Trích phần trăm hoa hồng
Ngày 28/9/2015, ông Nguyễn Đình Thảng, Hiệu trưởng Trường Văn hóa – Nghệ thuật và Du lịch Quảng Nam (TP.Tam Kỳ) ký công văn về việc phối hợp với Cty Vinaphone Quảng Nam triển khai sử dụng phần mềm - điện thoại sim Vina.
Theo đó, thời gian qua nhà trường thông báo thông tin về thời gian dạy học, sinh hoạt và những quy định khác cho cán bộ, viên chức, giáo viên (CBVCGV) và học sinh, sinh viên (HSSV) qua hình thức văn thư, văn bản. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng việc theo dõi, nắm bắt của CBVCGV và HSSV khó khăn, nhất là những thông báo thông tin đột xuất, không thể thực hiện kịp thời.
Để khắc phục những hạn chế trên, Cty Vinaphone Quảng Nam hỗ trợ và giúp trường phần mềm để thông báo thông tin về công tác tuyển sinh, đăng tải lịch học hàng tuần, thời gian các lần sinh hoạt, các hoạt động ngoại khóa, công khai kết quả học tập - rèn luyện, khen thưởng... và những thông tin đột xuất khác đến cán bộ giảng viên và học viên trường thông qua điện thoại – sim Vina. Trường đề nghị CBVCGV và HSSV các lớp tham gia sử dụng sim Vina để triển khai và thực hiện các loại thông báo thông tin nói trên.
Cụ thể, Cty Vinaphone Quảng Nam sẽ bán cho mỗi CBVCGV và HSSV một sim Vina giá 15.000 đồng. Cty trích cho lớp 30%, còn 70% chi lại cho trường để hỗ trợ HSSV nghèo vượt khó. Từ ngày 12/10/2015, trường đăng tải các loại thông báo thông tin nội bộ qua điện thoại - sim Vina.
“Đề nghị CBVCGV và HSSV đăng ký thực hiện”! Đối với HSSV, ông Thảng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lập danh sách lớp và gửi về Phòng Tổ chức hành chính tổng hợp. Riêng CBVCGV cũng liên hệ Phòng này để đăng ký. Thời gian đăng ký từ ngày 28 đến hết buổi sáng ngày 30/9/2015.
Cạnh tranh không lành mạnh?
Trả lời chúng tôi về việc yêu cầu học sinh, giáo viên dùng sim Vina của Cty Vinaphone Quảng Nam, Hiệu trưởng Thảng nói: “Cty Vinaphone Quảng Nam có đến giới thiệu, hỗ trợ và cài đặt cho trường một phần mềm nhằm giúp trường làm công tác tuyển sinh và quản lý các công tác khác như dạy học... Nói chung đây là cách đổi mới. Tôi thấy việc này có lợi cho trường nhưng Vinaphone Quảng Nam yêu cầu muốn sử dụng phần mềm này phải sử dụng sim Vina. Vậy là mình thống nhất với Vinaphone Quảng Nam để triển khai cho cán bộ, giáo viên và học sinh, nhưng thực tế mình không bắt buộc”.
Theo vị này, trường chỉ vận động học sinh đăng ký, còn cán bộ, giáo viên thì tự giác đăng ký để trường thông báo những thông tin đó. Với những học sinh ở xa, khi đăng ký dùng sim Vina sẽ thuận lợi khi nhận được thông báo của trường về tin đột xuất, như bão lụt. “Tôi thấy có lợi cho học sinh nên vận động các em đăng ký dùng sim Vina” – ông Thảng nói.
Đề cập chuyện lâu nay nhiều học sinh, giáo viên đã quen dùng sim MobiFone, Viettel, ông Thảng cho rằng: “Các em học sinh lâu nay đã dùng sim Mobi, Viettel mà không muốn dùng sim Vina vẫn nhận được thông báo của trường nhưng trường phải mất 300 đồng cho một tin nhắn ngoại mạng. Hiện đã có hơn 50% học sinh đăng ký sử dụng sim Vina. Cán bộ, giáo viên nào dùng điện thoại 2 sim, cố gắng dùng một sim Vina nữa để dễ dàng quản lý việc học tập của học sinh hơn”.
Về câu chuyện trích “hoa hồng” gây xôn xao dư luận, ông Thảng giải thích: “Phía Vinaphone Quảng Nam sẽ cho trường sử dụng số tiền 15.000 đồng này để trường cho lại mỗi học sinh đăng ký dùng sim Vina 5.000 đồng để làm quỹ lớp, ví dụ lớp 40 học sinh có 30 em đăng ký thì lớp ấy sẽ có 150.000 đồng tiền quỹ lớp. 10.000 đồng còn lại, trường dùng để làm quỹ hỗ trợ cho học sinh nghèo vượt khó chứ trường hoàn toàn không đụng đến 15.000 đồng này”.
Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi, nhiều học sinh cho rằng nếu dùng sim Vina thì khi hết tiền khuyến mãi, người dùng cũng phải mất thêm tiền mua thẻ nạp vào. Bản chất của câu chuyện “hỗ trợ” này cũng chỉ là chiêu thức kinh doanh, phát triển thuê bao của nhà mạng mà thôi.
Đây không phải lần đầu các nhà mạng Việt Nam dùng chiêu “vận động” các cơ quan, đoàn thể sử dụng dịch vụ của mình. Trước đó, PLVN từng đề cập câu chuyện “sim bò” đình đám của Viettel.