Những hạn chế, bất cập trong các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về tạm giam đã khiến nhiều người phải ngồi tù nhiều năm khi không có bản án buộc tội họ...
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn Điều 93 Bộ luật Tố tụng hình sự về biện pháp đặt tiền thay thế biện pháp tạm giam thì một yêu cầu đặt ra là các quy định của Thông tư phải quy định rõ phạm vi, đối tượng áp dụng và điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền lựa chọn, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn thích hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đồng thời hạn chế khả năng nảy sinh tiêu cực khi áp dụng biện pháp này.
Theo quy định của dự thảo Thông tư, điều kiện để áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản thay thế biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo có nhân thân tốt; bị can, bị cáo (hoặc người giám hộ) có năng lực tài chính và có căn cứ để tin rằng, bị can, bị cáo có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc không tiêu huỷ, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, bị can, bị cáo không nằm trong nhóm tội “bắt buộc phải giam”. Với đủ các điều kiện trên thì cơ quan có thẩm quyền “có thể” áp dụng biện pháp đặt tiền thay thế biện pháp tạm giam.
Với quy định trên thì ngay cả khi hội tụ đầy đủ các điều kiện để được áp dụng biện pháp đặt tiền thay thế biện pháp tạm giam, bị can, bị cáo vẫn có thể bị từ chối bởi các cơ quan tố tụng.
Quy định tùy nghi này cho phép cơ quan tố tụng một quyền hạn rất lớn, song đồng thời cũng là một kẽ hở pháp luật “khổng lồ” làm phát sinh tiêu cực. Quy định này sẽ khiến cho mục đích, yêu cầu của việc thực hiện quy định không đạt như mong muốn mà có thể biến việc áp dụng biện pháp đặt tiền thay thế tạm giam trở thành một… cái chợ.
Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang trao đổi xung quanh vấn đề này:
- Thưa Luật sư, có ý kiến cho rằng nếu quy định tùy nghi và cho phép cơ quan tố tụng quyền lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp đặt tiền thay thế biện pháp tạm giam thì sẽ khó áp dụng, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
- Tôi cũng đồng ý với quan điểm này. Đầu tiên, chúng ta phải thấy rằng, tạm giam là biện pháp ngăn chặn mà các điều tra viên ưa thích khi giải quyết các vụ án hình sự, đặc biệt là đối với các bị can “cứng đầu”. Khi các bị can bị tạm giam, việc lấy lời khai sẽ dễ dàng hơn bằng những lợi thế và các thủ thuật nghiệp vụ của điêu tra viên.
Tại Mỹ, trước khi ban hành án lệ bắt buộc điều tra viên khi bắt nghi can để điều tra phải giải thích cho nghi can quyền im lặng và quyền được mời luật sư, Tòa án tối cao Mỹ đã phát hiện ra tình trạng các điều tra viên sử dụng các “đòn tâm lý” đối với nghi phạm để “moi” lời khai nhận tội của nghi can. Các chứng cứ được Tòa án Mỹ tìm thấy ngay trong các giáo trình dạy nghiệp vụ điều tra của cơ quan cảnh sát. Vì vậy, để tránh tình trạng lạm quyền đối với các nghi can bị tạm giam, năm 1964, một án lệ đã được ban hành, bắt buộc lực lượng điều tra khi bắt giữ người đều phải nói “anh có quyền im lặng, mọi lời nói của anh có thể trở thành chứng cứ buộc tội anh tại tòa” mà chúng ta thấy trên nhiều bộ phim truyền hình.
Ở nước ta, cũng có tình trạng tương tự như đã xảy ra trong lịch sử tố tụng của nước Mỹ, điều tra viên rất muốn áp dụng biện pháp tạm giam để thuận tiện cho việc điều tra. Do đó, nếu để tùy nghi thì “có thể” biện pháp đặt tiền thay thế tạm giam sẽ không được áp dụng.
- Theo ông, tại sao chúng ta cần xem xét quy định cụ thể hơn đối với việc áp dụng biện pháp đặt tiền thay thế tạm giam?
- Tôi cho rằng, có nhiều lý do để chúng ta cần xem xét và quy định cụ thể hơn đối với việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản thay thế biện pháp tạm giam. Trong đó, cần phân loại các nhóm tội phạm để áp dụng biện pháp này theo các mức: không áp dụng, áp dụng hạn chế (có thể áp dụng) và phải áp dụng (bắt buộc áp dụng). Hiện trong dự thảo Thông tư mới có hai nhóm là không áp dụng và có thể áp dụng.
Trong thực tế, việc tạm giam hiện nay rất tùy tiện. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiều vụ án bị can đã bị tạm giam đến gần 4 năm nhưng không đưa ra xét xử mà việc tạm giam thì hoàn toàn không cần thiết. Điều này đang xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của bị can. Ở nước ta, có hiện tượng bị can bị giam giữ nhiều năm cho dù việc điều tra đã kết thúc. Do đó, tôi cho rằng, việc quy định một số trường hợp phải bắt buộc phải áp dụng biện pháp đặt tiền thay thế biện pháp tạm giam là cần thiết.
- Quy định tùy nghi liệu có phát sinh tiêu cực?
- Do cơ quan tố tụng có thể áp dụng và có thể không áp dụng biện pháp đặt tiền thay thế tạm giam ngay cả khi có đủ các điều kiện để thay thế tạm giam thì trong ý thức của người có quyền, họ sẽ vòi vĩnh còn trong nhận thức của người có “nhu cầu” sẽ nghĩ cách làm thỏa mãn người có quyền. Do đó, tiêu cực ắt sẽ xảy ra, dù ít hay nhiều. Điều đó có nghĩa là người dân sẽ phải đi “chợ đen” để mua quyền hợp pháp. Vì vậy, tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ để quy định của luật đi vào cuộc sống và không sản sinh tiêu cực.
- Xin cảm ơn ông!
Bình Minh (thực hiện)