Hết rút thăm, lại xét tuyển
Theo thẩm định ngày 23/4/2018 của Bộ Giáo dục Đại học Pháp, tổng tài sản bị thiệt hại lên đến hơn một triệu euro. Đại học Paul-Valéry ở Montpellier, đại học Paris 1, chi nhánh Tolbiac, quận 13 Paris, hai vùng “kháng chiến biểu tượng” của phong trào, bị thiệt hại từ 200 – 300 ngàn euro.
“Ai cũng có quyền được học đại học” là một trong những mục tiêu chính mà các sinh viên bãi khóa bảo vệ, như phát biểu của Agrève Agathe, sinh viên trường Paris 1 – Tolbiac. “Với tôi, phong trào này không chỉ nhằm phản đối luật về xét tuyển đại học. Việc phong tỏa một khu vực nào đó cho phép thấy rõ hơn những yêu cầu, không chỉ của mỗi giới sinh viên, mà còn của các lĩnh vực đang lâm nguy.
Vì thế, điều thúc đẩy tôi đến đây, đó là góp phần vào phong trào tập hợp, vừa mang tính văn hóa, vừa mang tính chính trị. Đây chính là điểm khiến Tolbiac trở thành nơi thú vị để tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe trước việc giới chính trị có vẻ rất kiên quyết trong việc áp dụng chương trình tự do kiểu mới.
Đây cũng là nơi để chúng tôi chuẩn bị bảo vệ quyền lợi của mình, không hẳn chỉ là quyền lợi của sinh viên như tôi, mà còn của những người khác đang sống trong tình trạng bấp bênh”.
Vậy tại sao luật Định hướng đào tạo và Thành công của sinh viên được Nghị viện Pháp thông qua ngày 15/2/2018, lại bị phản đối? Trước hết, phải nói là luật mới đã xóa bỏ một quy định bị chỉ trích gay gắt trong mùa tuyển sinh 2017 - 2018, đó là rút thăm vào các trường đại học và các ngành được chuộng nhất.
Sinh viên đại học Jussieu, Paris cũng xuống đường phản đối các cải cách của tổng thống Macron |
Tiếp theo, mọi hồ sơ đăng ký, chọn ngành đại học năm đầu tiên, được thực hiện trên một cổng thông tin điện tưe. Trong trường hợp thiếu chỗ, trường sẽ ưu tiên những ứng viên đáp ứng đầy đủ điều kiện “mong đợi”, dựa trên điểm số của học sinh hay danh tiếng của trường cấp ba. Nguyện vọng, động lực của học sinh thường chỉ được xem xét khi cần cân nhắc giữa một số hồ sơ.
Với nhiều người, đây chính là cách chọn đầu vào đại học, một cách lựa chọn mà chính phủ “khôn khéo tránh nêu tên”, theo nhận định của giáo sư Claude Garcia.
Cú sốc dân số thế hệ “Baby boom 2000”
Mùa khai giảng 2017, ngành đào tạo đại học Pháp đối mặt với cú sốc dân số thế hệ “Baby boom 2000”. Không chỉ rất đông, đây còn là thế hệ thích khác biệt, với lối sống tự do, phóng khoáng, làm chủ bản thân, mà theo một đánh giá, sẽ còn kéo dài đến năm 2025. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao, trong năm tuyển sinh 2017, Bộ Đại học Pháp áp dụng biện pháp “rút thăm” may rủi, gây bất bình.
Chính phủ Pháp cũng bị chỉ trích đã không chuẩn bị để ứng phó với hiện tượng tăng dân số dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng đại học vì các trường đại học là nơi thu hút phần lớn số lượng sinh viên tăng mỗi năm, theo một thẩm định. Thực tế này cho thấy có một tấm bằng đại học luôn là cánh cửa dẫn đến nhiều cơ hội trong tương lai.
Một số trường đại học Pháp vẫn cố hết sức mở rộng cửa đón sinh viên vào năm thứ nhất vì họ hiểu rằng kết quả kỳ thi cuối năm sẽ là công cụ lựa chọn vào các ngành “hot”. Những sinh viên không đủ điểm sẽ chuyển sang ngành học khác hoặc sang các trường “xếp hạng hai”.
Trước phong trào bãi khóa tại Pháp, các kỳ kiểm tra giữa kỳ và sắp tới là thi kỳ hai năm học 2017 - 2018 đã bị hoãn lại, với một số trường là “vô thời hạn”, một số trường phải tổ chức ở những địa điểm khác hoặc làm bài kiểm tra trực tuyến.
Sinh viên biểu tình của một số trường còn yêu cầu không cần thi nhưng vẫn được điểm tối thiểu là 10/20 ở Toulouse, thậm chí là điểm tối đa 20/20 ở Nanterre. Tuy nhiên, “sẽ không có kỳ kiểm tra ăn sẵn” như lời cảnh báo cứng rắn của tổng thống Pháp Emmanuel Macron:
“Họ phải hiểu được một điều, đó là nếu muốn qua được kỳ thi cuối năm, tốt hơn hết là họ nên ôn tập”. Ngày càng có nhiều sinh viên không bãi khóa cũng lên tiếng phản đối và yêu cầu tôn trọng “quyền được đi học”, như khẩu hiệu mà các sinh viên biểu tình vẫn bảo vệ.