Cụ thể, tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất của ngành đạt 10,2%; tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành bình quân giai đoạn 2008-2017 đạt 17,24%. Thu nhập của người dân vùng nông thôn tăng nhanh từ gần 8 triệu đồng năm 2008 lên 35 triệu đồng năm 2017 (gấp 4,5 lần), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 6% năm 2008 xuống còn trên 2% năm 2017; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên đạt trên 98%.
Với đặc thù là tỉnh công nghiệp, với cơ cấu kinh tế ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu GRDP (năm 2008 là 6,5%; năm 2017 là 6,3%), nhưng Quảng Ninh đã có nhiều sáng tạo trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp địa phương (OCOP), đưa nông nghiệp từng bước đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo bền vững.
Cùng với Chương trình OCOP, Quảng Ninh xác định nhiệm vụ sớm đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc; phân công các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi địa bàn thực hiện Chương trình 135. UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; cân đối, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện đề án, trong đó nguồn ngân sách tỉnh năm 2016 là 100 tỷ đồng, năm 2017 là 200 tỷ đồng, năm 2018 là 350 tỷ đồng.
Đặc biệt, các địa phương tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trên cơ sở nguyện vọng, đề xuất của người dân và phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển các thương hiệu của mình.
Đến nay, toàn tỉnh có 51/111 xã và 2 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tại các xã vùng khó của tỉnh đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế được người dân tham gia tích cực. Đặc biệt, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu như đường nội đồng, kênh mương phục vụ sản xuất, công trình nước sạch, đã hoàn thành phục vụ việc sản xuất, sinh hoạt và đi lại giao thương cho đồng bào các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Dự kiến, đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 72/111 xã và 4/14 huyện, thành phố về đích xây dựng nông thôn mới, vượt mục tiêu Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật và những chuyển biến lớn.
Nông nghiệp tăng trưởng và phát triển toàn diện; diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc; đời sống dân cư vùng nông thôn không ngừng được cải thiện, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người nông dân, góp phần xóa nhòa sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo ở nông thôn.