do doanh nghiệp tự điều chỉnh, xuất phát từ yếu tố thị trường, có sự cạnh tranh, do đó Nhà nước không cần thiết phải quy định cứng vấn đề này. Vì vậy, đề nghị bỏ hoàn toàn quy định này” – VCCI đề xuất.