Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành nhiều thời gian đề cập đến những tồn tại. Một trong những bất cập được Thủ tướng nhắc đến là nhu cầu đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn rất lớn trong khi nguồn lực hạn hẹp.
Thủ tướng cho rằng đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp, số dân làm nông còn quá cao. Cả nước có 48% dân số làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp một phần GDP rất nhỏ. Năng suất lao động lĩnh vực này còn thấp, việc tăng năng suất còn chậm. Ngành nông nghiệp cũng chỉ thu hút một lượng vốn khiêm tốn chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Số DN đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1% trong cả nền kinh tế, chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Đặc biệt, việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp còn yếu, giá thành sản phẩm cao, chủ yếu là xuất thô, chưa qua chế biến, chưa đột phá trong nâng cao giá trị gia tăng, chưa hiệu quả. Công tác bảo quản, chế biến còn hạn chế, quy mô nhỏ, hao hụt nhiều, việc xây dựng thương hiệu còn yếu kém…
Thủ tướng đề nghị cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tháo gỡ cho các nhà đầu tư, DN, các HTX nông nghiệp… “Nông nghiệp Việt Nam không có DN, không có HTX bất thành công!”- Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải thay đổi tư duy và nhận thức về nông nghiệp nông thôn, phải tạo nên sự đột phá hơn nữa, sản xuất phải gắn với thị trường và hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn, phục vụ nhu cầu của gần 100 triệu dân và xuất khẩu…
“Thế giới đang chuyển mình, châu Á đang cạnh tranh từ bán buôn đến bán lẻ, chúng ta cần tạo ra lợi thế so sánh để thành công!’- Thủ tướng khích lệ và đề nghị phải chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và hội nhập sâu rộng…
“Một vài thập kỷ ngắn tới đây, Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ nông nghiệp thế giới? Liệu chúng ta có thể đứng thứ 15 các nước có nền nông nghiệp phát triển được hay không?”- Thủ tướng kỳ vọng.
Trước đó, ngày 26/11, tại Lễ Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết TW 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, thành tựu sau 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 khóa X là rất trân trọng và đáng tự hào, góp phần rất quan trọng duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng đã nhiệt liệt biểu dương sự đóng góp công sức, trí tuệ của các tập thể, các DN, người lao động trực tiếp và nông dân tiêu biểu trong cả nước, xứng đáng được tôn vinh, khen thưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình,chụp ảnh lưu niệm cùng các doanh nhân |
Thủ tướng bày tỏ niềm tin rằng, các tập thể, cá nhân và DN được khen thưởng sẽ tiếp tục phát huy tốt thành tích đã đạt được, có đóng góp lớn hơn nữa trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước, trực tiếp là phát triển nông nghiệp, phát huy nông dân, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các giải pháp về liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, cho DN, cho đất nước, góp phần thực hiện về đích sớm nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Thủ tướng cũng mong muốn các tập thể, cá nhân và DN được khen thưởng sẽ tiếp tục phát huy tốt thành tích đã đạt được, có sức lan tỏa lớn, đóng góp xứng đáng cho phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân.
Tại buổi lễ, 200 tổ chức và cá nhân cùng 11 DN có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết TW 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có 48 tập thể nhân dân và cán bộ xã, 42 chi bộ và 46 cá nhân.đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ...
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, tổ chức sản xuất nông nghiệp được đổi mới mạnh mẽ, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Đến 7/2018 đã có gần 50.000 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 8% DN đang hoạt động.
Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đã tăng từ 54,6 triệu đồng/ha năm 2010 lên 83 triệu đồng/ha năm 2015; đến năm 2017 đạt trên 90 triệu đồng/ha. Bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên 520 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này, trở thành quốc gia bền vững an ninh lương thực.
Từ một nước phải nhập khẩu, đến nay nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới về kim ngạch xuất khẩu nông sản. Thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp bình quân khu vực nông thôn đã tăng từ 60,6% lên 73%; thu nhập tăng 3,49 lần, từ 9,15 triệu đồng/người/năm 2008 lên 32 triệu năm 2017.