Đó là nội dung vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” mà bà Lê Thị Hoài Thương (SN 1975, ngụ Ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc) là nguyên đơn. Một vụ việc hy hữu khi bà Thương có quyền sử dụng 2 thửa đất nhưng lại không có quyền định đoạt, cụ thể, thửa thứ nhất thì cha bà “thay mặt” chuyển nhượng cho người khác, còn thửa thứ hai chính quyền không thừa nhận tồn tại dù bà được cấp, sử dụng, thực hiện các nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật. Từ có quyền sử dụng đất, đến nay, bà Thương bỗng trở thành người có nguy cơ mất trắng tài sản… vì những lý do hy hữu, đầy trớ trêu nêu trên.
Đi vắng về mất đất!
Sự việc như sau, năm 1994, bà Thương mua lại thửa đất diện tích hơn 5000m2 của vợ chồng ông Nguyễn Xuân Hợp (bao gồm thửa đất 124, diện tích là 2.900m2 và thửa đất 134, diện tích là 2.200m2, đều thuộc tờ bản đồ số 02) tọa lạc tại ấp Cây Thông Trong (xã Cửa Dương, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số I00675/QĐ190/PQ, ngày 23/01/1994.
Hai thửa đất có ranh giới rõ ràng, hướng Đông Giáp đất bà Hai Miên, hướng Nam giáp lộ lớn Cây Thông Trong, hướng Tây và Bắc giáp Suối. Sau khi nhận chuyển nhượng, theo gia đình bà Thương, có trồng trọt trên đất và khai phá thêm để sử dụng nên tổng diện tích là hơn 7000m2.
Đến năm 1997, do hoàn cảnh gia đình gặp biến cố, bà Thương phải đi xa một thời gian nên cha bà Thương là đã tự ý viết giấy tay chuyển nhượng cho bà Hồ Thị Duyên (SN 1969, tổ 9, ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) diện tích đất 2.900m2, thuộc thửa đất 124, bà Duyên cũng đồng thời chiếm dụng và sử dụng luôn cả diện tích còn lại là 2.200m2.
Sau này, bà Thương nhiều lần khẳng định cha bà không được quyền định đoạt tài sản nêu trên, nên hợp đồng mua bán là vô hiệu và yêu cầu bà Duyên phải trả lại quyền sử dụng toàn bộ thửa đất. Tuy nhiên, bà Duyên cho rằng, hợp đồng mua bán đã hoàn thành, sử dụng ổn định nhiều năm nay, phù hợp các quy định của pháp luật nên bà Thương không còn quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến thửa đất gia đình bà đang sử dụng.
Không đồng tình với ý kiến trên, bà Thương đã liên tục gõ cửa khắp các cơ quan chức năng để đòi và bảo vệ quyền lợi của mình.
Mảnh đất đang tranh chấp giữa Lê Thị Hoài Thương và bà Hồ Thị Duyên. |
Từ đó, đã hơn 1 thập kỷ trôi qua, trải qua nhiều cấp tòa, nhiều lần xét xử, vụ việc được lật đi, lật lại mà chưa đến hồi kết vì vẫn còn nhiều điểm bất thường..., đặc biệt, trong việc xác định nguồn gốc và vị trí đất, là căn cứ chính giải quyết vụ án còn nhiều mâu thuẫn.
Trong đó, tình tiết đáng chú ý là tòa công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất nêu trên là hợp pháp, đồng thời, không công nhận thửa đất còn lại (số 134, diện tích 2.200m2, đã cấp GCNQSDĐ) của bà Thương tồn tại trên thực tiễn. Mặc dù, ngoài diện tích 2.900m2 ban đầu đã mua, hộ bà Duyên hiện nay đang sử dụng dư hơn 5000m2 khác, trong đó, được cho là bao gồm cả 2.200m2 đất của bà Thương vẫn còn nằm trong đó.
Cụ thể, tại bản án (số 120/2021/DS-PT, ngày 16/07/2021) của TAND tỉnh Kiên Giang cho rằng: Theo hồ sơ đo đạc năm 1992, thì thửa đất 124 và 134 không tiếp giáp nhau, căn cứ theo giấy chuyển nhượng cho bà Duyên năm 1997, cha của bà Thương cũng nêu rõ mảnh 134 đang tranh chấp. Tại CV số 384/UBND-NCPC ngày 17/05/2021 (CV 384) của UBND huyện Phú Quốc cũng xác định, thửa 124 và thửa 134 nằm ngăn cách bởi 1 con đường lộ, hơn nữa, khi cấp GCNQSDĐ thì mảnh 124 được ghi chú “chính thức”, còn thửa 134 không thể hiện. Thế nên, Tòa nhận định thửa đất 134 không có thật trên thực tế sử dụng, nên có sự nhầm lẫn diện tích trên GCN và diện tích đất thực tiễn.
Do đó, bà Thương có không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến thửa đất, kể cả diện tích dư hơn 5000m2 gia đình bà Duyên đang sử dụng ổn định. Như vậy, tới thời điểm này, bà Thương mất trắng quyền lợi liên quan đến toàn bộ thửa đất của mình.
Thửa đất biết đi?
Vậy câu hỏi đặt ra là thửa đất số 134 đã biến đi đâu mất? Thứ nhất, dựa trên lời chứng của người khai phá cần phải khẳng định 2 thửa đất nêu trên là có thật, tiếp giáp nhau, trước khi chuyển nhượng cho bà Thương, vợ chồng ông Hợp đã canh tác trồng trọt trên đó, một số nhân chứng khác, cũng đã khẳng định việc này. Khi thực hiện chuyển nhượng, bà Thương hoàn thành các thủ tục, thuế, phí… được cơ quan chức năng công nhận.
Còn đối với diện tích dư hơn 5000m2 gia đình bà Duyên đang sử dụng được khẳng định là do khai phá, không bao gồm cả thửa 134 (vì lập luận cho rằng thửa 134 ở một vị trí khác), căn cứ Công văn 250/CV-UBND, năm 2020, của UBND xã Cửa Dương (BL290) đã xác định: “Bà Duyên không có khai phá thêm diện tích đất, giấy nộp thuế thể hiện ông Hợp nộp thuế hai thửa đất, nên xác định 2 thửa đất nằm liền kề nhau là có căn cứ. Bà Thương bán đất cho bà Duyên đã thể hiện hết tứ cận, nên cho rằng bà Duyên tự khai phá là không có căn cứ”.
Hơn nữa, căn cứ vào lời khai của các nhân chứng, trong đó, có ông Lê Hoàng Sơn (là chủ đất khai phá đầu tiên) đều khẳng định hai thửa đất liền kề, có tứ cận rõ ràng. Bản thân bà Duyên tại các phiên tòa khác cũng không xuất trình được tài liệu nào chứng minh đã khai phá ngoài diện tích đã mua của bố bà Thương. Vì thế, thửa đất không thể tự nó mất đi.
Một khía cạnh khác, UBND xã Cửa Dương và UBND huyện Phú Quốc có trách nhiệm trong việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ trước khi cấp Giấy chứng nhận cho ông Nguyễn Xuân Hợp nhưng có thể đã không làm hết trách nhiệm được pháp luật quy định dẫn đến có sai sót trong việc xác định vị trí, ranh giới của thửa đất số 134, cụ thể:
Tại mục 3, trang 5 của Bản án Dân sự sơ thẩm số 32/2020/DS-ST, ngày 23/09/2020, Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc đã ghi nhận lời khai của ông Hợp: “Hai thửa đất nằm trên một vùng đất liền kề, giáp ranh nhau, có tứ cận: Nam giáp lộ, Đông giáp Hai Miên,Tây và Bắc giáp suối. Tháng 6/1994 vợ chồng tôi chuyển nhượng cho Lê Thị Hoài Thương toàn bộ diện tích đất trên...” và tại giấy làm chứng ký ngày 15/4/2021, ông Nguyễn Xuân Hợp cũng xác định đã bàn giao toàn bộ đất và cây trồng.
Như vậy, ông Hợp đã khẳng định rõ thửa đất còn lại của gia đình bà Thương (thửa 134) nằm liền kề và giáp ranh với thửa đất mà cha bà Thương đã chuyển nhượng cho bà Duyên, có tứ cận như đã nêu. Đồng thời, trong giấy chuyển nhượng cho bà Duyên cũng không ghi rõ vị trí, ranh giới của thửa đất.
Vì vậy, căn cứ nào để khẳng định vị trí đất bà Duyên đang sử dụng hiện nay là thửa 124, không loại trừ là thửa 134 thì sao? Rất tiếc qua nhiều cấp tòa chỉ đều chưa làm rõ, mà chỉ mặc định thửa đất bà Duyên đang sử dụng chính là thửa 124.
Từ đó cũng cho thấy bà Thương đã nhận chuyển nhượng phần đất diện tích 5.120m2 liền thửa, có thể không phải nằm ngăn cách nhau bởi đường liên thôn ấp Cây Thông Trong theo ý kiến của UBND thành phố Phú Quốc tại Công văn số 384/UBND-NCPC, ngày 17/05/2021.
Mảnh đất (sau lưng bà Thương) "biết đi sang đường"? |
Cụ thể, tại Công văn số 384, UBND TP Phú Quốc cho rằng: “Tại sơ đồ 14, tờ bản đồ số 02, thửa đất 134, diện tích 2.200m2, ấp Cây Thông Trong xã Cửa Dương, TP. Phú Quốc đứng tên Nguyễn Xuân Hợp thể hiện có hai cạnh tiếp giáp thửa 135, đứng tên Nguyễn Văn Thụy, hai cạnh còn lại giáp đường và đất nhà nước quản lý. Tuy nhiên, vị trí đất nêu trên do ông Nguyễn Văn Thụy và bà Trần Thị Mực sử dụng từ năm 1980 đến nay”; “Thực tế từ trước thời điểm được UBND huyện Phú Quốc cấp giấy chứng nhận đến nay ông Hợp chưa sử dụng thửa đất này (tức thửa 134)”.
Những ý kiến này thể hiện có dấu hiệu vô lý và thiếu trách nhiệm, bởi nó hoàn toàn bỏ qua lời khai của những chủ sử dụng đất đầu tiên và nhân chứng khác, đặc biệt, ông Hợp đã sử dụng thực trên hiện trạng.
Vậy, UBND huyện Phú Quốc cấp đất như thế nào? Từ một thửa đất được sử dụng liền thửa, có căn cứ, ranh giới rõ ràng bỗng “biết đi” qua đường đè vào thửa đất của người khác, rồi sau đó không được công nhận?
Vì theo giải thích của UBND TP Phú Quốc thì thửa 134 “thể hiện có 2 cạnh tiếp giáp thửa 135, đứng tên ông Nguyễn Văn Thụy, hai cạnh còn lại tiếp giáp đường và đất công nhà nước quản lý”. Tuy nhiên, vị trí này lại do ông Thụy đã sử dụng từ năm 1980.
UBND Phú Quốc đưa ra dẫn chứng theo sơ đồ 14 được đo đạc vào năm 1992, theo Chỉ thị số 14/CT-UB, ngày 20/08/1992 của UBND tỉnh Kiên Giang, trong khi đến ngày 11/06/1994, ông Hợp mới được cấp GCNQSDĐ. Hơn nữa, chính trong công văn này, UBND TP Phú Quốc cũng thừa nhận việc “thất lạc” hồ sơ lưu trữ nên không có cơ sở trả lời tòa về trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ cho thửa đất của ông Hợp. Đến đây, sự bất thường đã lên đỉnh điểm.
Và đây là căn cứ để TAND tỉnh Kiên Giang để đưa ra nhận định: “Thửa đất số 134 theo GCNQSDĐ của ông Hợp là thửa đất không có thật trên thực tế sử dụng, bà Thương và ông Hợp có sự nhầm lẫn trong việc giao dịch chuyển nhượng diện tích đất theo GCNQSDĐ và diện tích thực tế”.
Vậy là, một thửa đất được khai phá sử dụng, xác định rõ ranh giới, có “giấy trắng mực đen” công nhận quyền sử dụng đất bỗng… sau một “nốt nhạc” trở thành hư không. Trong khi, một mảnh đất không có giấy tờ chứng minh khai phá, không xác định vị trí ranh giới lại được công nhận quyền sử dụng.
Con voi có thể chui lọt lỗ kim?
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định nội dung trả lời của Ủy ban Nhân dân Thành phố Phú Quốc tại công văn số384/UBND-NCPC ngày 17 tháng 05 năm 2021 không thể được xem là chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án bởi vì các nội dung còn mâu thuẫn, về việc xác định vị trí, nguồn gốc đất, bộc lộ sự bất cập trong quản lý của chính quyền địa phương.
Việc tòa án các cấp không nghiên cứu kỹ lưỡng tính xác thực của các văn bản trên mà lại sử dụng chúng như những chứng cứ đã khiến cho kết luận trong hàng loạt bản án hoàn toàn không phù hợp với những tình tiết khách quan trong vụ án làm sai lệch sự thật và gây thiệt hại nghiêm trọng do quyền và lợi ích hợp pháp gia đình bà Thương.