Một trong những khía cạnh của sự bất bình đẳng giới (BĐG) đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ. Năm 2014 tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đã đạt con số 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm 1,6 điểm phần trăm so với năm 2013. Đây là con số ấn tượng thể hiện sự vượt chỉ tiêu kiềm chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh rất cao như Quảng Ngãi lên đến 220 bé trai/100 bé gái, Lào Cai 126/100, Hải Dương 118/100… Các cuộc điều tra cho thấy kết quả đáng ngạc nhiên là chính phụ nữ mới là người thúc đẩy việc sinh con trai nhiều hơn cả.
Điều tra của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho thấy, ở nhóm phụ nữ có trình độ học vấn càng cao thì tỷ suất giới tính khi sinh cũng càng cao. Hầu hết phụ nữ có học thức “khát” con trai hơn phụ nữ học vấn thấp và tỷ lệ phụ nữ biết trước giới tính thai nhi ở thành thị cao hơn nông thôn.
Theo nghiên cứu về gia đình Việt Nam, nhận thức và thái độ về gia đình năm 2010 cũng cho kết quả 36,7% cho rằng gia đình nhất thiết phải có con trai; 56,8% mong muốn có con trai nếu chỉ sinh một con.
Minh họa nguồn internet. |
Cũng theo báo cáo của Bộ Tư pháp, vấn đề bình đẳng giới được lồng ghép vào 100% văn bản quy phạm pháp luật của Bộ này xây dựng và các bộ, ngành khác. Tuy nhiên, do cán bộ làm công tác tham mưu hoạch định chính sách còn hạn chế về kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép nên quá trình triển khai quy định lồng ghép BĐG trên thực tế vẫn còn nhiều lúng túng.
Ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) nhận định, hiệu quả triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới chưa cao do định kiến giới vẫn còn tồn tại trong nhân dân và cả một bộ phận cán bộ.