Campuchia: Tăng cường hiệu quả công việc của chính phủ qua facebook

Chenda và Chamroeun. Ảnh: Reuters
Chenda và Chamroeun. Ảnh: Reuters
(PLO) - Thủ tướng Campuchia Hun Sen được đánh giá là đã thành công trong việc sử dụng facebook để giải quyết các bức xúc của cử tri, tăng cường hiệu quả hoạt động của chính phủ.

Vì không có tiền nên anh Kong Chamroeun đã phải ngồi tù trong thời gian chờ hầu tòa về cáo buộc đánh cắp số tài sản có giá trị khoảng 80 USD của công ty. Tuy nhiên, cả Chamroeun và gia đình anh đều khẳng định anh không hề phạm tội.

“Chúng tôi chẳng có gì ngoài 2 bàn tay trắng” – cô Lorn Chenda, bạn gái của Chamroeun cho hay. Không những thế, cô này còn cáo buộc cảnh sát đã “gạ” anh Chamroeun chi 2.000 USD “tiền bồi thường” để đổi lấy việc không bị truy tố. 

10 ngày sau khi bạn trai bị tống giam và không còn ai để có thể nhờ vả, Chenda quyết định thử vận may. Theo đó, cô đã dùng chiếc điện thoại thông minh của mình để đăng tải lời kêu cứu gửi tới lãnh đạo cao nhất của Campuchia – Thủ tướng Hun Sen.

Trong đoạn video kéo dài 5 phút đó, Chenda đã nêu chi tiết về cáo buộc âm mưu vòi tiền của cảnh sát và khẩn thiết đề nghị ông Hun Sen can thiệp. Đoạn video này sau đó được Chenda đăng tải trên trang facebook của ông Hun Sen. 

Ngay sáng hôm sau, Chamroeun đã được phóng thích và cáo buộc chống lại anh cũng đã được gỡ bỏ. “Chúng tôi không bao giờ có thể nghĩ rằng ngài Thủ tướng sẽ giúp chúng tôi. Vụ việc đã được xử lý rất nhanh chóng” – cô Chenda nói thêm.

Theo Reuters, Thủ tướng Campuchia Hun Sen lập tài khoản trên mạng xã hội facebook hồi tháng 9 năm ngoái và hiện có 2 triệu người theo dõi trang này. Trong trường hợp của Chamroeun, đoạn video kiến nghị của cô Chenda tới ông Hun Sen sau đó đã lan truyền nhanh chóng trên internet.

Bản thân ông Hun Sen sau đó cũng kêu gọi người dân gửi các khiếu nại về tình trạng tham nhũng của các quan chức trong chính quyền tới hộp thư facebook của mình. 

Trong một bài phát biểu mới đây, ông Hun Sen cũng đã đề cập tới trường hợp của Chamroeun và nói thêm rằng, nếu không có facebook, ông sẽ không thể phục vụ người dân hiệu quả được như vậy. “Tôi cần phải xử lý công việc một cách nhanh chóng. Những vấn đề mà người dân đang đối mặt không hề nhỏ, không được đánh giá thấp những vấn đề đó” – ông nói thêm.

Vụ việc của anh Chamroeun không phải là trường hợp duy nhất. Trong thời gian qua, ông Hun Sen cũng đã giải quyết nhiều vấn đề được nêu trên trang facebook của ông như lệ phí thi cao ở các trường đại học, vấn đề không minh bạch trong việc thu phí sử dụng đường bộ hay các vấn đề về cấp bằng lái mô tô, thuế thừa kế…

Theo chỉ đạo của ông, 7 bộ trong chính phủ cũng đã lập các nhóm làm việc với 64 thành viên chuyên theo dõi các bình luận được đăng tải trên trang facebook của ông Hun Sen để phát hiện những bức xúc của người dân, trong đó có cả vấn đề tranh chấp đất đai vốn được cho là cố hữu nhất tại Campuchia.

“Chúng tôi theo dõi các bình luận ở tất cả các thời điểm, trong tất cả các ngày. Đây là chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng nên không thể phớt lờ” – ông Seng Loth, người giám sát trang facebook của Bộ Kế hoạch đô thị và quản lý đất đai Campuchia cho biết. 

Hồi năm ngoái, chính phủ Campuchia cũng đã tổ chức các lớp học bắt buộc đối với 400 hiệu trưởng của các trường học ở Phnom Penh và khuyến khích họ dùng facebook nhằm tăng cường hiệu quả xử lý công việc. Theo các nhà quan sát, ông Hun Sen đã thành công trong việc sử dụng facebook để giải quyết các vấn đề của cử tri, từ đó giúp ông giành được thêm sự ủng hộ trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2018 tới. 

Đọc thêm

Đoàn kiều bào thăm, động viên quân, dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I

Đoàn công tác số 11 do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, ra thăm Trường Sa.
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I trong khuôn khổ Đoàn công tác số 11.

Tiết lộ khẩu pháo phòng không nguy hiểm nhất của Nga

Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga.
(PLVN) - Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga không chỉ là phương tiện phòng không chống lại trực thăng, máy bay không người lái cỡ lớn và máy bay chiến đấu bay thấp mà còn là vũ khí đất đối đất “sát thủ” cả trên bộ và trên biển.

Mỹ chế tạo máy bay 'Ngày tận thế' mới

Một máy bay chỉ huy và điều khiển E-4B.
(PLVN) - Mỹ sẽ phát triển một máy bay “Ngày tận thế” mới để cho phép tổng thống Mỹ tiếp tục lãnh đạo đất nước trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân hoặc thảm họa lớn khác phá hủy các trung tâm chỉ huy và kiểm soát trên mặt đất.