Đưa sản phẩm bản địa lên ngôi
Thời đại công nghệ 4.0, cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet, xu hướng kinh doanh trực tuyến hay bán hàng online đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, sự tăng trưởng bứt phá của sàn thương mại điện tử đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Đến nay, thị trường thương mại điện tử đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin.
Trong đó phải kể đến sự góp mặt của phụ nữ dân tộc khi họ trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh trên thị trường thương mại điện tử. Không chỉ dừng chân trên các địa bàn thành phố, giờ đây thương mại điện tử đã phát triển đến tận các bản làng xa xôi. Thậm chí tại nhiều vùng dân tộc thiểu số, những cô gái sơn cước chỉ quen với làm nương rẫy trồng ngô, trồng khoai đã bắt đầu biết quay clip, dựng video. Nắm bắt được xu thế, tận dụng mạng xã hội và sàn thương mại, nhiều phụ nữ dân tộc đã bắt tay vào sản xuất các sản phẩm và kinh doanh trên mạng, qua đó phát triển kinh tế hộ gia đình.
Thời gian qua, trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử TikTok, sản phẩm miến dong thái tay sợi to của tài khoản có tên Sùng Thị Bầu trở nên vô cùng “hot” với gần 100 nghìn lượt mua. Sùng Thị Bầu (sinh năm 2002) sống tại vùng cao cách thành phố Điện Biên 30km, cô bắt đầu dùng TikTok để đăng tải video chia sẻ cuộc sống thường ngày về con người, văn hoá nơi đây. Sau một thời gian lập kênh, gia đình Sùng Thị Bầu nhận được sự yêu thương, tình cảm của người dùng TikTok bởi vẻ ngoài chân chất, hiền lành. Thương hoàn cảnh khó khăn đôi vợ chồng trẻ lại còn phải nuôi con nhỏ, nhiều người cũng “mách nước” bảo hai vợ chồng hãy thử kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đi, biết đâu lại thành công.
Nhận thấy tiềm năng từ sản phẩm miến dong sợi to bản địa, hai vợ chồng bắt tay vào xây dựng kênh theo hướng kinh doanh bằng cách mở gian hàng trên sàn điện tử, đăng sản phẩm, quay video giới thiệu sản phẩm,… Hồi đầu sản phẩm bán được đều là do mọi người yêu thương nên ủng hộ, thế nhưng ai nhận được hàng cũng bất ngờ không nghĩ miến dong sợi to lại ngon và lạ miệng đến thế.
Dần dần “tiếng lành đồn xa” sản phẩm trở thành mặt hàng “hot” trên nền tảng TikTok, cứ nhắc đến miến dong sợi to là người mua sẽ nhớ ngay đến thương hiệu miến dong Sùng Bầu. Sau khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cuộc sống của gia đình ngày một tốt hơn, từ những ngày còn khó khăn khi hai vợ chồng không có cả tiền để đi đẻ giờ đây cô gái Sùng Thị Bầu đã xây được nhà ở tuổi 21. Không chỉ làm giàu cho mình, thông qua kênh TikTok Sùng Thị Bầu còn giúp đỡ các em nhỏ nơi cô sống và làm cầu nối đưa tình cảm của các mạnh thường quân đến thôn làng.
Có thể thấy, giờ đây không chỉ có phụ nữ ở đô thị mà nhiều chị em phụ nữ dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cũng đang tiếp cận và làm chủ công nghệ. Không chỉ giúp làm giàu cho bản thân, cho gia đình, nhiều phụ nữ dân tộc còn tạo nên tên tuổi, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Còn nhớ vào năm 2022, câu chuyện về cô gái dân tộc Mường bán thịt chua đạt doanh thu khủng đã gây bão cộng đồng mạng. Cô gái đó là Nguyễn Thị Thu Hoa ( SN 1992, Phú Thọ) cùng hành trình khởi nghiệp từ năm 18 với mơ ước lan tỏa nghề làm thịt chua truyền thống của gia đình mình đến với mọi miền Tổ quốc.
Với hành trình phấn đấu không ngừng nghỉ nhờ sự kiên trì, chịu khó cộng với việc vừa làm vừa tự nghiên cứu, sản phẩm thịt chua của chị đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Một trong những yếu tố đưa sản phẩm đến với tay người tiêu dùng chính là nhờ sàn thương mại điện tử. Nhận thấy công nghệ 4.0 đang chiếm ưu thế, chị đã bắt kịp xu thế, hướng đến kinh doanh online, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Giờ đây cả nước đã biết đến sản phẩm thịt chua đặc sản Đất Tổ và Nguyễn Thị Thu Hoa được biết đến là người phụ nữ dân tộc thành công khởi nghiệp, là tấm gương truyền cảm hứng cho phụ nữ nói chung và các bạn trẻ nói riêng.
Kết nối phụ nữ dân tộc với chuyển đổi số
Sản phẩm miến dong sợi to Sùng Thị Bầu gần 100 nghìn lượt mua trên sàn thương mại điện tử. (Ảnh- chụp màn hình) |
Theo báo cáo, tăng trưởng của ngành hàng truyền thống từ 2020 - 2025 chỉ trung bình từ 9 - 13%, trong khi ngành hàng online là 25 - 43%. Có thể thấy thị trường thương mại điện tử đang tăng trưởng rất mạnh. Do đó, việc lựa chọn tham gia thị trường thương mại điện tử được coi là xu thế không nên bỏ qua.
Nhất là đối với các chị em phụ nữ dân tộc ở vùng sâu, vùng xa thương mại điện tử giúp kết nối nhà sản xuất với người mua, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Nếu như ngày trước, nguồn lực hàng nông sản tại các tỉnh vùng cao là rất đa dạng, tiềm năng, nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là thách thức, trở ngại lớn. Giờ đây, việc đưa sản phẩm lên các kênh mạng xã hội, thương mại điện tử đã mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, nhằm phát huy vai trò, tiếng nói của phụ nữ trong tham gia xây dựng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tích cực triển khai tới các cấp hội phụ nữ tham gia các hoạt động cộng đồng trang bị kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng, hội phụ nữ các huyện đã mời cán bộ về mở lớp hướng dẫn kiến thức về công nghệ thông tin. Dù lần đầu tiếp xúc các khái niệm như chuyển đổi số, marketing... nhưng với sự chịu khó học hỏi, đến nay, thị trường tiêu thụ của phụ nữ nơi đây đã mở rộng ra hàng chục tỉnh, thành cũng chủ yếu thông qua quảng bá trên các nền tảng số. Sau các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tập huấn về khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp, phụ nữ dân tộc đã thay đổi rõ rệt về nhận thức.
Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ A Lưới cho biết: “Từ khi kinh doanh buôn bán qua điện thoại thông minh, các chị cũng quảng cáo nông sản của mình qua Facebook, Zalo và các trang mạng xã hội khác nên bán được nhiều sản phẩm. Vì vậy, nhiều phụ nữ không còn phải vất vả gùi hàng xuống chợ, mà có thương lái đến tận nhà thu mua”.
Trở ngại lớn nhất cho phụ nữ dân tộc vùng cao trong quá trình tiếp cận với công nghệ số là thiếu điều kiện trang bị các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính. Ở miền núi, hạ tầng internet cũng chưa toàn diện. Nhiều gia đình chưa được phủ sóng internet, sử dụng phí 3G, 4G khá đắt đỏ nên hạn chế tham gia các hoạt động chuyển đổi số.
Nhận thấy còn nhiều khó khăn, đã có nhiều mô hình ở các hội phụ nữ hỗ trợ phụ nữ mượn tiền mua điện thoại thông minh; đồng thời, hướng dẫn phụ nữ những kiến thức cũng như thông tin pháp luật khi sử dụng các trang mạng xã hội, internet. Qua đó, giúp phụ nữ có những kiến thức cơ bản nhất khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm liên quan đến chuyển đổi số.
Trong tình hình mới, chuyển đổi số nói chung và thị trường thương mại điện tử nói riêng đang mở ra cơ hội để phụ nữ dân tộc tiến nhanh, tiến xa hơn trong sản xuất, kinh doanh cũng như giữ vững và khẳng định vị thế của mình. Từ đó quan niệm và cách nhìn nhận về vai trò của phụ nữ trong xã hội đã có những thay đổi tiến bộ, “xé rào” định kiến.
Theo Quyết định số 645/2020/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, công tác đồng hành hỗ trợ khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trong việc ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số là một trong những yếu tố quan trọng trong việc như hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; Mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới…