Nhiều nhà đầu tư BOT bất hợp tác
Dự án thu phí đường bộ tự động không dừng (ETC) giai đoạn 1 hạn chót phải hoàn thành là trước 30/6/2017, nhưng tới giờ vẫn còn một số nhà đầu tư dự án đường bộ BOT chưa hoàn thành việc dựng trạm, lắp làn tự động... để đồng loạt triển khai ETC trên QL1 và QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên).
Cụ thể, theo kế hoạch sẽ có tổng cộng 28 trạm BOT phải ứng dụng công nghệ này. Tuy nhiên, theo liên danh Tasco - VETC Việt Nam - đơn vị cung cấp dịch vụ ETC, đến thời điểm này mới chỉ có 2 trạm BOT (Bắc Quảng Bình trên QL1 và Toàn Mỹ trên Ql14) được đưa vào vận hành thương mại. Ngoài ra, còn có thêm 5 trạm đã lắp thiết bị và vận hành những đơn vị cung cấp dịch vụ đang miễn phí dịch vụ thu phí.
“Số còn lại đang đàm phán nhưng hết sức khó khăn vì nhiều lý do. Thậm chí, các Dự án BOT Bắc và Nam Bình Định hay Cần Thơ - Phụng Hiệp, mức độ hợp tác không cao nên đơn vị cung cấp dịch vụ ETC vẫn chưa thể gặp được những nhà đầu tư này để thương thảo”, Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC Vũ Quang Lâm thông tin.
Cũng theo doanh nghiệp này, sau khi đạt được cơ chế thụ hưởng chi phí tổ chức thu phí giữa nhà cung cấp dịch vụ ETC và nhà đầu tư BOT đường bộ là 50/50 thay vì 70/30 như dự kiến trước đây, một số nhà đầu tư BOT tiếp tục “nại” ra nhiều lý do để bất hợp tác, chưa muốn ứng dụng công nghệ ETC trong thu phí hoàn vốn?
“Khi chúng tôi đã chốt được cơ chế 50/50 về thụ hưởng rồi, thì có nhà đầu tư lại quay sang đòi đơn vị cung cấp dịch vụ phải trả tiền công đào tạo cho nhân công trạm thu phí của họ, kèm theo một số lý do khác nữa... khiến việc ký phụ lục Hợp đồng với các nhà đầu tư vẫn không có nhiều chuyển biến. Với tình hình thực tế như thế này, nguy cơ “vỡ” tiến độ dự án là rất cao”, lời Giám đốc Lâm.
Chỉ đạo của Bộ trưởng khó thành?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường - người trực tiếp chỉ đạo dự án trên khi trả lời PLVN tỏ ra khá sốt ruột: “Nhà đầu tư có thể lựa chọn Tasco hoặc VietinBank để sử dụng dịch vụ ETC, nhưng muốn gì cũng phải dựng xong trạm trước ngày 30/6 tới đây để kịp tiến độ”.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: “Người thu thu phí muốn thu kiểu truyền thống để bỏ túi những khoản tiền thừa của các chủ phương tiện...” |
Lý giải về nguyên nhân khiến việc triển khai dự án trên gặp khó khăn, ông Trường nói do một bộ phận người dân vẫn còn thói quen “sử dụng tiền mặt” nên muốn duy trì theo kiểu thu thủ công. “Ngoài ra, cũng có thể một số trạm, người thu thu phí muốn thu theo kiểu truyền thống này để có thể bỏ túi những khoản tiền thừa của các chủ phương tiện để lại (tiền phụ - NV). Nếu ứng dụng ETC thì sẽ không có được những khoản đó vì máy móc nó chính xác tới từng đồng một và tự động chuyển tất vào tài khoản ngân hàng...”, Thứ trưởng Trường giải thích.
Được biết, dự án trên, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cũng quan tâm và từng thị sát công nghệ này tại một trạm BOT đường bộ của Công ty CP Tasco ở Nam Định. Ông Nghĩa đã chỉ đạo đến 30/4/2017, các nhà đầu tư BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ ETC phải hoàn thành việc ký kết hợp đồng thu phí; đến 30/6/2017, phải đồng loạt triển khai thu phí tại 28 trạm trên QL1 và QL14.
Tuy nhiên, theo thông tin mà đại diện liên danh Tasco - VETC vừa phản ánh với PLVN, thì chỉ đạo nói trên của Bộ trưởng Nghĩa khó mà thành hiện thực?
Nhà đầu tư BOT Toàn Mỹ 14 đã bàn giao trạm cho VETC
“Ngoài trạm BOT ở phía Bắc Quảng Bình đã vận hành thương mại, trên QL14, nhà đầu tư BOT Toàn Mỹ cũng đã chính thức bàn giao toàn bộ trạm thu phí này (cả thủ công và tự động) cho VETC vận hành theo công nghệ tự động từ hồi 0h00 ngày 15/5/2017.
Ngoài ra, còn có 5 trạm BOT cũng đã ững dụng công nghệ này, nhưng chúng tôi đã miễn phí dịch vụ cho họ suốt hơn nữa năm nay. Số còn lại, thì đang tiếp tục đàm phán và cũng rất khó khăn”, ông Vũ Quang Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC.