Ngày 30/12, phiên xét xử vụ phúc thẩm vụ án Huyền Như lừa đảo bước sang phần đối đáp giữa các luật sư với đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố. Luật sư Nguyễn Văn Trung đưa ra cảnh báo: Các công ty đừng vội mừng vì nếu điều tra lại, rất có thể còn có ACB thứ hai. Đồng thời, Luật sư Trung cho rằng nếu xử lý theo quan điểm của Viện Kiểm sát thì: Chẳng lẽ các bên cứ giao dịch ngầm với Huyền Như, rồi khi xảy ra rủi ro thì VietinBank phải chịu trách nhiệm?
Đừng vội mừng
Ngay đầu giờ sáng, không khí phiên tòa đã nóng lên bởi Luật sư Nguyễn Văn Trung bắt đầu phản biện với những lập luận cứng rắn.
Luật sư Trung nói: Về sai phạm của ACB, tôi thấy không cần thiết phải đối đáp vì đã được chứng minh bởi bản án có hiệu lực pháp luật. Đáng lý ra, cần phải yêu cầu khởi tố các ngân hàng kia (Navibank).
Đặc biệt, điều mà Luật sư Trung cho rằng khá quan trọng khi mà luật sư bên ACB nêu ra là ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại nhiều ngân hàng khác và thu lợi rất lớn. Tại tòa, Luật sư Trung khẳng định: Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề cần lưu ý xem xét lại. Cụ thể là ACB đã gửi ở đâu nữa, thu lợi bất chính bao nhiêu nữa. Cần xem xét, điều tra làm rõ nếu thu lợi bất chính thì xung công quỹ khoản tiền thu lợi bất chính này.
Luật sư Trung cũng khẳng định đại diện Viện Kiểm sát đã xác nhận rằng Viện Kiểm sát chỉ đề nghị chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo, hủy một phần bản án sơ thẩm chứ ko phải đề nghị HĐXX chấp thuận yêu cầu của các công ty được bồi thường.
Luật sư Trung cảnh báo: Các công ty đừng vội mừng. Vì có thể khi điều tra, chẳng những các công ty không đòi được tiền mà còn trở thành ACB thứ hai.
Viện Kiểm sát ủng hộ giao dịch ngầm?
Phản biện các ý kiến của Viện Kiểm sát, Luật sư Trung cho rằng chính Viện Kiểm sát cũng đã xác định trước khi mở tài khoản (TK), các công ty đã bị Huyền Như dẫn dụ. Viện Kiểm sát cũng thừa nhận hành vi trước là tiền đề của hành vi sau. Vì vậy cần đi sâu phân tích bản chất sự việc. Thế nhưng khi phân tích, Viện Kiểm sát chỉ tập trung phân tích về mặt hình thức, mà không chú trọng đến việc họ mở TK làm gì, sử dụng TK thế nào, sao lại phó thác cho Huyền Như.
Cách thức chiếm đoạt tiền ngân hàng và doanh nghiệp của Huỳnh Thị Huyền Như -Đồ họa: V.Cường - Ảnh: T.Thắng |
Đặc biệt, Viện Kiểm sát cũng xác định VietinBank không biết và không thể biết nội dung thỏa thuận ngầm này. Chính vì không biết, nên trách nhiệm pháp lý của VietinBank giới hạn. Nhưng, Viện Kiểm sát lại cho rằng dù biết hay không biết, VietinBank vẫn phải chịu trách nhiệm với nguyên đơn dân sự.
“Xử lý thế này, khác gì các nguyên đơn cứ giao dịch ngầm với Huyền Như. Khi có hậu quả do lỗi của mình gây ra thì VietinBank chịu trách nhiệm tất” - Luật sư Trung nhấn mạnh.
Hủy án là vượt quyền
Về vấn đề liên quan đến Maritime Bank, Viện Kiểm sát cho rằng các ngân hàng này chỉ là pháp nhân độc lập, không liên quan trong phạm vi phúc thẩm. Tuy nhiên, Luật sư Trung cho rằng trong hồ sơ vụ án, kết quả thẩm vấn, 2 ngân hàng này không khác gì với Navibank và ACB. Chỉ có điểm khác là ủy thác cho công ty thay vì cho cá nhân. Thực chất đây là nguồn tiền của 2 ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã có các công văn nêu rõ 2 ngân hàng này vi phạm quy định pháp luật. Vì thế, chí ít 2 ngân hàng này cũng phải là người có quyền lợi liên quan.
Luật sư Trung nói: Nếu không liên quan, sao cơ quan điều tra có quyết định tách ra để điều tra xử lý. Nếu không xem xét trách nhiệm của 2 ngân hàng này là không làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Ngoài những phản biện trên, Luật sư Trung còn cho rằng Viện Kiểm sát đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm là không phù hợp. Bởi lẽ theo Điều 250 Bộ luật Hình sự thì chỉ hủy án xét lại khi án sơ thẩm điều tra không đầy đủ, cấp phúc thẩm không điều tra được. Nhưng vụ án này đã được điều tra làm rõ.
“Do đó việc Viện Kiểm sát đề nghị hủy một phần đề điều tra lại; buộc Huyền Như phạm tội tham ô; buộc VietinBank bồi thường… là đã vượt quá thẩm quyền của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao” - ông Trung khẳng định.
Từ lập luận này, Luật sư Trung đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn dân sự và giữ nguyên án sơ thẩm.