Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, việc phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 7 Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG); một số CSDLQG đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các Trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu vẫn tồn tại một số hạn chế như: nhiều cơ sở dữ liệu (CSDL) được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa được chuẩn hóa, thống nhất về tiêu chuẩn, danh mục; các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, chưa đạt các tiêu chuẩn quy định, không bảo đảm mức độ an ninh, an toàn hệ thống, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp;…
Do vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu là cần thiết, cấp thiết để thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các CSDL, phục vụ công tác quản lý nhà nước; qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin...
Dự thảo Luật Dữ liệu gồm 7 chương với 66 điều quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung của Dự thảo Luật Dữ liệu, đặc biệt là các khái niệm với các Luật liên quan; làm rõ phạm vi, mục đích, yêu cầu của Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; đánh giá kỹ tác động về việc lưu trữ dữ liệu tại nhiều nơi và tính đồng bộ của CSDL này với các CSDL khác, tránh gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực để duy trì, phát triển, gây ảnh hưởng đến tính chính xác, kịp thời và tính đúng, đủ, sạch, sống của dữ liệu;
Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng đề nghị bỏ Chương IV (Trung tâm dữ liệu quốc gia); đề nghị cân nhắc quy định bộ, ngành, địa phương đặt máy chủ vào Trung tâm dữ liệu quốc gia; chỉ nên quy định việc kết nối, chia sẻ các CSDL với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; cần làm rõ việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài; quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành trong khai thác, sử dụng dữ liệu.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định. |
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Công an trong việc xây dựng Luật Dữ liệu; tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế trong việc xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu. Bên cạnh đó, để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát nội dung của dự thảo Luật và lược bỏ những nội dung đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 47/2024/NĐ-CP về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia …
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về việc thu thập, số hoá dữ liệu; chi phí vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia, Quỹ phát triển dữ liệu; xác định rõ nội dung áp dụng Luật Dữ liệu tại Điều 4 dự thảo; việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia…/.