“Quả đấm thép” đối phó dòng người di cư

Châu Âu vẫn chưa thoát khỏi áp lực từ dòng người di cư
Châu Âu vẫn chưa thoát khỏi áp lực từ dòng người di cư
(PLO) - Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận thành lập một Lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới mới có thể can thiệp vào các nước ở vị trí “tiền tuyến” như Hy Lạp và Italia nhằm hạn chế dòng người di cư. 

Đây được coi là một phần chủ chốt trong chiến lược của EU nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Vấn đề nan giải

Năm 2015, cả châu Âu đã “choáng váng” trước cuộc khủng hoảng người di cư nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm qua, với hơn một triệu người tị nạn, trong đó phần lớn đến từ Syria, Libya, Iraq và một số nước khác ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi. 

Trong khi Lục địa già còn chưa hết “bàng hoàng”, hàng nghìn người di cư vẫn tiếp tục hành trình bất chấp những hiểm nguy trên biển khơi hay băng qua các vùng chiến sự ác liệt để đến với “miền đất hứa” châu Âu trong năm 2016. Họ chấp nhận đánh cược mạng sống vào tay những kẻ buôn người với mức giá từ 7.000-8.000 euro cho hành trình vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Nhưng không phải ai trong số họ cũng may mắn thực hiện được hành trình “giấc mơ đến châu Âu”.

Theo thống kê trong “The Migrants Files” (Hồ sơ tị nạn) của Nhóm các nhà báo từ hơn 10 nước châu Âu, đã có 1.473 người đã phải bỏ mạng trên đường tới “miền đất hứa” châu Âu trong năm 2015. Còn tính riêng từ đầu năm 2016 tới nay, số người chết đã lên tới 1.134 người. 

Mới đây nhất, ngày 26/5/2016, khoảng hơn 500 người di cư đã thiệt mạng khi chiếc tàu cá chở họ bị lật úp ở ngoài khơi Libya, cách nơi gần nhất của bờ biển nước này 35 hải lí. Đây được coi là một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng người di cư cách đây gần hai năm. 

Thách thức của cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu gia tăng đột biến đã tác động tới nhiều lĩnh vực, không chỉ về kinh tế - xã hội, mà còn làm lung lay các giá trị “nhân văn” vốn có đối với Lục địa già và gây chia rẽ nội bộ các quốc gia trong mái nhà chung châu Âu. Không những thế, đối với chính phủ nhiều nước châu Âu, vấn đề người di cư trái phép không chỉ là gánh nặng tài chính mà còn là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Bởi biển Địa Trung Hải được coi là cửa ngõ để người di cư và các phần tử Hồi giáo cực đoan từ Bắc Phi, Trung Đông tìm cách len lỏi vào châu Âu.

Minh chứng rõ nhất đó là loạt vụ xả súng và đánh bom đẫm máu xảy ra tối ngày 13/11/2015 ở thủ đô Paris của Pháp, làm 130 người chết và 350 người khác bị thương, đã trở thành hồi chuông khẩn cấp cảnh báo về sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố nấp sau làn sóng người di cư... Cuộc khủng hoảng người di cư đã khiến nhiều quốc gia ở châu Âu bất lực và đẩy EU vào tình trạng “rối như canh hẹ” trong việc giải quyết vấn đề này.

Kiểm soát đường biên giới

Trước thực trạng trên, trong một nỗ lực nhằm kiểm soát biên giới bên ngoài để bảo vệ sự toàn vẹn của khối Schengen cũng như tăng cường các biện pháp để ngăn chặn dòng người nhập cư đang đổ dồn về Lục địa già, kế hoạch thành lập “Lực lượng biên phòng và tuần tra biển của châu Âu” đã được các nhà lãnh đạo 28 quốc gia EU đưa ra thảo luận từ Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của khối vào tháng 12/2015. 

Lực lượng biên phòng và tuần tra biển của châu Âu bao gồm một lực lượng phản ứng nhanh có thể được triển khai trong trường hợp cần thiết mà không cần sự cho phép của quốc gia thành viên sở tại. Dự kiến, lực lượng mới sẽ có 1.500 quân, có quyền can thiệp vào các nước thành viên EU nếu nhận thấy các nước này không đối phó được hoặc thất bại trong việc bảo đảm an ninh tại biên giới.

Nếu được nghị viện của các nước thành viên thông qua, lực lượng mới này sẽ thay thế cho Cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) và sẽ tiếp tục mở rộng quân số. Chi phí cho lực lượng mới sẽ lên tới 322 triệu euro (tương đương 354 triệu USD) từ nay đến năm 2020. 

Trước thời hạn chót đã định, ngày 22/6, các nhà đàm phán của 28 quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc thành lập Lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới mới có thể can thiệp vào các nước ở vị trí “tiền tuyến” như Hy Lạp và Italia nhằm hạn chế dòng người di cư.

Lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới nói trên là đơn vị được mở rộng về quy mô và nhiệm vụ từ Cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) hiện nay. Dự kiến, lực lượng này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9 tới và hoạt động đầy đủ vào tháng 11/2016 nhằm khôi phục Khu vực tự do đi lại Schengen vốn đang bị ảnh hưởng do một một số nước áp đặt kiểm soát trở lại biên giới vì lo ngại dòng người di cư đổ về. 

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.