Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, để bảo đảm tính bền vững cho công tác phòng chống HIV/AIDS, cần sử dụng nguồn từ BHYT để thanh toán chi phí chăm sóc, điều trị, xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc điều trị kháng virus (ARV).
“Nguy cơ lớn nhất là người nhiễm HIV không có BHYT gặp khó khăn tài chính là việc người bệnh bỏ dở điều trị dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Hậu quả là việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém gấp bội phần. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT của người nhiễm HIV ở Việt Nam vẫn còn thấp” - ông Cảnh lo ngại.
Hiện chi phí điều trị HIV/AIDS cho một bệnh nhân rất khác nhau. Nếu chỉ tính chi phí thuốc ARV với phác đồ phổ biến nhất (phác đồ bậc 1) thì tiền thuốc khoảng gần 4 triệu đồng/người/năm. Nếu người bệnh kháng thuốc phải sử dụng phác đồ cao hơn, chi phí cho thuốc ARV đắt hơn gấp nhiều lần. Do đó, khi các nguồn tài trợ rút đi, quỹ BHYT sẽ chi trả những chi phí của thuốc ARV theo như quy định.
Khi tham gia BHYT, người nhiễm HIV bên cạnh việc được khám, điều trị, xét nghiệm và được thanh toán theo chế độ của BHYT, họ được cấp thuốc kháng virus, được hưởng các chế độ liên quan đến những bệnh nhiễm trùng cơ hội và được thanh toán liên quan đến chế độ thai sản nếu bị nhiễm HIV. Người nhiễm HIV tham gia BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh.
Người nhiễm HIV đang điều trị ARV ở đâu, nếu có nhu cầu thì được tiếp tục điều trị tại cơ sở đó khi tham gia BHYT. Hiện nay, có hơn 350 điểm điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV, trong đó gần 250 điểm đang nằm ở các bệnh viện tỉnh, huyện.
Hơn nữa, khi mua thẻ BHYT, người dân không cần khai có bị mắc bệnh lý nào hay không. Theo dự kiến, từ quý III năm 2017 có thể bắt đầu chi trả tiền thuốc ARV cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT.