Khoảng 70% số nhãn hiệu được chấp nhận
Thực trạng này tương tự với khoảng 300.000 Giấy chứng nhận đăng ký đã cấp ra. Tỷ lệ số nhãn hiệu được chấp nhận bảo hộ trong số nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký là gần 70%.
Nhận định về vấn đề này, Chánh Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) ông Trần Lê Hồng, cho rằng: “Đây là những tín hiệu tốt, phản ánh tình hình phát triển cũng như sự tăng trưởng về chất và lượng của nền kinh tế Việt Nam. Thông qua nghiên cứu cấu trúc số liệu thống kê như vậy còn có thể thấy được nhiều xu hướng trong phát triển kinh tế và kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tại Việt Nam”.
Thực tiễn phát triển của các nước trên thế giới, đặc biệt là của các nước phát triển, cho thấy các chỉ số về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp... là những chỉ số quan trọng để đánh giá về hoạt động đổi mới sáng tạo, cũng như của cả nền kinh tế…
Việc bảo hộ nhãn hiệu sẽ dựa trên việc thẩm định theo quy định của Luật SHTT như: dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu, tính phân biệt của nhãn hiệu, hay tính tương tự của hàng hóa, dịch vụ. Việc đánh giá tương tự về hàng hóa, dịch vụ này thường dựa trên sự phân loại theo Bảng phân loại quốc tế hàng hóa, dịch vụ Ni-xơ.
Số liệu từ Cục SHTT cho thấy, năm 2016, Cục đã tiếp nhận 104.275 đơn sở hữu công nghiệp (SHCN) các loại, trong đó có 58.217 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 14,2% so với năm 2015).
Trong đó, có 2.868 đơn kiểu dáng công nghiệp; 42.848 đơn nhãn hiệu quốc gia và 6.656 nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Hệ thống Madrid; 09 đơn chỉ dẫn địa lý… và 123 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (07 đơn sáng chế, 116 đơn nhãn hiệu, ví dụ như “BUON MA THUOT COFFEE” đã được bảo hộ tại Hoa Kỳ).
Trong việc bảo hộ quyền SHCN hiện vẫn còn một số vấn đề làm ảnh hưởng đến việc xác lập và bảo vệ quyền, điển hình như sự giao thoa trong bảo hộ quyền đối với tên thương mại và nhãn hiệu. Việc giao thoa này còn trở nên phức tạp hơn vì còn chịu sự điều chỉnh của Luật DN liên quan đến tên DN.
Luật DN 2014 và các văn bản hướng dẫn tuy phần nào giúp tháo nút thắc liên quan đến tên DN nhằm đảm bảo quyền SHCN đối với tên thương mại và nhãn hiệu. Đặc biệt ở đây cần nhấn mạnh đến sự khác biệt. Phạm vi bảo hộ độc quyền của tên thương mại và nhãn hiệu là trên toàn quốc (chỉ có một đầu mối xác lập quyền là Cục SHTT), còn tên DN được đăng ký tại nhiều đầu mối ở các Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Do vậy, việc trùng và nhầm lẫn giữa tên các DN được đăng ký chưa có sự gắn kết với việc thẩm định liên quan đến nhãn hiệu. Tuy nhiên, tên DN có thể trùng nhau đối với các chủ thể đăng ký kinh doanh ở các vùng miền, các lĩnh vực khác nhau phù hợp với Luật DN. Nhưng tên thương mại và nhãn hiệu thì không thể có sự trùng đối với cùng hàng hóa, dịch vụ cho dù các DN ở cách nhau cả ngàn cây số.
Các thương hiệu nổi tiếng vẫn được bảo hộ nhãn hiệu dù không đăng ký |
Các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ dù chưa đăng ký
Trong Luật SHTT, việc đăng ký nhãn hiệu dựa trên nguyên tắc “người nộp đơn đầu tiên”, ai đăng ký sớm nhất sẽ được chấp nhận bảo hộ và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, còn một điều luật bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, không dựa trên việc đăng ký. Điều 6, Luật SHTT quy định “đối với các nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký”.
Việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng dựa vào các tiêu chí khác nhau. Có nhiều tiêu chí để đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng như: phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa dịch vụ mang nhãn hiệu được lưu hành; doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch cụ mang nhãn hiệu; số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu; giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu…
Trên thực tế, nếu xảy ra tranh chấp với nhãn hiệu được cho là nổi tiếng thì chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh được nhãn hiệu của mình là nổi tiếng thông qua các tiêu chí nêu trên. Ví dụ như trường hợp đối với nhãn hiệu đặc biệt nổi tiếng là chỉ dẫn địa lý Cognac cho sản phẩm rượu của Pháp.
Do quá nổi tiếng nên rượu từ nhiều nơi trên thế giới được sản xuất tương tự như cách sản xuất rượu Cognac và được gọi là rượu Cognac. Qua nhiều năm, chỉ dẫn địa lý Cognac trở thành một tên gọi thông thường của sản phẩm và chỉ dẫn địa lý Cognac cho sản phẩm rượu của Pháp gặp không ít khó khăn để có thể nhận được sự bảo hộ ở một số nước trên thế giới. Ở Việt Nam, Cognac là chỉ dẫn địa lý của nước ngoài đầu tiên được bảo hộ.
Một trường hợp tương tự xảy ra ở Việt Nam chính là trường hợp của nước tương Maggi của Nestle. Khi Nestle đưa sản phẩm nước tương Maggi vào Việt Nam, lập tức trở thành một loại hàng hóa thông dụng, phổ biến và được người tiêu dùng lựa chọn. Ngay lập tức, các hãng thực phẩm khác cũng gọi các sản phẩm tương tự của họ là magi (cách đọc tương tự Maggi) bên cạnh thương hiệu của họ.
Chính vậy, Nestle cũng phải chỉ ra được Maggi không phải là tên gọi thông thường của sản phẩm mà là một nhãn hiệu được biết đến rộng rãi, thậm chí là nổi tiếng và nhãn hiệu Maggi của Nestle đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Theo thống kê, Cục SHTT đã từ chối bảo hộ 8992 đối tượng SHCN trong năm 2016, trong đó có 1834 nhãn hiệu đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam (của người nộp đơn ở nước ngoài thông qua Hệ thống Madrid).
Trong số 29.880 đối tượng SHCN được chấp nhận bảo hộ năm 2016 có 25.720 nhãn hiệu (trong đó có 4.822 nhãn hiệu quốc tế đăng ký theo Hệ thống Madrid). Như vậy, tỷ lệ được chấp nhận bảo hộ rơi vào khoảng 77%, đồng nghĩa với việc 3/3 số đơn nộp được xử lý.