Sự kiện ra mắt cuốn cẩm nang trên do Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, Văn phòng đại diện tại Việt Nam của Tổ chức cứu trợ trẻ em và Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội trực thuộc trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn đồng tổ chức.
Với cách tiếp cận dễ hiểu, cuốn sổ tay đưa ra những gợi ý về cách thức để nói chuyện một cách thoải mái, cởi mở với trẻ em về chủ đề tình dục một chủ đề vốn khá khó khăn, cũng như các bộ phẩm nhạy cảm, riêng tư trên cơ thể mỗi con người; chỉ cho trẻ nhận biết thế nào là các động chạm an toàn và không an toàn, những gì được phép và không được phép khi người lớn tiếp xúc với các em.
GS.TS. Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn cho rằng việc dịch và xuất bản cuốn cẩm nang nói trên không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn lâu dài trong bối cảnh xâm phạm tình dục đang là vấn nạn nhức nhối đối với cả xã hội Việt Nam.
Phát biểu tại buổi ra mắt cuốn cẩm nang, bà Dragana Strinic, Giám đốc quốc gia Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, cho rằng không có công việc nào tuyệt vời hơn nhưng đồng thời lại khó khăn hơn việc làm cha mẹ.
“Kể từ thời khắc chúng ta trở thành cha mẹ, cuộc sống của chúng ta thay đổi và mối quan tâm lớn nhất của các bậc cha mẹ là làm thế nào để đảm bảo cho các con của mình lớn lên an toàn, khỏe mạnh và vui vẻ”, bà chia sẻ.
Tuy nhiên, Giám đốc quốc gia Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam cũng bày tỏ trăn trở trước thực trạng trẻ vẫn thường xuyên gặp nguy hiểm và thậm chí đã bị xâm hại.
“Thời gian gần đây, tại Việt Nam, công chúng đã và đang được thông báo về rất nhiều các vụ xâm hại trẻ em, bao gồm xâm hại tình dục. Theo số liệu từ Bộ Lao động, thương binh và xã hội, có hơn 1.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em đã được ghi nhận tại Việt Nam trong năm 2016. Những hành vi xâm hại như vậy đã và đang tác động nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ”, bà Strinic nói.
Chia sẻ quan điểm, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg nhấn mạnh các hành vi xâm hại trẻ em ở bất cứ quốc gia nào, dù là Thụy Điển hay Việt Nam, trong bất kỳ môi trường và hoàn cảnh nào, đều không thể chấp nhận được và chắc chắn bị lên án.
Ông Hogberg cũng cho rằng đầu tư cho trẻ em và thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và lạm dụng phải là ưu tiên của tất cả cộng đồng.
Vẫn theo Đại sứ Hogberg, kinh nghiệm của Thụy Điển cho thấy việc trò chuyện cởi mở với trẻ về quyền của chúng đối với chính cơ thể mình và những giới hạn cần thiết khi tiếp xúc với cơ thể là rất cần thiết.
“Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể của tôi!” là một phần trong chiến dịch tích hợp nhằm ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em. Cuốn sách đưa ra những lời khuyên hữu tích và tư vấn giúp các bậc phụ huynh, giáo viên, những người làm chính sách, các cán bộ trong ngành giáo dục, các tổ chức NGO và những người lớn về cách giáo dục trẻ em ở các lứa tuổi khác nhau để tự bảo vệ mình khỏi bị lạm dụng tình dục.