Năm 1976, ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1942, ngụ xã Long Phú huyện Châu Phú tỉnh An Giang) làm đơn xin khai khẩn đất với diện tích 6.000m2 và được UBND huyện Phú Quốc chấp thuận. Sang năm 1977, chưa canh tác gì cả thì ông Lợi xin hồi hương về quê thuộc tỉnh An Giang sinh sống.
Sau khi ông Lợi bỏ đi thì cuối năm 1977 ông Hà Văn Tài (SN 1961 ngụ tại ấp 4 Thị trấn An Thới huyện Phú Quốc, Kiên Giang) đã vào canh tác, mở rộng thêm diện tích mảnh đất này và cất nhà ở ổn định cho đến nay .
Đến năm 1994, tức sau 17 năm bỏ đi thì ông Lợi quay về và được cấp giấy CN QSDĐ cho mảnh đất với diện tích 26.856m2.
Có công không được hưởng?
Năm 1977, khi ông Lợi bỏ đi, ông Tài được chính quyền địa phương cho phép sử dụng mảnh đất này. Trong quá trình sống và canh tác, ông Tài đã bỏ hết thời gian tuổi trẻ của mình vào việc khai phá, trồng trọt và mở rộng diện tích đất từ 6.000m2 ban đầu lên 26.856m2, tạo nên một khu vườn cây ăn trái rộng lớn sầm uất.
Gian truân cực khổ nhưng cuộc sống đói nghèo cứ đeo bám mãi không tha nên năm 1992 ông Tài quyết định xuống biển làm nghề thợ lặn, giao lại mảnh vườn cho ông Hà Văn Năng (SN 1963, ngụ ấp 4, Thị trấn An Thới huyện Phú Quốc, em trai ông Tài) ở nhà trông coi.
Năm 1993, thực hiện Chỉ thị 14 của UBND tỉnh về việc đo đạc tổng thể đất đai, đoàn đo đạc đất đai của xã An Thới ( nay là thị trấn An Thới ) đã đến đo đạc mảnh đất của ông Tài . Do lúc này ông Tài đang đi biển không có ở nhà nên ông Năng đã dẫn đoàn đi đo đạc và đứng tên luôn trong hồ sơ địa chính dùm cho anh trai mình. Diện tích đo đạc năm đó là 26.856m2 .
Ngày 22/03/1994, UBND huyện Phú Quốc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mảnh đất với diện tích 26.856m2. Nhưng trớ trêu thay, người đứng tên trong giấy không phải là ông Hà Văn Năng mà là ông Nguyễn Văn Lợi, người đã bỏ đi 17 năm trước!
Hay được tin dữ, ông Tài bỏ ghe, bỏ biển cùng em trai và cha mình là Hà Văn Phát lặn lội gửi đơn kêu cứu từ Trung ương đến địa phương .
Chờ đợi mỏi mòn!
Ngày 18/5/1998 UBND huyện Phú Quốc ra quyết định số 613/QĐ- UB, công nhận QSDĐ cho ông Lợi 6.000m, số dư còn lại là 20.856m2 thì Nhà nước thu hồi, không công nhận cho ông Tài có công sức gì. Ông Tài (ông Phát đại diện) không đồng ý, gửi đơn lên tỉnh khiếu nại.
Ngày 20/12/1999, Chánh thanh tra tỉnh Kiên Giang ra quyết định số 24 / QĐ- Ttr công nhận việc thu hồi 20.856m2 của UBND huyện Phú Quốc là đúng, điều chỉnh cho ông Phát 3.000m2, ông Lợi 3.000m2 trong tổng số 6.000m2 . Ông Phát không đồng ý, tiếp tục gửi đơn qua UBND tỉnh khiếu nại.
Ngày 13/12/2001, UBND tỉnh ra quyết định số 282 / QĐ- CT điều chỉnh giao toàn bộ 6.000m2 cho ông Lợi sử dụng, ông Lợi có trách nhiệm bồi hoàn cây trồng cho ông Phát theo mức giá quy định ngày 12/06/2000, tổng cộng là 2.750.000đ !
Nhận được quyết định giải quyết của UBND tỉnh, ông Phát thấy trời đất như đảo lộn, quá uất ức nên đã bị lên máu và mất sau đó 10 ngày.
Sau khi cha chết, ông Tài tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan Trung ương nhưng chỉ nhận được thông báo là đã chuyển về UBND tỉnh Kiên Giang xem xét giải quyết.
Cứ như thế , ông Tài lại chờ, rồi lại tiếp tục nộp đơn rồi lại chờ … và đã chờ cho đến nay gần 23 năm rồi nhưng chưa có cơ quan nào giải quyết thỏa đáng .
Công lý sẽ được thực thi?
Sau một thời gian rà soát các nhân chứng cùng những chứng cứ, chúng tôi đã tìm ra được manh mối, cũng như tìm ra được một sự thật của toàn bộ vụ việc.
Trong hồ sơ địa chính đo đạc năm 1993 còn lưu giữ thì mảnh đất này do ông Hà Văn Năng em của ông Tài đứng tên với diện tích 26.856m2 vì lúc đo đạc ông Năng đang ở trên đất.
Tuy nhiên, năm 1994 tên của ông Hà Văn Năng bị bôi và viết chồng lên là tên của ông Nguyễn Văn Lợi! Lục trong kho hồ sơ của Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Phú Quốc, chúng tôi đã tìm thấy bộ hồ sơ của mảnh đất này có dấu tích chỉnh sửa tên trong hồ sơ rất rõ.
Việc chỉnh sửa hồ sơ này chính ông Nguyễn Ngọc Văn nguyên là Trưởng ban địa chính xã An Thới năm đó, nay là Bí thư chi bộ Khu phố 4 – thị trấn An Thới xác nhận trong bản tường trình gửi cho Đảng ủy và UBND thị trấn An Thới:
“Vào khoảng đầu năm 1994 ông Nguyễn Văn Lợi, thường trú tại An Giang có đến Ban địa chính gặp tôi và đưa cho tôi một giấy xác nhận khai khẩn đất do UBND huyện Phú Quốc xác nhận với diện tích 6.000m2, tọa lạc tại Bãi Sao, ấp 4, xã An Thới, tức là mảnh đất ông Hà Văn Năng em của ông Tài đang đứng tên trong hồ sơ địa chính lúc đó …”
Xác nhận của ông Văn trùng khớp với chứng cứ chúng tôi tìm thấy được trong hồ sơ giải quyết tranh chấp đất của UBND huyện Phú Quốc năm 1998, đó là đơn xin chuyển toàn bộ gia đình về nguyên quán là xã Long Phú, huyện Phú Châu, tỉnh Long Châu Tiền của ông Lợi lập ngày 5/7/1977 .
Trong đơn, ông Lợi còn ghi rõ: “ Tôi xin kê khai người và đồ vật di chuyển cùng như sau: Võ Thị Ngọc 37 tuổi (vợ), Nguyễn Tấn Lộc 10 tuổi (con) , Nguyễn Thị Kim Chi 8 tuổi (con), cùng một máy may hiệu SINCO và những vật dụng cần thiết trong gia đình’’. Nghĩa là ông Lợi có ý định ra đi không trở lại .
Cuối năm 1993 đầu năm 1994, khi hay tin Nhà nước đo đạc đất đai và cấp sổ thì ông Lợi quay trở lại . Bằng chứng là ngày 25/09/1993 ông Lợi đã làm đơn xin xác nhận nguồn gốc đất gửi đến Ban nhân dân ấp 4, trình bày là ông có khai khẩn một mảnh đất có diện tích 6.000m2 tại ấp 4 , năm 1983 thì trở về An Giang sinh sống, nay hay tin Nhà nước đo đạc cấp sổ nên ông đã quay về làm thủ tục thì ông Hà Văn Năng trước đó đã làm xong thủ tục đứng tên rồi và ông mong được chính quyền địa phương cứu xét.
Sau khi được ấp xác nhận, ông Lợi đã đến gặp ông Nguyễn Ngọc Văn , để rồi kết quả dẫn đến là việc chỉnh sửa hồ sơ của ông Văn như chúng tôi đã nêu ở trên và hệ lụy của nó là hàng loạt quyết định sai phạm của UBND huyện Phú Quốc và UBND tỉnh kiên Giang.
Tuy nhiên, hệ lụy lớn hơn mà không có gì có thể bù đắp nổi chính là nỗi oan ức và sự mất mát của ông Hà Văn Tài và gia đình của mình suốt hơn 20 năm sống trong cảnh nơm nớp lo sợ trên chính mảnh đất của mình mà không có quyền làm chủ, nhà hư sửa chữa thì bị đình chỉ, bị phạt, vườn tược hoang tàn nhưng không được phép cải tạo...
Hiện vụ việc được Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang thụ lý giải quyết và dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào cuối tháng 12/2016.