“Bẻ gãy” vỉa hè
Nhằm cải tạo, xây dựng đô thị văn minh, lịch sự, UBND phường Đội cấn đã tiến hành tu sửa, nâng cấp một số tuyến đường, hè phố trên địa bàn phường.
Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Huyền Trâm, phố Sơn Tây, cụm 1, phường Đội Cấn, Ba Đình: UBND phường Đội Cấn không những để việc thi công, xây dựng vỉa hè thiếu đồng bộ, gây mất mỹ quan cho khu phố mà còn có dấu hiệu bao che cho các sai phạm trong hoạt động xây dựng.
Cụ thể, theo bà Trâm, trước đây cũng tại ngõ 88/11 phố Sơn Tây vào ngày 28/12/2013 gia đình bà Phạm Thị Nghi từng đưa 4 thanh niên lạ mặt, cư xử thô lỗ như xã hội đen đến chôn 2 chiếc cọc sắt chắn lối đi chung của các hộ dân trong ngõ 88/11 phố Sơn Tây.
Thấy sự việc nguy cấp, bà Trâm đã báo cáo công an xuống hiện trường lập biên bản sự việc, đề nghị phá dỡ công trình trái phép. Tuy nhiên, đêm cùng ngày, gia đình bà Nghi tiếp tục đổ bê tông chôn hai cọc sắt chặn lối đi chung.
Bức xúc trước hành động “vô thiên, vô pháp” của gia đình bà Nghi, bà Trâm đã làm đơn kiến nghị đến UBND phường Đội Cấn. Đến ngày 30/12/2013, UBND phường Đội Cấn đã cử ba cán bộ thanh tra xây dựng đến kiểm tra, đo vẽ.
Tuy nhiên, từ đó cho đến nay đã gần 3 năm nhưng UBND phường Đội Cấn vẫn không giải quyết, khiến lối đi chung của các hộ gia đình trong ngõ 88/11 phố Sơn Tây trở nên bí bách, hạn chế các phương tiện đi lại.
Một số người dân tại đây cũng cho biết thêm rằng, việc gia đình bà Nghi chôn cọc sắt, không chỉ để ngăn cản lối đi chung mà còn lấy đó làm ranh giới, nhằm chiếm đoạt phần đất ngõ 88/11 phố Sơn Tây.
Đặc biệt, việc xây dựng vỉa hè tiếp tục bị căn chỉnh, nắn bóp vỉa hè cong mềm mại tránh nhà bà Nghi đang khiến dư luận nơi đây đặt ra nghi vấn: phải chăng có điều khuất tất mà UBND phường không những bao che, dung túng sai phạm của gia đình bà Nghi mà còn làm cong vỉa hè để tránh va chạm?
Theo nghi vấn của một số người dân trong khu phố, việc chính quyền địa phương bao che cho gia đình bà Nghi khả năng là do “cả nể” con trai bà Nghi là ông Ngô Vi An, phó trưởng phòng PC50 – Công an TP Hà Nội. Chính vì thế, những bức xúc của bà Trâm cũng như các hộ dân khác trong khu phố đã kiến nghị lên phường nhiều lần nhưng không có ai xuống giải quyết, bỏ mặc sự việc.
Vỉa hè trên bị uốn cong để né một căn nhà tại ngõ 88/11 phố Sơn Tây, phường Đội Cấn khiến vỉa bị cong gấp khúc, phình xuống lòng đường |
Né tránh bằng cách chặn số điện thoại của phóng viên?
Để rộng đường dư luận, phóng viên đem những vấn đề nêu trên đến UBND phường Đội Cấn tìm câu trả lời. Sau khi xuất trình các giấy tờ tác nghiệp, Chánh văn phòng UBND phường Đội Cấn đề nghị phóng viên cho biết nội dung làm việc, thông tin liên lạc để sắp xếp thời gian, lãnh đạo chuyên môn cũng như tài liệu cần thiết để giải đáp các nội dung mà người dân đang thắc mắc.
Sau khi liên lạc với lãnh đạo phường, chánh văn phòng cho biết lãnh đạo phường sẽ trao đổi về nội dung này với phóng viên vào sáng thứ 6 (ngày 5/8).
Ngày mùng 3/8/2016 một nhân viên văn phòng UBND phường Đội Cấn gọi điện thoại cho phóng viên cung cấp số điện thoại của ông Vũ Đại Thắng – Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn, người sẽ làm trao đổi thông tin với phóng viên.
Đồng thời, đề nghị phóng viên trao đổi nội dung cụ thể với đồng chí Thắng để tiện cho việc cung cấp thông tin. Ngay sau đó, phóng viên đã gọi cho ông Thắng và đề nghị giải đáp về những sự việc “kỳ lạ” đang xảy ra ở phố Sơn Tây.
Ngày 5/8 phóng viên đến trụ sở UBND phường làm việc theo đúng lịch hẹn. Tuy nhiên ông Vũ Đại Thắng không có mặt tại phòng làm việc. Nhấc máy gọi thì điện thoại ông Thắng báo không liên lạc được. Kiên nhẫn ngồi đợi và thực hiện nhiều cuộc gọi sau đó nhưng đều tương tự như trên.
Thắc mắc với văn phòng UBND phường về lịch hẹn, thì được vị chánh văn phòng giải đáp rằng, anh Thắng đang bận tiếp đoàn kiểm tra của Quận. Rồi đề nghị phóng viên liên lạc qua điện thoại với ông Thắng xem sao.
Để rộng đường dư luận, phóng viên tiếp tục đợi chờ ý kiến phản hồi từ phía UBND phường Đội Cấn. Tuy nhiên, nhiều lần sang UBND phường, phóng viên vẫn không nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ đơn vị này.
Ngày 9/8/2016 phóng viên tiếp tục gọi điện thoại cho ông Thắng nhưng mọi nỗ lực liên lạc đều rơi vào tình trạng thuê bao. Nghi ngờ việc ông Thắng đã chặn số điện thoại, phóng viên đã sử dụng một số điện thoại khác gọi cho ông Thắng thì phía đầu dây bên kia đổ chuông và ông Thắng bốc máy.
Trao đổi qua điện thoại, ông Thắng cho biết mình đang đi học trên UBND thành phố, công việc rất nhiều nên chưa cung cấp thông tin cho phóng viên được chứ không phải tránh né. Tuy nhiên, khi phóng viên nói rằng: “Vậy! tại sao anh lại chặn số điện thoại của tôi?” thì ông Thắng không trả lời.
Theo Quyết định số 05/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của thành phố Hà Nội. Tại điểm a, khoản 1 Điều 5, chương II quy định rõ: Người phát ngôn (hoặc người được ủy quyền phát ngôn) có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong trường hợp đột xuất, bất thường sau:
Đối với các vụ việc, vấn đề quan trọng có tác động trong xã hội cần kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho báo chí nhằm công khai, minh bạch hóa thông tin và định hướng dư luận.
Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin trong thời gian chậm nhất là 1 ngày, kể từ khu vụ việc xảy ra.
Còn tại khoản 1, Điều 6, chương II quy định rõ: “Khi có vụ việc, vấn đề xảy ra liên quan đến địa bàn, phạm vi quản lý của mình, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm cung cấp thông tin ban đầu theo thẩm quyền và báo cáo UBND quận, huyện, thị xã”.
Như vậy, UBND phường Đội Cấn không những né tránh, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của phóng viên mà còn vi phạm các quy định của UBND TP Hà Nội.
Pháp luật và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.