Cán cân gia đình và công việc rất riêng biệt
Nhật Bản là một quốc gia xếp hạng chót trong báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu. Năm 2013, Nhật Bản xếp thứ 105 (trong tổng số 135 quốc gia), thậm chí là xếp sau cả nước Burkina Faso về bình đẳng giới. Cán cân gia đình và công việc ở Nhật Bản rất riêng biệt: đàn ông giỏi việc nước, phụ nữ đảm việc nhà.
Ít ai biết rằng hình ảnh người phụ nữ tất tả từ 6 giờ sáng đến tận 11 giờ 30 tối, loay hoay với việc nấu ăn cho chồng con, dọn dẹp nhà cửa, vừa địu con vừa nấu cơm vẫn là một hình ảnh vô cùng phổ biến trong những gia đình Nhật Bản. Vất vả là vậy, nhưng nếu những người phụ nữ chọn đi làm và gửi con đi học sớm sẽ bị cho là người mẹ, người vợ thiếu trách nhiệm.
Bởi một đứa trẻ Nhật khi đi học sẽ có rất nhiều hoạt động tại trường và thường đòi hỏi sự có mặt của người mẹ. Sự vắng mặt, thiếu quan tâm của người mẹ khiến cho con của họ sẽ bị đối xử theo cách thương hại, hay thậm chí là bị bắt nạt.
Còn về phần trách nhiệm một người vợ thiếu trách nhiệm, người Nhật quan niệm tổ ấm là báu vật của người mẹ. Vì thế, nếu đi làm, một người phụ nữ không thể hãnh diện với xã hội khi nhà cửa không ngăn nắp, dơ bẩn, khi họ không có thời gian dành cho dạy con những bài học cuộc sống, chồng con họ chẳng thể nào ngẩng mặt với mọi người khi không được chuẩn bị hộp cơm ngon, bổ, bắt mắt.
Theo kết quả từ một cuộc khảo sát về lối sống ở Nhật, nam giới đã kết hôn chỉ dành khoảng 30 phút một ngày để chăm sóc con cái, nhà cửa. Rất nhiều người đàn ông của nước này cho biết, họ chỉ có thể gặp vợ con khi đồng hồ điểm 11 giờ đêm.
Rõ ràng với bối cảnh như vậy, nhiều người phụ nữ Nhật chấp nhận thực tế ở nhà tập trung chăm sóc chồng con, nhà cửa, xem đây như một việc làm đặc biệt. Tuy nhiên, phụ nữ Nhật thời nay quan niệm sẽ không kết hôn nếu không tìm được “nửa kia hoàn hảo” để không ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình, đồng thời không muốn có con.
Thế là dân số Nhật Bản từ đó cứ thế giảm dần, tỷ lệ sinh ngày càng thấp đi đến mức vào tháng 11/2015, Chính phủ quyết định sẽ thưởng 10 triệu yên Nhật (gần 1,8 tỉ đồng) cho mỗi cặp vợ chồng trong lần sinh con đầu tiên. Tín hiệu đáng mừng là năm 2015 đã có hơn 1 triệu em bé được sinh ra ở đất nước mặt trời mọc, tăng 4 nghìn so với cùng kỳ năm trước và tăng lần đầu tiên kể từ năm 2010.
Tuy nhiên, điều này vẫn chẳng làm chính quyền Nhật Bản hài lòng hơn khi tỷ lệ nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn nhưng không muốn lập gia đình đang ngày càng tăng. Trong năm 2015, khắp nước Nhật có 635 nghìn cặp kết hôn, giảm 9 nghìn so với năm 2014, đánh dấu mức thấp kể từ sau chiến tranh Thế giới II.
Quan niệm người đàn ông nắm mọi quyền hành là sai lầm
Dựa vào những kết quả trên, Nhật Bản có vẻ không phải là một quốc gia lý tưởng cho phụ nữ, song chúng ta đã lầm. Trong khi khoảng cách giới tính trong công sở, nền kinh tế và chính trị là rất lớn thì những yếu tố xã hội khác lại cho thấy phụ nữ Nhật nắm quyền rất lớn trong tay.
Sáng kiến mới của Thủ tướng Shinzo Abe là “kinh tế nữ giới”, nhắm đến việc phá vỡ văn hóa doanh nghiệp truyền thống – tức là công sở chủ yếu là nơi dành cho nam giới - để tạo điều kiện cho nữ giới duy trì công việc và phát triển sự nghiệp sau khi sinh con. Hiện tại, 50 - 60% phụ nữ Nhật nghỉ việc sau khi sinh con.
Sáng kiến “kinh tế nữ giới” đặt mục tiêu đưa một triệu phụ nữ quay trở lại công sở. Thủ tướng Abe hy vọng thúc đẩy ít nhất 54,5% phụ nữ chuyển từ các công việc bán thời gian sang toàn thời gian.
Trong khi đây là một mục tiêu đáng ngưỡng mộ và cần thiết để giải quyết tình trạng lao động già và suy giảm lực lượng lao động, kế hoạch này có thể bị phản tác dụng. Lý do là bởi phụ nữ Nhật nắm khá nhiều quyền lực trong tay và chưa chắc đã muốn đánh đổi điều đó cho thứ gì khác.
Ở Nhật, làm mẹ thực sự được coi là một nghề của người phụ nữ. Người mẹ cống hiến 100% sức lực với việc chăm sóc con cái, quan tâm việc học và lo toan việc nhà. Đây là điều mà họ cực kỳ tự hào về bản thân. Với việc làm mẹ gần như được nâng tầm lên thành nghệ thuật, không khó để hiểu tại sao phụ nữ Nhật sẵn sàng gạt bỏ sự nghiệp sang một bên để toàn tâm nuôi dạy con cái.
Hơn nữa, phụ nữ Nhật là người nắm tay hòm chìa khóa trong gia đình. Người chồng sẽ đưa hết tiền lương cho vợ nắm giữ và chỉ nhận một phần tiền để tiêu vặt (một khảo sát cho biết là khoảng 500 đôla/tháng). Phụ nữ thực sự là người nắm quyền. Họ cũng thường lập “quỹ đen” để chi tiêu cá nhân, đôi khi tự nuông chiều bản thân hoặc để dành cho lúc về già.
Không những thế, phụ nữ Nhật được hưởng thụ dịch vụ thai sản tuyệt vời. Với tỷ lệ sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong thuộc loại thấp nhất trên thế giới, sản phụ thường không về nhà ngay sau khi sinh con. Thay vào đó, cả mẹ và bé được ở lại 5 - 10 ngày để nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe.
Trong thời gian này, các bà mẹ sẽ được chuyên gia hướng dẫn về việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Họ có thể chọn giữa bệnh viện tư và bệnh viện công để sinh con và bảo hiểm y tế xã hội sẽ chi trả một khoản tiêu chuẩn là 420.000 yên (tương đương 3.500 đôla) cho bà mẹ.
Đặc biệt, liên quan đến quyền nuôi dạy con sau ly hôn, kết quả thống kê cho thấy người mẹ luôn chiếm tỷ lệ giành được quyền nuôi con tới 80 - 90%.
Người không có quyền nuôi con thường hiếm khi có dịp gặp lại con mình. Việc thăm con có thể được sắp xếp theo thỏa thuận hai bên nhưng nhiều phụ nữ không cho phép chồng gặp con. Vì vậy, có thể nói, Nhật Bản không phải nơi người đàn ông nắm mọi quyền hành!