- Nhân dịp kỷ niệm 27 năm Ngày thành lập hệ thống TGPL ở Việt Nam, xin ông cho biết kết quả chủ yếu của công tác TGPL trong khoảng thời gian từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nhiệm kỳ Chính phủ (năm 2021) đến nay?
Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh:
Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh |
Chặng đường 27 năm qua của hoạt động TGPL đã trải qua có thể là chưa dài nhưng là một chặng đường đầy nỗ lực, phấn đấu vượt khó của những người làm công tác TGPL. TGPL đã được xác định là dịch vụ công thiết yếu, là một trong những chính sách có ý nghĩa nhân văn trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian qua, việc triển khai các quy định của Luật TGPL sửa đổi năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được triển khai đồng bộ, toàn diện. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII và nhiệm kỳ Chính phủ (năm 2021) đến nay, có thể điểm qua một số kết quả nổi bật sau đây:
Thể chế về TGPL tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được ra những định hướng về: “nâng cao chất lượng dịch vụ công”, “đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp” (trong đó tổ chức TGPL tham gia vào quá trình tố tụng, người thực hiện TGPL là một bên trong quá trình tranh tụng).
Đặc biệt, ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Nội dung về TGPL được ghi nhận tại 02/10 nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 27-NQ/TW (“Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, TGPL và hỗ trợ pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật” thuộc nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững và “Nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp và chất lượng TGPL, nhất là trong hoạt động tố tụng tư pháp; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống TGPL; mở rộng đối tượng được TGPL phù hợp với điều kiện của đất nước” thuộc nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân).
Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về TGPL gồm 20 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 01 Luật, 01 Nghị định, 04 Thông tư liên tịch và 14 Thông tư. Bên cạnh đó, nội dung về TGPL cũng đã được quy định trong các Bộ luật, luật khác có liên quan (như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...).
Trong giai đoạn 2021 - nay, thể chế về TGPL và có liên quan đến TGPL tiếp tục được hoàn thiện với một số điểm nhấn sau: TGPL được xác định là dịch vụ công thiết yếu của ngành Tư pháp; có các tiêu chí cụ thể để xác định vụ việc tham gia tố tụng thành công về hình sự, dân sự, hành chính; Trung tâm TGPL nhà nước được quy định là một trong những điểm cầu và tham gia phiên tòa trực tuyến; lần đầu ngành Tư pháp có chức danh nghề nghiệp hạng cao nhất là hạng I (chức danh Trợ giúp viên pháp lý hạng I); lần đầu có sự phối hợp trong TGPL với việc trực tại Tòa án và trực TGPL trong điều tra hình sự 24/24 giờ trên phạm vi toàn quốc; nội dung TGPL được ghi nhận và triển khai đồng bộ trong tất cả các Chương trình mục tiêu quốc gia (về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025) và Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới… Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, TGPL đều được đưa vào là một trong những nội dung tại Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Chính phủ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa bình và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chứng kiến Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến ký Chương trình phối hợp người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân. |
Có thể thấy rằng, hệ thống văn bản pháp luật về TGPL đã tương đối đầy đủ, toàn diện, tạo cơ sở pháp lý để công tác TGPL được triển khai đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc; đồng thời những quy định TGPL cũng đã góp phần nội luật hóa ở mức độ cao các cam kết quốc tế tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật.....
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chứng kiến Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ký kết Chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự (tháng 11/2023). |
Hệ thống TGPL được kiện toàn và tăng cường năng lực; người thực hiện TGPL ngày càng được nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp. Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, đội ngũ người thực hiện TGPL được các Trung tâm TGPL nhà nước quan tâm thực hiện. Tính đến hết năm 2023, hệ thống TGPL 63 Trung tâm TGPL nhà nước, 97 Chi nhánh, với tổng số 1228 viên chức, người lao động, trong đó có 676 trợ giúp viên pháp lý; có 180 tổ chức tham gia TGPL và 675 cá nhân ký hợp đồng thực hiện TGPL. Đến nay, năng lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đã dần được nâng cao và trở thành đội ngũ nòng cốt cung cấp dịch vụ TGPL cho người dân; số lượng vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý tăng hằng năm. Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực đó, trong thời gian qua đã có những trợ giúp viên pháp lý được tôn vinh gương sáng Ngành Tư pháp.
Người dân tiếp cận và sử dụng TGPL ngày càng nhiều hơn, chất lượng hơn. Triển khai Luật TGPL 2017, các địa phương đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của công tác TGPL là thực hiện vụ việc TGPL, nhất là vụ việc tham gia tố tụng. Giai đoạn từ năm 2021 đến 6/2024, các tổ chức thực hiện TGPL trên toàn quốc đã cung cấp hơn 100 nghìn vụ việc (trong đó, có gần 79 nghìn vụ việc tham gia tố tụng, chiếm hơn 78,2%) cho người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các nhóm người yếu thế, dễ tổn thương khác.
Số vụ việc TGPL tham gia tố tụng đạt mốc cao nhất từ trước đến nay. Số lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng kết thúc tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước, cụ thể: năm 2021 là 17.966 vụ, năm 2022 là 21.276 vụ, năm 2023 là 26.816 vụ.
Phiên tòa tố tụng hình sự có sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Nam |
Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao, kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện TGPL, chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL đã có chuyển biến rõ nét, ngày càng được nâng cao. Chất lượng, hiệu quả vụ việc được xác định dựa trên các tiêu chí cụ thể về thẩm định, đánh giá chất lượng và tiêu chí xác định vụ việc tham gia tố tụng thành công. Qua báo cáo của các địa phương, các vụ việc TGPL được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên, nhiều vụ việc đạt chất lượng khá, tốt và không có vụ việc nào bị khiếu kiện về chất lượng vụ việc TGPL. Từ năm 2021- 4/2024 có 27.439 vụ việc được xác định là vụ việc tham gia tố tụng thành công, trong đó nhiều vụ việc thành công, hiệu quả được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận, người được TGPL được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân hoặc người được TGPL được tăng mức bồi thường thiệt hại, đòi được quyền sử dụng đất…
Có thể thấy rằng, hoạt động TGPL đã đi vào nề nếp và tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của công tác TGPL hơn, nhất là thực hiện vụ việc TGPL. Số lượng và chất lượng dịch vụ TGPL ngày càng được nâng cao, thực sự trở thành công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Thông qua các vụ việc TGPL cho thấy đội ngũ người thực hiện TGPL nói chung và trợ giúp viên pháp lý nói riêng ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong việc giúp người yếu thế tiếp cận công lý, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội qua đó góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
-Để góp phần trong những kết quả đó, bên cạnh vai trò của các cơ quan quản lý TGPL ở trung ương và địa phương, sự nỗ lực của tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL thì còn có vai trò của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đề nghị ông làm rõ hơn vai trò của các cơ quan, tổ chức này trong phối hợp hoạt động TGPL thời gian qua?
Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh:
Có thể nói rằng, trong thời gian gần đây, công tác phối hợp TGPL ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đặc biệt là phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng có nhiều chuyển biến tích cực. Để triển khai Luật TGPL năm 2017 và quy định của các bộ luật, luật tố tụng liên quan, ngày 29/6/2018, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi - Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Nghệ An phát biểu kết luận (ngày 04/7/2022) |
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến - Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Tuyên Quang phát biểu kết luận (ngày 27/10/2022). |
Việc triển khai các nội dung phối hợp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC được thực hiện nghiêm túc, đạt được hiệu quả khá tích cực, nhất là trong việc giải thích, thông tin, thông báo TGPL đến tổ chức thực hiện TGPL.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an - Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại thành phố Hải phòng phát biểu kết luận (ngày 31/7/2023). |
Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp TGPL trong tố tụng đạt được kết quả nổi bật với việc lần đầu tiên ký kết 02 Chương trình phối hợp người thực hiện TGPL trực tại Tòa án (năm 2022) và trực TGPL trong điều tra hình sự (năm 2023) trên phạm vi toàn quốc như đã nêu ở trên. Hai sự kiện này đều được vinh danh là sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2022 và năm 2023. Cụ thể, Bộ Tư pháp đã ký kết Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 với Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân, theo đó, căn cứ vào điều kiện tại các địa phương để lựa chọn hình thức trực phù hợp, có thể trực tại trụ sở Toà án hay trực qua điện thoại. Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp với Bộ Công an về trực TGPL trong điều tra hình sự, theo đó, quy định hình thức trực TGPL qua điện thoại 24/24 giờ. Việc ký kết các Chương trình phối hợp này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vai trò, chất lượng của TGPL trong tố tụng tư pháp, tăng cường khả năng tiếp cận TGPL của người bị buộc tội, đương sự, bị hại tại Tòa án và người bị buộc tội, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ hoặc quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng – Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Bình Dương phát biểu kết luận (ngày 26/10/2023) |
Triển khai các Chương trình phối hợp này, tính đến tháng 6/2024, 63 Sở Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân cấp tỉnh ký kết Chương trình/Kế hoạch phối hợp để cụ thể hoá và triển khai Chương trình người thực hiện TGPL trực tại Tòa án (theo nắm bắt, có 20 tỉnh/thành phố trực cả qua điện thoại và trực tại trụ sở Tòa án); có 29 Sở Tư pháp xây dựng Chương trình/Kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự.
Cùng với đó, để triển khai nội dung điểm cầu thành phần trong phiên tòa trực tuyến theo Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV, đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính trình UBND cấp tỉnh; có 30 tỉnh/thành phố đã được cấp kinh phí để thiết lập điểm cầu; 17 tỉnh/thành phố đã thiết lập điểm cầu thành phần tại Trung tâm TGPL và tham gia phiên tòa trực tuyến.
Phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hà Tĩnh |
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BTP thì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến Trung tâm. Trường hợp người thuộc diện được TGPL là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn thì Ủy ban nhân dân cấp xã giới thiệu đến Trung tâm TGPL. Đến nay, tại nhiều địa phương đang triển khai nội dung phối hợp về trách nhiệm thông tin, giới thiệu về TGPL.
-Như ông đã nêu ở trên, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp TGPL. Vậy theo ông, trong thời gian tới để cụ thể hóa những nội dung về TGPL tại Nghị quyết số 27-NQ/TW cần triển khai những công việc gì?
Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh:
Để triển khai các nội dung “Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, TGPL và hỗ trợ pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật”; “Nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp và chất lượng TGPL, nhất là trong hoạt động tố tụng tư pháp; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống TGPL; mở rộng đối tượng được TGPL phù hợp với điều kiện của đất nước” được giao tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các văn bản triển khai Nghị quyết, trong thời gian tới cần thực hiện nhiều công việc. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu để tham mưu Thủ tướng Chính phủ xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò, hiện đại hóa, phát triển TGPL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó có đề cập đến các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022.
(1) Hoàn thiện thể chế, chính sách (Nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và một số biện pháp bảo đảm thi hành Luật TGPL; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số quy định về diện người được TGPL hoặc các nội dung có liên quan đến hoạt động TGPL trong quá trình xây dựng, sửa đổi các bộ luật, luật và các văn bản khác có liên quan…). Trước mắt, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao hoàn chỉnh nội dung TGPL, đặc biệt là quy định sửa đổi Luật TGPL năm 2017 theo hướng mở rộng đối tượng được TGPL trong Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2024; đồng thời nghiên cứu, đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP theo hướng: Sửa đổi điều kiện có khó khăn về tài chính theo hướng bổ sung người thuộc hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp (là người lao động thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có thu nhập trung bình); sửa đổi điều kiện về huyện không đạt tiêu chuẩn giao thông để thành lập chi nhánh TGPL cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(2) Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực hệ thống TGPL: Cục TGPL - Bộ Tư pháp và Trung tâm TGPL nhà nước ở địa phương tương xứng với đơn vị sự nghiệp công thiết yếu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chính trị.
(3) Xây dựng đội ngũ người thực hiện TGPL chuyên nghiệp, có đầy đủ kiến thức và kỹ năng bảo đảm cung cấp dịch vụ TGPL có chất lượng, nhất là trong tố tụng tư pháp, có chế độ khuyến khích, khen thưởng, vinh danh người thực hiện TGPL...
(4) Nâng cao chất lượng vụ việc TGPL đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân, nhất là trong tố tụng tư pháp. Tiếp tục tập trung thực hiện vụ việc TGPL, nhất là vụ việc tham gia tố tụng; phấn đấu đạt tỷ lệ 99% trở lên người thuộc diện được TGPL tiếp cận và được TGPL khi có yêu cầu…
(5) Hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác TGPL. Triển khai hiệu quả Dự án hệ thống thông tin TGPL; tiếp tục xây dựng, phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu TGPL. Tăng cường kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu TGPL với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật; 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL được xác định là dịch vụ công trực tuyến tại tất cả các địa phương và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Số hóa 100% hồ sơ vụ việc TGPL kết thúc…
(6) Tiếp tục đổi mới cách thức và tăng cường hiệu quả truyền thông về TGPL để người dân dễ tiếp cận dịch vụ TGPL; kết hợp các cách thức truyền thông truyền thống với các cách thức truyền thông hiện đại trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình... bằng tiếng Việt hoặc dịch sang các tiếng dân tộc phổ biến, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền; nâng cao kiến thức, hiểu biết về TGPL của đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ TGPL.
(7) Nâng cao năng lực, phát huy vai trò của cơ quan, tổ chức TGPL trong phối hợp liên ngành và phối hợp trong việc triển khai thực hiện tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình mục tiêu quốc gia khác được ban hành trong thời gian tới. Phát huy, nâng cao vai trò hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, chủ động phối hợp để đáp ứng nhu cầu TGPL phát sinh thông qua các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức khác…
(8) Hợp tác quốc tế về TGPL, đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương và đa phương nhằm thu hút các nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ hoạt động TGPL; triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, dự án, chương trình với các đối tác quốc tế,…
Có thể nói rằng, trong thời gian qua, vai trò và hiệu quả của hoạt động TGPL trong bảo đảm quyền con người, công lý và bình đẳng trước pháp luật đã được Nhà nước và xã hội dần ghi nhận với những kết quả đáng khích lệ. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp từ thể chế đến nhận thức, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành có liên quan và đặc biệt là người dân về vai trò, hiệu quả của hoạt động này trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật, nhất là trước tố tụng tư pháp, thực hiện “tranh tụng là đột phá” qua đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
-Trân trọng cảm ơn Ông! Xin chúc hệ thống tổ chức TGPL ngày càng phát triển.