Theo quy định tại Điều 66 Luật Giao thông đường bộ 2008, kinh doanh vận tải được phân chia theo các hình thức cố định: kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; bằng xe buýt theo tuyến cố định; bằng xe taxi; theo hợp đồng; du lịch. Tương ứng với mỗi hình thức kinh doanh này sẽ có những điều kiện kinh doanh riêng.
Thực tế, việc chia theo các hình thức kinh doanh vận tải trên gặp rất nhiều bất cập và lúng túng ngay trong chính các nhà làm chính sách. Ví như, có rất nhiều loại hình kinh doanh giao thoa nhau và rất khó phân biệt. Chẳng hạn, kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng và kinh doanh vận tải khách du lịch. Về bản chất, đây đều là hình thức vận tải khách theo hợp đồng, chỉ khác là đối tượng vận chuyển, vì vậy việc phân định ra làm hai hình thức kinh doanh này là chưa hợp lý, từ đó dẫn tới việc nhiều xe thực chất là vận tải khách du lịch nhưng lại “núp bóng” dưới hình thức xe hợp đồng (vì điều kiện kinh doanh xe hợp đồng dễ dàng hơn xe du lịch).
Hay như, hiện nay các nhà quản lý đang rất đau đầu trong việc giải quyết hiện tượng, xe chạy hợp đồng/du lịch nhưng lại kinh doanh tương tự như xe chạy tuyến cố định. Từ những sự việc như trên, các nhà chính sách lại tìm giải pháp bằng cách điều chỉnh các quy định để làm thế nào phân định rõ được xe hợp đồng và xe chạy tuyến cố định, theo hướng đưa ra một số nét đặc trưng của xe hợp đồng (ví dụ: lái xe phải mang theo hợp đồng; trước khi vận chuyển hành khách phải thông báo tới sở giao thông về hợp đồng, trong đó có nêu về tuyến đường vận chuyển, số lượng khách; xe hợp đồng không được lặp đi lặp lại một tuyến đường…). Tuy nhiên, những quy định để định danh rõ xe hợp đồng chỉ tạo ra những gánh nặng cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, tạo những nguy cơ bị xử phạt do vi phạm mà chưa đưa đến hiệu quả quản lý nào đáng kể.
Ngoài ra, có nhiều hình thức kinh doanh vận tải mới nhưng lại không biết xếp vào hình thức kinh doanh nào và từng có nhiều tranh luận về việc cấm hay cho phép các hình thức kinh doanh này, tính bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng một hình thức kinh doanh. Điển hình nhất là xe Uber, Grab. Các nhà quản lý khá lúng túng khi chưa thể phân định rõ Uber, Grab vào hình thức kinh doanh nào trong 05 hình thức kinh doanh được liệt kê trong luật. Trong khi đó, rõ ràng, cùng là hình thức kinh doanh vận tải nhưng đang có sự bất bình đẳng khi áp dụng điều kiện giữa xe Uber, Grab với các xe vận tải theo mô hình truyền thống.
Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần phải đánh giá lại về cơ chế quản lý đang áp dụng đối với các hình thức kinh doanh vận tải và những bất cập, chưa hợp lý của việc đóng khung kinh doanh vận tải theo 05 hình thức như quy định hiện hành. Đồng thời, việc có thêm hình thức vận tải mới sẽ khiến chúng ta cần nhìn nhận lại tính hợp lý của các điều kiện kinh doanh đang thiết kế cho kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
“Đề nghị phân định lại phương thức quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hướng: Phân chia thành hai loại: kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa. Đối với kinh doanh vận tải hành khách chỉ quy định điều kiện kinh doanh chung và các điều kiện tập trung vào các yếu tố có thể tác động đến an toàn giao thông khi đưa phương tiện vào kinh doanh” – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm trong văn bản gửi tới Bộ Giao thông Vận tải nhằm góp ý thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này.