Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Trải qua 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước.
Trình độ dân trí đã được cải thiện, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng mạnh; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh trong thập kỷ qua. Việt Nam đã rất thành công trong nỗ lực tăng cường bình đẳng giới bao gồm cả trong lĩnh vực giáo dục trong nhiều năm qua. Điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt đặc biệt ở khu vực thành thị... mặc dù còn 4.800 hộ dân chưa có nhà ở.
Kết quả điều tra dân số và nhà ở 2019 có ý nghĩa quan trọng. Bởi đây là cơ sở cho việc đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 (thực hiện Nghị quyết Đại hội XII) và xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Đông dân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lao động xã hội. Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” dự báo còn kéo dài 30 – 35 năm nữa tạo ra nhiều thuận lợi cho phát triển. Tuy nhiên, thách thức trước mắt lớn hơn cơ hội.
Trước hết là vấn đề việc làm. Dân số đông, lại trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” nên số lao động rất lớn. Giải quyết đủ việc làm, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho hàng chục triệu lao động trong hoàn cảnh cạnh tranh quốc tế khốc liệt không phải là “chuyện nhỏ”.
Thất nghiệp, thiếu việc làm, làm việc với năng suất thấp không những cản trở phát triển mà còn tác động xấu đến an ninh, trật tự xã hội. Hiện nay, vợ chồng ít con, gia đình nhỏ nên thường đòi hỏi những dịch vụ như y tế, giáo dục, giao thông… có chất lượng cao hơn. Khi dân số đông, “cung” hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao đang không theo kịp “cầu” dễ gây ra những căng thẳng xã hội.
Vấn đề đặc biệt quan trọng là tác động của gần 100 triệu dân đến tài nguyên, môi trường Việt Nam. Nhiều nước có dân số lớn hơn nước ta nhưng lại có diện tích lãnh thổ rộng hơn nhiều lần. Vì vậy, mật độ dân số của họ thấp hoặc rất thấp.
Đất đai Việt Nam ngày càng trở thành tài nguyên quý hiếm, giá cả đắt đỏ cản trở sự phát triển của đất nước. Dân số đông, lại tập trung cao ở vùng đồng bằng, tạo ra dòng di cư lớn - nguyên nhân làm cạn kiệt tài nguyên rừng và quá tải cơ sở kỹ thuật, ô nhiễm môi trường đô thị, tắc nghẽn giao thông tiếp tục diễn ra.
Trước “ngưỡng” 100 triệu dân biết bao vấn đề phải lo lắng.