Chị Nguyễn Thị Thu Thảo làm công nhân Công ty T.N tại khu công nghiệp Quảng Phú (Quảng Ngãi) nhiều tháng nay phải chật vật với việc thu nhập giảm do công ty bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khó khăn chồng chất.
Điều đáng nói, sau khi cách ly y tế 14 ngày do liên quan ca nhiễm SARS-CoV-2, chị Thảo buộc phải đóng chi phí xét nghiệm, phí sinh hoạt trong thời gian cách ly tại huyện Mộ Đức với tổng số tiền hơn 2,7 triệu đồng. Lương công nhân ít ỏi, nay phải chịu thêm các khoản trên khiến gia đình chị càng chật vật hơn.
“Lương công nhân vốn đã ít ỏi, nay công ty cắt giảm nhân sự, em bị thất nghiệp lại phải tốn tiền cách ly nữa. Khó khăn chồng khó khăn nên em mong được hỗ trợ để có tiền đi xin việc”, chị Thảo tâm sự
Chị Thảo nằm trong số 40 ca mắc COVID-19 và gần 220 người F1 cách ly tập trung tại khu công nghiệp Quảng Phú rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh cần được chia sẻ.
Thế nhưng sau khi hoàn thành cách ly, chữa trị (đối với F0), người lao động, doanh nghiệp phải thanh toán các khoản chi phí. Trong số 5 công ty có gần 200 công nhân cách ly tập trung phải thanh toán tiền ăn, nhu yếu phẩm và xét nghiệm với tổng số tiền gần 550 triệu đồng.
Chi phí xét nghiệm cùng các khoản thanh toán liên quan hàng trăm triệu đồng khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn còn nợ và khó xoay sở để tái sản xuất |
Nhiều doanh nghiệp đóng tại KKT Dung Quất cũng than thở: Sau khi Quảng Ngãi ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong các khu công nghiệp, Ban quản lý KKT Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đề nghị doanh nghiệp phối hợp với ngành chức năng để thanh toán chi phí cách ly y tế tập trung của người lao động.
Tuy nhiên, chi phí xét nghiệm cùng các khoản thanh toán hàng trăm triệu đồng khiến nhiều công ty nhỏ, vốn đã đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, không thể xoay sở kịp để tái sản xuất.
Tương tự, Công ty Properwell Việt Nam (khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi) vào cuối tháng 8 khi phát hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2, công ty phối hợp ngành chức năng khoanh vùng, cách ly các ca F1 và xét nghiệm truy vết 2.000 công nhân.
“Sau khi phát hiện ca bệnh, Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất yêu cầu phải xét nghiệm toàn công ty. Những chi phí liên quan này cùng như truy vết đều do bên công ty chịu, cả chi phí cách ly F1”, Đại diện Công ty Properwell Việt Nam phản ánh.
Theo tìm hiểu của PLVN, hiện tỉnh Quảng Ngãi có gần 200 doanh nghiệp hoạt động tại 5 khu kinh tế, khu công nghiệp gồm: Dung Quất, VSIP, Tịnh Phong, Quảng Phú và Phổ Phong. Tổng số lao động tại các nhà máy, xí nghiệp hơn 63.000 người. Sau khi dịch bùng phát tại 4 khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi có 212 công nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 và 420 trường hợp diện F1 cách ly tại các cơ sở y tế.
Theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, trong đó hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người cách ly y tế, với thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày. Tuy nhiên, để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các doanh nghiệp có công nhân, người lao động bị F0 lo mọi chi phí liên quan đến xét nghiệm, truy vết, cách ly... Vì vây, nhiều công ty, doanh nghiệp tại Quảng Ngãi đã phải “gồng gánh” thêm các chi phí liên quan đến y tế.
“Nhiều chi phí từ đợt dịch đến giờ cũng chẳng có đủ tiền nộp. Chúng tôi không hoạt động gần tháng qua và còn nợ lương công nhân.”, đại diện công ty tại Khu công nghiệp An Phú bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp tại Quảng Ngãi cho biết việc tiếp cận các gói hỗ trợ, nguồn vốn tái sản xuất còn hạn chế |
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi thông tin, họ đang nỗ lực để phục hồi sản xuất, duy trì xuất khẩu hàng hoá sớm ổn định kinh doanh, nhưng việc tiếp cận các gói hỗ trợ, nguồn vốn vay để tái sản xuất tại địa phương còn hạn chế, các thủ tục xin giảm lãi suất cũng khó đáp ứng. Vì vậy, nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh mong muốn sớm được nhận các chính sách hỗ trợ để phục hồi sau dịch.
Ông Ngô Văn Trọng, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến hầu hết các doanh nghiệp phải tăng chi phí sản xuất. Đồng thời, phải đầu tư thêm nguồn lực y tế khi thực hiện “3 tại chỗ”, mua sắm thiết bị khử khuẩn, bảo hộ cho người lao động, chi phí xét nghiệm, cách ly…nên gặp nhiều khó khăn. “Tỉnh chỉ đạo chúng tôi triển khai doanh nghiệp khi có ca nhiễm thì mọi chi phí phải lo do nguồn lực của tỉnh khó khăn. Các doanh nghiệp theo chỉ đạo đó thực hiện”, ông Trọng nêu.