Theo đó, Bộ tiêu chí áp dụng cho các thành viên gia đình theo Khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, bao gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, anh, chị, em nuôi; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại, cháu nuôi; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.
Trong bộ tiêu chí, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng người dân về sự cần thiết của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong việc xây dựng một lối sống lành mạnh, gia đình tiến bộ, hạnh phúc, từ đó thúc đẩy tính tự giác, nhiệt tình tham gia hoạt động và thực hành các tiêu chí ứng xử nói trên.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, cổ động trực quan, không gian mạng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, thông qua các cuộc thi, hội hoạ, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ và các hình thức mới thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, các gia đình, thành viên trong gia đình.
Tập trung tuyên truyền vào các dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (tháng 11).
Tổ chức phát động đăng ký và đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Lồng ghép và gắn Bộ tiêu chí với các tiêu chuẩn xét tặng gia đình văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ; tổ chức các hoạt động tuyên truyền Bộ tiêu chí đối với đối tượng học sinh để nâng cao nhận thức trong việc ứng xử đúng mực với ông bà, cha mẹ, anh, chị, em.
Bố trí, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí cho hoạt động triển khai thực hiện Bộ tiêu chí, ưu tiên vùng nông thôn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, cần tổ chức khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí; khen thưởng, biểu dương gương gia đình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.
Kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo chuyên đề hoặc lồng ghép trong hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác gia đình.
Tổng kết, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giai đoạn 2022 - 2025. Thông qua Kế hoạch nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.
Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.