Tại Diễn đàn, các em đã nêu nhiều câu hỏi cần được giải đáp như: vấn đề trẻ em bị quấy rối nơi công cộng, trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực bởi chính người thân, nhất là tại các gia đình bố mẹ ly hôn, cha dượng xâm hại con vợ; trẻ em vùng núi, vùng sâu, vùng xa phải đi học quãng đường dài, rất dễ bị tai nạn thương tích, nguy cơ bị bắt cóc, bị bán ra nước ngoài; vấn nạn tảo hôn ở một số vùng dân tộc thiểu số…
Những câu hỏi của các em gái tại Diễn đàn đã được lãnh đạo đại diện cho các bộ, ngành như Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội, TƯ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc… giải đáp cụ thể.
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Chúng tôi cũng đã có nhiều bước làm thiết thực khi xây dựng Luật Trẻ em 2016 những vấn đề này đã đặt ra. Chúng tôi có những quy định rất cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành, từng cơ quan, tổ chức, nòng cốt là Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để sao cho công tác bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo hành, xâm hại, chúng tôi cũng có quy định rõ những nhiệm vụ đối với người làm công tác trẻ em cấp xã. Đặt vấn đề với Chính phủ phải có cơ chế điều phối liên ngành, Chính phủ cũng đã nhanh chóng thành lập Ủy ban Quốc gia vì trẻ em, có đường dây quốc gia 111, đường dây nóng bảo vệ trẻ em và các hoạt động khác”.
Ngay sau diễn đàn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ chủ trì tổ chức họp cùng lãnh đạo các địa phương, đơn vị tham dự Diễn đàn để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của trẻ em gái và lên kế hoạch thúc đẩy quyền của trẻ em gái nói riêng và trao quyền của trẻ em nói chung theo quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị. /.