Trở về là đối diện với mẹ cha
Có lẽ câu chuyện ấn tượng nhất với phóng viên là lời chia sẻ của một cô gái trẻ thế hệ đầu 9X vốn là một du học sinh trở về từ nước Úc. Hơn 10 năm học tập tại đất nước kanguru, vốn tiếng Việt của cô gái đã bị bào mòn khá nhiều, đến nỗi quá nửa mỗi câu nói của mình cô phải diễn đạt bằng tiếng Anh, còn tiếng Việt cũng được phát âm bằng chất giọng lơ lớ.
“Trở về nhà với tấm bằng xã hội học xuất sắc, em mong muốn được làm việc đúng nghề, được đóng góp, nhưng cha mẹ đã xin cho em vào làm ở một nhà xuất bản khá danh tiếng. Ở đây em được phân công công việc dịch sách chính trị từ Anh sang Việt.
Vốn tiếng Việt em đã kém, hiểu biết về chính trị lại càng kém hơn, nên công việc thực sự là nỗi kinh hoàng của em mỗi ngày. Em có thử nói với cha mẹ, nhưng họ không đồng ý cho em chuyển việc với lý do đó là chỗ làm tốt, người khác mơ không được, phụ nữ cần làm việc ổn định… Em không biết làm sao để thuyết phục cha mẹ để “cứu” mình, “cứu” luôn cả những năm tháng học tập miệt mài của mình ở xứ người không vô ích…”.
Ở một câu chuyện khác, Mai Lan Vân du học sinh Anh, nằm trong danh sách Forbes 30 Under 30 2016 vinh danh những doanh nhân, nhà lãnh đạo, ngôi sao dưới tuổi 30 của Tạp chí Forbes chia sẻ: “Có một khoảng thời gian mình không biết bạn thật sự muốn gì, nên làm gì. Bố mẹ lúc nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho những đứa con của mình. Ừ đúng rồi nhưng điều tốt nhất ấy nhiều lúc lại không phải là điều con cái thật sự đam mê. Gia đình mình cũng vậy, bố mẹ luôn mong mình sẽ làm cho một tập đoàn lớn, có một cuộc sống ổn định.
Sau bao cuộc thảo luận, chứng kiến bố mẹ buồn phiền, lo lắng, mình đồng ý sẽ thử sức với các công ty lớn. Với kiến thức bốn năm ròng rã đi du học, lại thêm áp lực từ gia đình và một chút may mắn, mình cũng có được lá thư mời làm việc tại một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới.
Cộng sự tốt, công việc tốt, lương tốt, môi trường cũng tốt, nhưng... sao không thật sự hạnh phúc? Sau một thời gian đi làm, một sáng mình thức dậy, và đầu óc uể oải suy nghĩ “lại phải đi làm...” Tại sao “lại phải”? Tuổi trẻ đâu có quá dài, nếu nó cứ tiếp tục như thế này thì sẽ đến bao giờ?”.
Nuôi con đi du học, giang tay đón con trở về, cha mẹ nào cũng muốn những “cánh chim” của mình làm nên chuyện. Nhưng “làm nên chuyện” trong tư duy của cha mẹ lại khác hoàn toàn với “làm nên chuyện” trong mắt những người trẻ. Và cũng từ đó “xung đột” bắt đầu. Có nước mắt, có nụ cười, có chấp nhận, có cố chấp…, và đó thực sự là áp lực vô hình nhưng vô cùng nặng nề với những du học sinh.
Nhưng không phải không có thuốc hóa giải. Sau nhiều ngày tự đặt câu hỏi cho chính mình Mai Lan Vân đã quyết định nói chuyện với bố mẹ: “Con có thể làm được, hãy cho con cơ hội”. Startup bé nhỏ mà Mai Lan Vân đang gây dựng với những người cộng sự là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới ở Việt Nam, khó thuyết phục được những người lớn tuổi.
Nhưng với sự quyết tâm, những lập luận và đam mê của đứa con gái bướng bỉnh đang ngồi trước mặt, bố mẹ Mai Lan Vân cuối cùng cũng đồng ý cho con mình thử sức và cắt mọi viện trợ . Tin vui là tháng 5 vừa rồi khi startup bé nhỏ ấy của cô gái Mai Lan Vân đã được vinh danh trong Forbes Summit 2016.
Không dễ dàng như Vân, Quỳnh Nguyễn du học sinh Pháp hiện đang là CEO Chez Muguet kinh doanh khăn lụa Việt Nam cho biết, cô đã từng khóc liên tục từ tối tới 2h sáng trong một năm trời, không đi khám nhưng cô nghĩ giai đoạn đó mình như bị trầm cảm nặng vì phải nghe những lời nhận xét của người xung quanh.
“Thế rồi tôi nghĩ bố mẹ không sai khi mong muốn con cái hạnh phúc, mình cũng không sai khi mưu cầu hạnh phúc cá nhân, khó ở chỗ quan điểm hạnh phúc của mình khác với quan điểm hạnh phúc của bố mẹ thôi. Và thế là tôi bắt tay vào việc thay đổi nó từng ngày, từng chút một. Vất vả, nhưng cuối cùng cũng thành công” - Quỳnh Nguyễn cho biết.
Nếu trở về, chúng ta sẽ thuộc về đâu?
Đó là câu hỏi mà nhiều du học sinh đã trở về cũng như đang còn học tập ở xứ người đều quan tâm. Bởi, ai cũng biết rằng, về đồng nghĩa với đón nhận sự khác biệt, về đồng nghĩa phải chịu đựng những cú sốc từ văn hóa đến tư duy. Thậm chí về đồng nghĩa với đối diện với định kiến, tị ganh…
Lê Đào Ánh Ngọc du học sinh – Beauty Blogger Cin City chia sẻ: "Mình hòa nhập khá là khó vì ở Việt Nam còn nặng về phong kiến, truyền thống, những cái mới thường khá chậm mới được chấp nhận. Ví dụ như mình làm YouTube channel thì nhiều lúc dùng tiếng Anh.
Ở các nước Châu Á khác như Thái Lan, Singapore, các blogger của họ cũng dùng tiếng Anh để mang tính tương tác quốc tế và người xem rất cởi mở với chuyện đó. Ở Việt Nam, thì thậm chí tiếng Anh đã được đưa vào chương trình cấp 1 rồi, đúng không? Nhưng mình không hiểu tại sao mình nói tiếng Anh lại bị chửi. Đúng nghĩa là chửi luôn vì rất khiếm nhã. Kiểu chửi như là mất gốc rồi này nọ. Mình không phải là nói tiếng Việt lẫn tiếng Anh, hay giả bộ quên mất tiếng Việt.
Tiếng Việt của mình vẫn hoàn hảo. Mình nói tiếng Anh thì hoàn toàn sử dụng tiếng Anh luôn chứ không trộn lẫn. Mình không coi ngôn ngữ là rào cản. Ngôn ngữ nên là cánh cửa để các nền văn hóa giao thoa, tại sao chúng ta phải tự đóng cánh cửa đó lại?".
Với Nguyễn Lê Hương Quỳnh du học sinh Mỹ hiện đang là giảng viên Everest Education về Việt Nam đồng nghĩa với việc tất cả mọi thứ từ cách ăn, mặc, đi, đứng, nói, cười, đến cả suy nghĩ đều có một khuôn khổ nhất định.
Bên cạnh đó là những định kiến về phụ nữ vẫn chưa được nới lỏng. Nguyễn Lê Hương Quỳnh cho biết: “Rất nhiều lần khi mình chia sẻ: “Ồ, có thể con sẽ đi học tiếp lên thạc sỹ” thì rất nhiều người lớn đều can “Thôi thôi con ơi, lấy chồng đi đã, lấy chồng đi chứ 25 rồi, lấy chồng rồi muốn đi đâu học thì học, học như thế ế thì sao?” Cứ nghe đi nghe lại cái điệp khúc ấy thì dần dần, dù muốn dù không, mình cũng nhiễm cách suy nghĩ và tư tưởng nên an phận”.
Sự thực mà nói cơ quan nhà nước cũng là một nỗi ám ảnh đối với nhiều du học sinh. Mức lương thấp chỉ là một phần, cùng với đó là sự ì trong tư duy, trong cách làm việc và thói quen xét nét, soi mói nhau thay vì cùng hợp tác làm việc nhóm đã khiến các du học sinh ngại ngần, thậm chí hoảng sợ…