Bộ Giao thông Vận tải sẽ siết chặt lái xe “công nghệ”
Tại buổi tọa đàm “Quản lý taxi công nghệ” do Báo Giao thông tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng không nên bàn đến chuyện cấm Uber, Grap, bởi loại hình kinh doanh này mang đến lợi ích cho người dân và là xu thế của thế giới, nhưng cần phải chấn chỉnh những lộn xộn, bất cập từ Uber, Grab gây ra.
Theo Thứ trưởng Thọ, thực tế hiện nay đang bộc lộ một số điểm chưa phù hợp, như việc lợi dụng ứng dụng công nghệ để trực tiếp điều hành quản lý vận tải, điều hành giá (trong khi theo quy định của Việt Nam phải quản lý chặt chẽ, công khai niêm yết giá, có nguồn thu phải nộp thuế), ứng dụng công nghệ phải đăng ký, quản lý… Chính những điều này gây ra sự lộn xộn trong thị trường vận tải hành khách, gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Sau 4 lần Bộ GTVT trình dự thảo sửa đổi Nghị định 86, Thủ tướng xác định đây là nghị định tác động rất lớn đến xã hội, liên quan đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người dân nên soạn thảo phải chặt chẽ, đúng quy định. Vì thế, lần này, việc quản lý các loại hình vận tải trong đó có Uber, Grab sẽ rõ ràng và chặt chẽ hơn.
“Chúng ta sẽ phải sửa và ban hành ngay dự thảo Nghị định 86 chứ không chờ sửa Luật Giao thông đường bộ. Bộ GTVT luôn cố gắng tạo môi trường bình đẳng, công khai minh bạch cho các thành phần tham gia kinh doanh vận tải” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.
Về phía DN, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM cho rằng, lâu nay, taxi truyền thống đang chịu bất công so với taxi “công nghệ”. Ông Hỷ dẫn chứng trong khi lái xe taxi phải qua đào tạo, lái xe “công nghệ” thì không. “Ai dám đảm bảo 100% lái xe công nghệ đều tốt, không có tội phạm hình sự trà trộn. Hơn nữa, taxi phải kiểm định kỹ thuật 6 tháng một lần nhưng Uber, Grab thì 1-2 năm?” – oong Hỷ nói.
Cũng theo ông Hỷ, Uber, Grab Việt Nam đang bị méo mó. Trong khi các nước tranh thủ xe nhàn rỗi nhưng Việt Nam có đến 90% không phải xe nhàn rỗi mà là đầu tư để chạy Uber, Grab.
Đại diện Hiệp hội taxi TP HCM cũng cho rằng, cần quản từ gốc Uber, Grab. Nếu định danh là taxi “công nghệ” thì trước hết các công ty này phải là taxi và phải đáp ứng điều kiện của taxi. Còn chuyện đặt xe qua mạng, qua tổng đài hay vẫy trên đường chỉ là phương thức và việc thanh toán qua thẻ hay trực tiếp cũng chỉ là phương thức. Vì vậy, phải quản thế nào để nắm được tổng quan về thu nhập của DN, của lái xe vì đó là cơ sở tính thuế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, trong dự thảo Nghị định 86, cơ quan chức năng sẽ quản lý lái xe Uber, Grab trong một quá trình xuyên suốt từ khâu đào tạo đến sau đào tạo. Lái xe phải tham gia kinh doanh bằng lý lịch điện tử. Ngoài ra, về quản lý thuế, các cơ quan QLNN sẽ đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định 86, để tạo thành một mặt bằng chung, đưa khung chính sách chung để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, công bằng, không thất thoát. Hiện, dự thảo Nghị định 86 đã trình sang Bộ Tư pháp để thẩm định..
Địa phương có quyền đề xuất dừng cấp phù hiệu
Ông Vũ Hà - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, 2 năm nay, Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu đưa ra nhiều quy định để làm sao quản lý loại hình taxi “công nghệ”, trong đó có Uber, Grab. Năm 2017, Sở GTVT Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP trình HĐND TP thông qua nghị quyết trong đó có định hướng quản lý loại hình này.
Ông Hà khẳng định, ứng dụng công nghệ là rất tích cực, tuy nhiên cần phải quản lý để hạn chế tiêu cực. Không thể thả nổi loại hình này, đặc biệt trong điều kiện giao thông của TP vẫn đang quá tải và thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Cũng theo ông Hà, Hà Nội đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT góp ý sửa đổi Nghị định 86. “Chúng tôi luôn ủng hộ quan điểm phải đưa loại hình kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi vào quản lý giống như quản lý taxi” - ông Hà nói.
Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM cho rằng, để các TP lớn như Hà Nội, TP HCM không đau đầu với việc số lượng xe Uber, Grap phát triển chóng mặt như hiện nay, Bộ GTVT cần điều chỉnh lại Quyết định 24/2016/QĐ-BGTVT về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó dừng ngay việc cấp phù hiệu cho xe dưới 9 chỗ, nhằm ngăn hệ lụy xã hội, đảm bảo sự công bằng.
Trước vấn đề đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, việc cấp phù hiệu xe hợp đồng Uber, Grab, Hà Nội hoàn toàn có thẩm quyền, nếu cảm thấy điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng, cần thiết có thể đề xuất dừng cấp phù hiệu. Đây là thẩm quyền trong QLNN của các sở GTVT tại địa phương.