Pơ mu “chảy máu”
Ngày 9/7, một người dân phát hiện tại khoảnh 5, tiểu khu 351, gần cột mốc biên giới 717 (giáp ranh giữa huyện Nam Giang và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào) có hàng trăm phách gỗ được chất đống. Ngay lập tức, người này báo cáo cơ quan chức năng.
Nhận được thông tin, Công an huyện Nam Giang phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung đến ngay hiện trường. Tại đây, cơ quan chức năng kiểm đếm có tới 280 phách gỗ Pơ mu, đường kính từ 1 đến 2m, chiều dài từ 2,1 đến 2,2 m, khối lượng gỗ là 28m3. Đây là loại gỗ Pơ mu quý hiếm, thuộc nhóm 2A, còn thơm mùi gỗ mới.
Sau khi vào rừng kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, số gỗ trên được cưa hạ từ khoảnh 10, tiểu khu 351, cách Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang hơn 1500m, riêng vị trí mà “lâm tặc” tập kết gỗ chỉ cách chừng 50m.
Ngày 10/7, Công an huyện Nam Giang phối hợp với các lực lượng khác đã vận chuyển số gỗ khai thác trái phép trên về khu vực Đồn Công an Chà Vàl (Nam Giang). Mấy hai ngày, việc vận chuyển số gỗ này mới hoàn thành.
Ngày 14/7, chúng tôi theo chân đoàn kiểm tra đến khoảnh 10, tiểu khu 351. Từ đường tuần tra biên giới, chỉ chưa đến một giờ đi bộ men theo đường mòn, chúng tôi đã tiếp cận địa điểm mà “lâm tặc” tàn phá rừng.
Trước mắt chúng tôi, hai khoảnh rừng đang “chảy máu”. Pơ mu là loại cây sống theo quần thể, do vậy khi bị “lâm tặc” đốn hạ thì cả quần thể rừng bị tàn phá theo. Hàng chục cây Pơ mu cùng các loại cây khác nằm la liệt, cánh rừng xác xơ.
Theo tổ công tác kiểm đếm, có tổng cộng 60 cây pơ mu bị đốn hạ, đường kính gốc cây từ 40cm trở lên, thậm chí có những gốc đường kính lên đến 80cm. Vẫn còn khoảng 5m3 gỗ được xẻ phách theo quy cách nằm ở hiện trường, chưa kịp vận chuyển ra cất giấu tại bãi tập kết.
Hàng trăm phách gỗ Pơmu bị thu giữ |
Theo cơ quan chức năng nhận định, để khai thác trái phép số gỗ trên, nhóm đối tượng phải có ít nhất mười người, chặt phá trong vòng một tháng. Số lượng gỗ trên sau khi được xẻ ra thành phách, “lâm tặc” sẽ thuê người gùi vác ra điểm tập kết nằm gần QL14D, cách Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang vài trăm mét.
Một người am hiểu về việc khai thác gỗ cho biết, để đốn hạ, xẻ gỗ ra thành phách “lâm tặc” phải dùng máy cưa lốc. Mà khi máy cưa hoạt động thì người dân nằm trong bán kính từ 5 đến 7 km đều nghe thấy.
"Việc lâm tặc triệt hạ hàng chục cây pơ mu rồi cưa xẻ ra hàng trăm phách trong thời gian dài, điểm tập kết gỗ chỉ cách Trạm Cửa khẩu Đắc Oóc không xa nhưng cơ quan chức năng không phát hiện xử lý là điều khó hiểu" - một người dân bức xúc.
Một cán bộ đồn Công an ChàVàl tâm sự: “Tôi là người địa phương miền núi nhưng chưa khi nào thấy số lượng gỗ bị đốn hạ, cưa xẻ nhiều đến vậy. Trong khi đây là loại gỗ pơ mu cực kỳ quý hiếm còn sót lại ở khu vực biên giới. Phải có đơn vị nào đứng phía sau thì “lâm tặc” mới dám phá rừng như vậy".
Ông Nguyễn Tấn Lạc, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang cho rằng đây là vụ việc đáng tiếc xảy ra trên địa bàn mà lực lượng biên phòng không phát hiện kịp.
Ông Lạc lý giải: “Khu vực trên thuộc sự quản lý của chúng tôi, thế nhưng anh em đi tuần tra chỉ đi trên trục đường tuần tra nên không phát hiện được. Có thể người phía bên Lào qua phá rừng chứ nếu người bên mình đến đó thì đã bị lực lượng biên phòng phát hiện rồi”.
Ông Lạc còn nhận định, nhiều khả năng các đối tượng trong vụ khai thác này là nhóm người thường khai thác trộm gỗ bên Lào, họ lén lút tràn sang khu vực vùng biên giáp ranh để chặt hạ pơ mu, sau đó cất giấu trong rừng...
Nói về vụ phá rừng này, Trung tá Hà Thế Xuyên, Phó Trưởng Công an huyện Nam Giang cho biết, đây là vụ phá rừng pơ mu lớn nhất từ trước đến nay ở Nam Giang. “Qua khám nghiệm hiện trường, chúng tôi nhận thấy vụ việc khá nghiêm trọng và cần thiết phải điều tra, làm rõ vụ việc trong thời gian sớm nhất”, Trung tá Xuyên nhấn mạnh.
Đã khởi tố vụ án hình sự
Đại tá Dương Hoài Nam, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, khu vực xảy ra phá rừng thuộc đường vành đai biên giới, giữa Việt Nam-Lào. Đây là khu vực bất khả xâm phạm, mọi hoạt động quân sự, chính trị, kinh tế phải được sự kết hợp giữa 2 nước.
“Ở khu vực này muốn tuần tra phải tổ chức hoạt động tuần tra song phương, phải có sự kết hợp với nước bạn Lào. Hàng tháng, hàng quý hai bên lên kế hoạch và khi tuần tra thì gặp nhau ở cột mốc, rồi hai lực lượng mới tiến hành kiểm tra”, Đại tá Nam nói.
Nói về trách nhiệm của bộ đội biên phòng trong việc này, Đại tá Nam cho rằng, trách nhiệm của biên phòng ở khu vực biên giới là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh biên giới, đường biên cột mốc. Còn về vấn đề bảo vệ rừng thì biên phòng chỉ là một lực lượng phối kết hợp, cũng như tất cả toàn dân.
“Bảo vệ rừng là sự nghiệp của toàn dân, không đổ cho lực lượng này hay lực lượng khác. Tuy nhiên, khi nói đến bảo vệ rừng thì trách nhiệm chính của kiểm lâm. Sâu hơn nữa là rừng đã được phân công cho địa phương, cho người dân quản lý và chăm sóc. Nhưng sự việc xảy ra ở khu vực biên giới, phải khẳng định là trách nhiệm của biên phòng là có liên đới”, Đại tá Nam nói.
Đường kính thân cây lên đến 80cm |
Trả lời câu hỏi nếu vụ việc này có sự tiếp tay của cán bộ biên phòng thì hướng xử lý như thế nào, Đại tá Nam cho biết, nếu như có cá nhân ai đó bảo kê thì ông sẽ tước quân tịch dù bất cứ cấp bậc gì. Ông khẳng định sẽ kiên quyết xử lý, không bao che cho bất cứ trường hợp nào.
Về công tác quản lý rừng, ông Đỗ Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung (đơn vị chủ rừng) đã nêu một số khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
“Do một số tiểu khu của đơn vị quản lý nằm trong khu vực biên giới nên mỗi khi tuần tra, kiểm soát đều phải thông qua biên phòng và phải có giấy giới thiệu liên hệ công tác. Vấn đề trên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tuần tra, bảo vệ rừng”, ông Tuấn nói.
Liên quan đến vụ việc phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam đã đề nghị các đơn vị chức năng tổ chức lực lượng điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc; đồng thời thắt chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo vệ an ninh biên giới trên địa bàn.
Được biết, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung đã ký quyết định số 03 khởi tố vụ án vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng theo Điều 175, Bộ luật Hình sự. Hiện hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Giang thụ lý.
Ngày 16/7, cơ quan chức năng phát hiện 115 phách gỗ được cất giấu ngay trong khuôn viên của Hải quan cửa khẩu Nam Giang. Số gỗ này cũng mới khai thác và có đặc điểm giống 280 phách gỗ được phát hiện ngày 9/7. Tối ngày 16/7, tiếp tục phát hiện thêm 25 phách gỗ giấu tại một nhà dân gần khu vực cửa khẩu.
Trưa ngày 17/7, lại phát hiện thêm 2 bãi tập kết gồm 85 phách gỗ Pơ mu giấu trong bụi rậm cách trụ sở Hải quan khoảng 50m và cách Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang khoảng 500m.
Trước đó, ngày 15/7, tổ công tác cũng đã phát hiện gần 30 phách gỗ Pơ mu nằm ngay sát vách Trạm kiểm soát. Điều này khiến dư luận đặt ra dấu chấm hỏi về trách nhiệm và vai trò của các cơ quan chức năng nói trên?!