Các bản án của cấp sơ thẩm và phúc thẩm không chỉ vi phạm thủ tục tố tụng mà còn đánh giá một cách “sai lầm” bản chất sự việc khiến vô tình hay hữu ý “hợp thức hóa” cho hành vi chuyển nhượng bất hợp pháp di sản giữa một cá nhân trong gia đình cho một cá nhân khác…
Ngay từ đầu đã bị làm khó
Ngày 16/1/2006, vụ kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Xường và bà Út Lan được đưa TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử, nhưng HĐXX đã đình chỉ vụ án với lý do: Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng.
Trong khi đó, người đại diện theo ủy quyền đã có đơn xin tạm đình chỉ việc giải quyết vụ kiện vì sự việc có dấu hiệu của tội phạm và Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP. Cần Thơ đã thụ lý đơn và đang trong giai đoạn xác minh; Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cũng xuất trình các chứng cứ này cho Tòa án. “Nhưng không hiểu sao Tòa lại cố tình không xem xét, vẫn đưa vụ kiện ra xét xử và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tại phiên tòa” – bà Lang bức xúc.
Sau đó, người đại diện theo ủy quyền của các đồng nguyên đơn đã kháng cáo. Ngày 8/5/2006, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm và ban hành Quyết định số 2074/2006 hủy Quyết định đình chỉ vụ án số 01 ngày 16/1/2006 của TAND TP. Cần Thơ với lý do: “Xác định tư cách người khởi kiện không đúng, giao hồ sơ về cho TAND TP. Cần Thơ giải quyết lại theo thủ tục chung”.
Ngày 20/7/2006, trong khi chưa tiến hành các thủ tục theo quy định, TAND TP. Cần Thơ tiếp tục ban hành Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án với lý do: “Ông Nguyễn Trường Thành chưa đủ điều kiện để khởi kiện lại TAND với tư cách là nguyên đơn”. Tuy nhiên, đại diện nguyên đơn tiếp tục kháng cáo.
Ngày 5/1/2007, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm lần 2 và ban hành Quyết định 06/2007/DSPT với nhận định “việc xác định tư cách tham gia tố tụng của nguyên đơn có sự nhầm lẫn, chồng chéo”, nên đã hủy quyết định sơ thẩm, dành cho các đồng nguyên đơn quyền được làm đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định của pháp luật.
Phán quyết “hợp thức” chuyển nhượng trái phép!?
Điều bất ngờ là sau khi hồ sơ chuyển lại, ngày 24/4/2008, TAND TP. Cần Thơ lại ban hành Quyết định 25/2008/QĐST-DS tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án lần thứ 3 với lý do: Cần đợi kết quả việc giải quyết vụ án dân sự “Thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú của TAND quận Ninh Kiều”.
Trước đó, Tòa cũng đã yêu cầu người đại diện theo ủy quyền thực hiện thủ tục thông báo tìm kiếm người vắng mặt thiếu căn cứ, trong khi người đại diện ủy quyền đã nộp tiền tạm ứng chi phí thông báo việc niêm yết các văn bản tố tụng trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật và TAND TP.Cần Thơ đã chấp nhận. Đại diện nguyên đơn cho rằng, Tòa đã cố tình làm khó cho các đồng nguyên đơn bằng cách kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, không thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định.
Việc này khiến Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM lần thứ ba phải xét kháng cáo phúc thẩm và ban hành Quyết định giải quyết việc kháng cáo số 273/2008 hủy Quyết định tạm đình chỉ số 25/2008 ngày 30/7/2008 với lý do: “TAND quận Ninh Kiều không thụ lý vụ kiện nào liên quan đến ông Phan Xường, Quyết định tạm đình chỉ không thể hiện đầy đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”.
Có thể nói, bất chấp sự thật khách quan và kết quả xác minh của Công an TP. Cần Thơ, TAND TP. Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Phan Xường và bà Huỳnh Thị Út Lan. Đáng tiếc là Tòa Phúc thẩm TANDTC trong Bản án phúc thẩm số 84 ngày 28/4/2010 tuyên y án sơ thẩm. “Cả hai bản án không chỉ đánh giá sai bản chất sự thật của vụ án, làm thiệt hại nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế như chúng tôi, mà còn hợp thức hóa cho việc chuyển nhượng trái phép tài sản nói trên”- bà Lang bức xúc.
Liên quan đến vụ án này, với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các ông Phan Thiếu Thạch, Phan Xáng Diệp và bà Trần Lang ngay từ những ngày đầu tiên khởi kiện, LS Phan Trung Hoài có nhiều đơn kiến nghị gửi các cơ quan tố tụng Trung ương cho rằng: Xâu chuỗi một loạt các hành vi liên quan đến việc bị đơn giả mạo kê khai di sản thừa kế, rồi đơn phương chuyển nhượng khối tài sản cho người khác cho thấy những khuất tất, bất thường trong quá trình giải quyết và xử lý vụ việc của các cơ quan thẩm quyền. Ông nói: “Khối di sản của đại gia đình trị giá cả trăm tỷ đồng bỗng chốc như “con voi chui lọt lỗ kim” “biến” thành tài sản cá nhân ông Xường.
Việc giải quyết vụ án của một số cơ quan tiến hành tố tụng không đảm bảo sự thật khách quan, có dấu hiệu “bao che” và không kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật”. Vì lẽ đó, LS Hoài đề nghị lãnh đạo TANDTC và VKSNDTC xem xét, có ý kiến chỉ đạo, kiểm tra việc giải quyết đơn khiếu nại của các đồng nguyên đơn để xem xét có quyết định kháng nghị lại bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm.
Được biết Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã có ý kiến và Cục Điều tra VKSNDTC đã vào cuộc tiến hành xác minh, thẩm tra. |
Trần Tố